web analytics

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 27/07/2023

(KDTT) – Trong 6 tháng/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 316,52 tỷ USD, giảm 15,2%, tương ứng giảm 56,67 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 164,68 tỷ USD, giảm 12% (tương ứng giảm 22,49 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 151,84 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 31,18 tỷ USD).

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với Châu Á là 204,98 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất 64,8% trong tất cả các châu lục và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Châu Mỹ với 64,29 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,3%, giảm 19,9%; Châu Âu là 35,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,2%, giảm 9,6%; Châu Đại Dương với 7,67 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,4%, giảm 14,5%; Châu Phi với 4,08 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,3%, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nhóm hàng xuất khẩu chính

Điện thoại các loại và linh kiện: Xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 6/2023 đạt 4,01 tỷ USD, tăng 37,2% so với tháng trước. Qua đó, nâng mức trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng năm 2023 lên 24,2 tỷ USD, giảm 18,2%, tương ứng giảm tới 5,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường chủ lực như Trung Quốc là 6,33 tỷ USD, giảm 2%; Hoa Kỳ là 4,08 tỷ USD, giảm 39,7% và Hàn Quốc là 1,59 tỷ USD, giảm 43,3%. Riêng xuất khẩu nhóm hàng này sang EU (27) đạt 3,42 tỷ USD, tăng 4% và ASEAN đạt 1,13 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện: Xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2023 là 5,07 tỷ USD, tính chung trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng năm 2023 là 25,59 tỷ USD, giảm 7,9%, tương ứng giảm 2,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng này giảm ở thị trường Hoa Kỳ, EU (27 nước), Hồng Kông và ASEAN nhưng tăng ở thị trường Trung Quốc. Cụ thể, xuất sang thị trường Hoa Kỳ là 7,36 tỷ USD, giảm 0,2%; Trung Quốc là 6,13 tỷ USD, tăng 4%; EU(27) là 2,66 tỷ USD, giảm 28,9%; Hồng Kông là 2,24 tỷ USD, giảm 22,9%; ASEAN là 1,17 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 3,21 tỷ USD, giảm 1,6% so với tháng trước. Tính trong 6 tháng năm 2023 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 19,7 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong 6 tháng năm 2023 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 7,93 tỷ USD, giảm 18,1%; EU(27) với 2,79 tỷ USD, tăng 2,5%; Trung Quốc với 1,48 tỷ USD, giảm 0,5%; Nhật Bản với 1,33 tỷ USD, giảm 2,8%… so với cùng kỳ năm trước.

Hàng dệt may: Trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 6/2023 đạt 3,06 tỷ USD, tăng 4,9% so với tháng trước. Đây là tháng lấy lại mốc 3 tỷ USD, sau 9 tháng xuất khẩu dưới mốc này. Tính trong 6 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 15,73 tỷ USD, giảm 15,4% (tương ứng giảm tới 2,86 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Trong 6 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ là 6,95 tỷ USD, giảm 26% (tương ứng giảm 2,38 tỷ USD) và chiếm 44% trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo xuất khẩu sang EU (27), trị giá 1,93 tỷ USD, giảm 9,3%; Hàn Quốc là 1,34 tỷ USD, giảm 2,2%. Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản lại là điểm sáng về xuất khẩu nhóm hàng này, với trị giá xuất trong 6 tháng/2023 đạt 1,75 tỷ USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước.

Giày dép các loại: Xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 6/2023 đạt 1,76 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong 6 tháng năm 2023 lên 9,82 tỷ USD, giảm 16,8% (tương ứng giảm 1,98 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất sang Hoa Kỳ là 3,34 tỷ USD, giảm 34,4%; EU(27) là 2,46 tỷ USD, giảm 15,4% và Trung Quốc là 863 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng thủy sản: Xuất khẩu hàng thủy sản trong tháng 6/2023 là 768 triệu USD, giảm 5,1% so với tháng trước. Tính chung lũy kế 6 tháng/2023, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam là 4,15 tỷ USD, giảm 27,1% (tương ứng giảm 1,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng qua, xuất khẩu hàng thủy sản sang Nhật Bản là 713 triệu USD, giảm 10,9% và sang Hoa Kỳ là 706 triệu USD, giảm tới 45,9%. Tiếp theo, xuất sang Trung Quốc là 634 triệu USD, giảm 22,9%; EU(27 nước) là 599 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng rau quả: Trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 6/2023 đạt 662 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng trước. Tính chung lũy kế trong 6 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt tới 2,68 tỷ USD, đạt mức trị giá xuất khẩu trong 6 tháng cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 60,1% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong 6 tháng/2023 đã tăng tới hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm đến nay, quả sầu riêng của Việt Nam (mã HS 0810.60.00) xuất khẩu tăng cao đột biến trong tháng 5/2023 xuất khẩu đạt 332 triệu USD và tháng 6/2023 đạt 375 triệu USD. Tính chung lũy kế trong 6 tháng qua, xuất khẩu quả sầu riêng đạt 876 triệu USD, tăng tới 832 triệu USD so với con số 44,2 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, quả sầu riêng của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 835 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Gạo: Lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới trong tháng 6/2023 là 618 nghìn tấn, giảm 14,7% so với tháng trước. Qua đó, nâng tổng lượng gạo trong 6 tháng/2023 lên 4,24 triệu tấn, tăng 21,3% và trị giá đạt 2,26 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng/2023, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 2,5 triệu tấn, tăng 28%; Trung Quốc đạt 677 nghìn tấn, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 3,17 triệu tấn, chiếm 75% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Một số nhóm hàng nhập khẩu chính

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện: Trong tháng 6/2023, nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,81 tỷ USD, tăng 10,2% và nhập khẩu nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 571 triệu USD, tăng 18% so với tháng trước.

