web analytics

‘Muốn làm cao tốc Bắc – Nam, doanh nghiệp Việt cần liên kết để tạo ra quả đấm mạnh hơn’ 13/07/2019

(KDTT) – Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, sẽ không có nhiều nhà đầu tư trong nước đạt được điều kiện về vốn và năng lực để thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần liên kết lại với nhau để tạo ra “quả đấm” mạnh hơn, từ đó cạnh tranh sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài.

TS Nguyễn Xuân Thủy mong các doanh nghiệp trong nước thực hiện cao tốc Bắc – Nam để lớn mạnh hơn.

Tính đến ngày 11/7, đã có 7/8 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam thực hiện theo hình thức công tư (PPP) tiến hành mở thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Trong tổng số 51 bộ hồ sơ mà các ban quản lý dự án tiếp nhận thì có tới 36 bộ hồ sơ là của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc… Đặc biệt, cả 7/8 dự án vừa tiến hành mở thầu đều có sự xuất hiện của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Trao đổi với VietnamFinance xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng theo quy định, các nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện đều hoàn toàn có thể tham gia đấu thầu thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam và chúng ta không thể ngăn cấm họ được. Tuy nhiên các yêu cầu mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra quá nặng nề cho các doanh nghiệp trong nước.

“Các điều kiện mà Bộ GTVT đưa ra có phần hơi nặng nề và nó có thể làm ‘hẹp cửa’ cho các nhà đầu tư trong nước quan tâm đến dự án này, đồng thời khiến việc cạnh tranh của nhà đầu tư nội trở nên khó khăn hơn với các nhà đầu tư ngoại”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Từ lẽ đó, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng Bộ GTVT nên bàn lại các tiêu chí này và có những châm chước nhất định cho các nhà đầu tư nội địa để họ có thể liên kết với nhau và tạo ra sức mạnh.

Trên thực tế, ngoài các tiêu chí chung thì Bộ GTVT cũng đưa ra những yêu cầu riêng đối với các nhà đầu tư ngoại, chẳng hạn như phải từng thực hiện đầu tư thành công một dự án tương tự như đường cao tốc Bắc-Nam ở một nước mà họ không mang quốc tịch. Đặc biệt, quá trình thực hiện dự án ở nước đó không xảy ra kiện tụng, tranh chấp, lịch sử quá trình thực hiện dự án phải lành mạnh.

Đánh giá về khả năng của các nhà đầu tư trong nước, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được như Tổng công ty Sông Đà, các Cienco (các tổng công ty xây dựng công trình giao thông), Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Trường Sơn… Đây đều là những doanh nghiệp có đủ thiết bị, công nghệ và đặc biệt là có kinh nghiệm trong việc thực hiện các công trình lớn.

Đã có 7/8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam mở thầu sơ tuyển

“Khả năng trúng thầu của các doanh nghiệp Việt là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, để cạnh tranh sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư có vốn lớn hơn, có công nghệ hiện đại hơn… thì các doanh nghiệp Việt cần liên kết với nhau, tạo ra quả đấm mạnh hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội cũng cần đoàn kết với nhau, kèm theo đó là cơ chế chính sách ưu tiên của nhà nước thì doanh nghiệp nội hoàn toàn có khả năng chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này”, ông Thủy nói.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng bản thân doanh nghiệp nội tham gia thực hiện cao tốc Bắc – Nam cũng được rất nhiều người dân ủng hộ. Người dân đã bớt tính sính ngoại và tin dùng hơn các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là có thể đóng góp cho nền kinh tế quốc gia.

Về lo ngại việc các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu sẽ có thể lặp lại dự án Cát Linh – Hà Đông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng chúng ta không nên vơ đũa cả nắm bởi không phải tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc đều yếu kém. Tuy nhiên đối chiếu lại từ dự án Cát Linh – Hà Đông thì Bộ GTVT cần phải thận trọng hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư Trung Quốc để tránh lặp lại.

Trước đó như VietnamFinance đã thông tin, sau khi mở thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, mỗi dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư để vào vòng đấu thầu, được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp. Danh sách nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển sẽ được trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt trong 20 ngày.

Sau khi có kết quả sơ tuyển, quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc Bắc Nam sẽ bắt đầu từ tháng 10, sau đó là công tác chấm thầu, phê duyệt kết quả trong tháng 3/2020; đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 4/2020.

8 dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, gồm: Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Đồng Nai.

Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo vietnamfinance.vn