Loạt “tay chơi” mới

Từng tham gia thị trường bất động sản từ những năm 2009-2010 với các dự án khu đô thị, bất động sản bán lẻ (siêu thị) nhưng không thành công, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà – ông Lê Vĩnh Sơn đã tuyên bố với cổ đông sẽ không làm bất động sản trong vòng ít nhất 5 năm.

Sau 5 năm, Sơn Hà một lần nữa trở lại với thị trường bất động sản, nhưng lần này không đi “lối cũ” mà lựa chọn tham chiến ở mảng bất động sản công nghiệp – phân khúc được xem là sáng giá nhất hiện nay. Tập đoàn này dự kiến sẽ làm khu công nghiệp tại các tỉnh thành có nhiều tiềm năng như: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Long An, Đồng Nai… với ý tưởng về một khu công nghiệp kiểu mới là bên trong xây nhà xưởng, bên ngoài làm hạ tầng dịch vụ.

Sự trở lại này được đánh dấu bằng dự án khởi công hồi tháng 4 năm nay là khu công nghiệp SHI IP Tam Dương tại Vĩnh Phúc. Dự án này có quy mô 162,33 ha, trong đó tổng diện tích cho thuê (diện tích thương phẩm) là 116,03 ha, còn 5,59 ha là khu thương mại dịch vụ, điều hành phục vụ tiện ích cho khu công nghiệp. Với tổng vốn đầu tư 1.576 tỷ đồng, dự án dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng lần 1 vào quý IV/2023 và bắt đầu đi vào hoạt động vào quý III/2024.

Bất động sản khu công nghiệp đón nhiều “tay chơi” mới
Bất động sản khu công nghiệp đón nhiều “tay chơi” mới. (Ảnh: VGP)

Sơn Hà không phải “tay chơi” duy nhất bước chân vào mảng bất động sản công nghiệp. Phân khúc này vẫn duy trì sức nóng với các nhà đầu tư ngay cả khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng.

Cuối tháng 11 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) đã chính thức gia nhập lĩnh vực bất động sản công nghiệp khi trở thành nhà đầu tư dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có quy mô 233 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.320 tỷ đồng.

Một ông lớn ngành xây dựng là Công ty Cổ phần FECON cũng đẩy mạnh tham vọng lấn sân sang bất động sản công nghiệp. Thành danh từ mảng thi công nền móng, công trình ngầm rồi mở rộng sang các lĩnh vực khác như năng lượng, dân dụng… Fecon đang chuyển mình trở thành chủ đầu tư phát triển khu đô thị vệ tinh và khu công nghiệp.

“Phát súng” đầu tiên báo hiệu cuộc chơi mới ở mảng bất động sản công nghiệp của Fecon là trở thành chủ đầu tư của Cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Dự án có diện tích 75 ha với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào khai thác từ quý III/2024.

Bên cạnh đó, Fecon còn đang theo đuổi 3 dự án khác là Khu công nghiệp Thái Đào – Lão Hộ tại Bắc Giang, Khu công nghiệp Chấn Hưng tại Vĩnh Phúc và Khu công nghiệp Yên Phong 2 tại Bắc Ninh.

Chuyển động từ “tay to”

Bên cạnh những “tay chơi” mới đang từng bước lấn sân thì các “tay to” kỳ cựu ở lĩnh vực bất động khu công nghiệp cũng đang rốt ráo lên kế hoạch mở rộng quỹ đất, xúc tiến đầu tư, khởi công để sớm bắt sóng.

Cụ thể, Tập đoàn Gelex vừa qua đã khởi công dự án Khu công nghiệp cao cấp Industrial Centre YP2C tại Bắc Ninh, đánh dấu cột mốc quan trọng sau thoả thuận hợp tác chiến lược giữa tập đoàn và Frasers Property Việt Nam. Trước đó, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm triển khai các khu công nghiệp theo mô hình cao cấp, đạt chuẩn quốc tế tại miền Bắc với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu này dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD.

Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng đang gấp rút thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể chính thức cung cấp mặt bằng kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào năm 2024 tại Khu công nghiệp Tràng Duệ 3.