Tính đến hết quý II/2023, nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 38,37 tỷ USD, giảm 11,2%, tương ứng giảm 4,84 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,57 tỷ USD, giảm 65,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 6,73 tỷ USD. Đây là mức nhập khẩu thấp nhất trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ tính từ năm 2014 đến nay của nhóm hàng này.

Tính chung, trị giá nhập khẩu 2 nhóm hàng trên là 41,95 tỷ USD, chiếm 28% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước và có mức giảm 11,57 tỷ USD, chiếm 34% mức giảm nhập khẩu của cả nước so với cùng kỳ năm trước. Bốn thị trường chính cung cấp 2 nhóm hàng này cho Việt Nam trong 6 tháng năm 2023 là Trung Quốc với 12,98 tỷ USD, giảm 22,8% tương ứng giảm 3,8 tỷ USD; Hàn Quốc với 12,59 tỷ USD, giảm 27,8%, tương ứng giảm 4,86 tỷ USD; Nhật Bản với 3,16 tỷ USD, giảm 11,5%, tương ứng giảm 412 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2023 đạt 19,45 tỷ USD, giảm 13,6%, tương ứng giảm 3,05 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhập khẩu nhóm hàng này của khối doanh nghiệp FDI đạt 13,22 tỷ USD, giảm 16,7% tương ứng giảm 2,64 tỷ USD và của khối doanh nghiệp trong nước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 6,1% tương ứng giảm 407 triệu USD.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng về Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 từ thị trường Trung Quốc với 10,18 tỷ USD, giảm 14,9%; tiếp theo từ thị trường Hàn Quốc với 2,77 tỷ USD, giảm 17,6%; từ thị trường Nhật Bản với gần 2 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung nhập khẩu nhóm hàng này từ 3 thị trường chủ lực đạt hơn 14,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 77% trong tổng trị giá nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của cả nước.

Xăng dầu các loại: Trong tháng 5 và tháng 6, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại tăng lần lượt là 36,5% và 14,9%. Mặc dù vậy, tính chung trong quý II/2023, nhập khẩu xăng dầu các loại của cả nước chỉ đạt 1,92 triệu tấn, giảm 13,9% so với quý I/2023.

Trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu tới 5,2 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 4,16 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng nhưng giảm 16,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng dầu Diesel nhập về đạt 2,82 triệu tấn, giảm gần 1% và lượng xăng nhập về đạt 1,11 triệu tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 chủ yếu từ các thị trường: Hàn Quốc đạt 2,07 triệu tấn, tăng 7,4%; Singapo đạt 1,36 triệu tấn, tăng 113%; Malaixia đạt 885 nghìn tấn, tăng 13,3%.

Hóa chất và sản phẩm hóa chất: Nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất trong tháng 6/2023 đạt 1,22 tỷ USD giảm 12,4% so với tháng trước, tương ứng giảm 172 triệu USD. Tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong nửa đầu năm 2023 đạt 7,48 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 2,11 tỷ USD.

Ba thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng hóa chất và sản phẩm hóa chất cho Việt Nam trong 6 tháng/2023 là Trung Quốc đạt 3,11 tỷ USD, giảm 15,4%; Hàn Quốc đạt 620 triệu USD, giảm 35,4% và Nhật Bản đạt 540 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 6 đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 10,2% tương ứng giảm 228 triệu USD so với tháng trước.

Mặc dù trong quý II/2023, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 6,32 tỷ USD, tăng 16% tương ứng tăng 870 triệu USD so với quý I nhưng tính chung 6 tháng/2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày vẫn giảm mạnh 20,1% (tương ứng giảm 2,96 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 11,78 tỷ USD.

Trong đó, vải các loại đạt 6,4 tỷ USD, giảm 19,4%; nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 2,88 tỷ USD, giảm 18,3%; bông các loại đạt 1,41 tỷ USD, giảm 23,3%; xơ sợi dệt các loại đạt 1,06 tỷ USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 2 quý/2023 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 53%, với 6,18 tỷ USD, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ô tô nguyên chiếc các loại: Nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng đạt 9.006 chiếc, tăng 18,4% so với tháng trước. Tính chung, trong 6 tháng/2023, Việt Nam nhập khẩu 70.915 ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam đạt 56.083 chiếc, chiếm tới 79% tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong quý I/2023 chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, Inđônêxia và Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 32.373 chiếc, tăng 18%; từ Inđônêxia với 25.979 chiếc, tăng 28,1% và từ Trung Quốc với 5.849 chiếc, giảm 45,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng 6/2023 đạt 958 nghìn tấn, tăng 14,3% so với tháng trước. Tính đến hết quý II/2023, lượng nhập khẩu sắt thép các loại của cả nước đạt 5,56 triệu tấn với trị giá là 4,77 tỷ USD, giảm 14,4% về lượng và giảm 31,6% về trị giá.

Nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc tăng mạnh trong khi lại giảm ở các thị trường chính khác. Cụ thể, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 3,07 triệu tấn, tăng 3,6%; từ Nhật Bản đạt 903 nghìn tấn, giảm 11,9%; từ Hàn Quốc đạt 510 nghìn tấn, giảm 24,9%./.

BẢO TRUNG

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/xuat-nhap-khau-hang-hoa-cua-viet-nam-6-thang-dau-nam-2023-33329.html