Công ty Chứng khoán VNDirect hé lộ, LG Innotek sẽ là khách hàng đầu tiên Tràng Duệ 3 và khởi đầu cho làn sóng vốn FDI mạnh mẽ đổ vào khu công nghiệp này những năm tới. Bởi trên thực tế, Kinh Bắc từng thành công với Khu công nghiệp Tràng Duệ 1 và 2 khi thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như Haengsung, Heesung, Dong Yang…

Gần đây nhất, tại Quảng Trị, dự án Khu công nghiệp Quảng Trị hơn 481 ha cũng đã được khởi công. Đây là dự án được thực hiện bởi Công ty TNHH Liên Doanh Phát Triển Quảng Trị – là liên doanh của Công ty Liên doanh TNHH Khu Công Nghiệp Việt Nam – Singapore, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa của Thái Lan và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. Chủ đầu tư định vị đây là khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu cho ngành dệt may, giày dép, bao bì và in ấn, chế biến gỗ và nội thất, thực phẩm và đồ uống.

Nhìn về tương lai

Theo các chuyên gia, việc xuất hiện nhiều nhà phát triển khu công nghiệp mới cũng như loạt dự án được khởi công trong thời gian qua cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đã sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới.

Ông Paul Fisher, Giám đốc quốc gia, công ty bất động sản JLL Việt Nam chia sẻ, công ty này thấy sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế. Trong đó một số nhà đầu tư đã bắt đầu tiến hành “chốt” các giao dịch tại thị trường Việt Nam. Kỳ vọng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.

Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam đã khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng tích cực. Số liệu được Bộ Xây dựng công bố cho thấy tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam đều duy trì khoảng 85 – 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.

Tỷ lệ giao dịch đất công nghiệp tăng khoảng 5,9% so với quý trước, tính chung 3 quý năm 2023 cao hơn 20% so với cả năm 2022. Giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng nhẹ khoảng 3% so với cuối năm 2022; còn giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp trong quý III cơ bản ổn định so với quý trước đó.

Giới quan sát cho rằng, thị trường bất động sản khu công nghiệp 2023 đang ghi nhận xu hướng nghiêng về các tỉnh phía Bắc. Phía Bắc đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Song thời gian tới, nhà đầu tư sẽ cân nhắc và có thể nhắm đến phía Nam bởi giá bán kho, xưởng và giá đất ở phía Bắc đang có động thái tăng cao, gây ra một số trở ngại trong việc mở rộng quỹ đất.

Bổ sung về lý do phía Bắc đang thu hút được nguồn vốn đầu tư, tại một diễn đàn về bất động sản được tổ chức mới đây, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, 30 năm trước, phía Nam là khu vực đứng đầu về bất động sản công nghiệp, đặc biệt là Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Khi quỹ đất hẹp đi thì nhà đầu tư chuyển sang Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy nhiên, khu vực này có địa chất yếu, trong khi các ngành sản xuất có công nghệ cao, chi phí lớn dẫn đến nhà đầu tư chuyển dần sang khu vực phía Bắc.

Tại TP.HCM, ông Đức cho biết, việc thu hút đầu tư tiếp tục phát triển nhưng những vấn đề tồn tại là quỹ đất. Hiện thành phố đang có 18 khu chế xuất, công nghiệp, khu công nghệ cao với tỷ lệ cho thuê kho xưởng lấp đầy là 80%. Điều này khiến thành phố khó đón thêm các doanh nghiệp mới nếu không phát triển được các bất động sản khu công nghiệp mới. Tuy nhiên quỹ đất tại thành phố đã không còn nhiều, giá trị cũng đang cao.

Còn ông Bruno Jaspaert đến từ DEEP C cho rằng, tới đây, dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp sẽ có sự dịch chuyển từ các thị trường thứ nhất (TP.HCM, Hà Nội) chuyển dịch sang các thị trường thứ hai và thậm chí là những thị trường thứ ba do quỹ đất cần mở rộng và hạ tầng được cải thiện hơn. Những thị trường mới như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… (phía Bắc) hay Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Hậu Giang, Tiền Giang… (phía Nam) có thể mở ra nhiều cơ hội phát triển mới./.