web analytics

Xây dựng văn hóa nhà trường: “Hạt nhân” của quá trình đổi mới 01/07/2019

Ảnh minh họa/internet

(KDTT) – Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được triển khai từ năm học 2020 – 2021, bắt đầu với lớp 1 ở cấp tiểu học. Những quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục từ chương trình GDPT mới chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nhà trường tiểu học.

Nhân cách nhà giáo ảnh hưởng đến học trò

Theo cô giáo Trịnh Thị Phương, GV Trường tiểu học Quảng Hùng (Thanh Hóa) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa trong trường tiểu học không chỉ là “tiên học lễ, hậu học văn”, mà ngay từ khi bắt đầu là HS phổ thông (từ lớp 1) các con đã được hình thành phát triển văn hóa của công dân toàn cầu nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống người Việt Nam.

Và hơn ai hết, chính nhân cách nhà giáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhân cách học trò. Khi được giáo dục trong một môi trường văn hóa và thấm nhuần hệ giá trị văn hóa, học trò không những hình thành được những hành vi chuẩn mực mà quan trọng hơn là ẩn chứa trong tiềm thức các em là niềm tin nội tâm sâu sắc vào những điều tốt đẹp, từ đó, khao khát cuộc sống hướng thiện.

Th.s Lê Thị Huyền, giảng viên Học viện dân tộc cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, một vài “hạt sạn” được các đơn vị thông tin truyền thông đưa tin như bạo lực học đường, thầy đánh trò… đã làm cho văn hóa nhà trường, các giá trị, chuẩn mực của nhà trường phổ thông ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta rất cần những nhà giáo ngoài kiến thức chuyên môn, phải hiểu biết rộng về cuộc sống, có kiến thức sâu sắc về văn hóa xã hội.

Cô và trò (Ảnh minh họa/internet)

Đối với HS, văn hóa nhà trường tạo nên giá trị đạo đức và có vai trò điều chỉnh hành vi của người học, giúp HS tiểu học chuyển đổi một cách “mềm mại” nhất từ trẻ mầm non, lứa tuổi mà hoạt động chủ đạo là học bằng chơi, chơi mà học, thành những HS cấp tiểu học, nên văn hóa nhà trường phải làm sao cho các em thích đến trường, thích học tập, yêu bạn bè, cô giáo,thầy giáo, yêu và thấy tự hào về ngôi trường của mình.

Hiệu trưởng – lắng nghe để thấu hiểu

Để xây dựng văn hóa nhà trường, điều quan nhất nhất là vai trò của người hiệu trưởng.

Theo thầy Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 2, Nghệ An, trong trường phổ thông, Hiệu trưởng vừa là người lãnh đạo, vừa là người quản lý mọi hoạt động của nhà trường. Phẩm chất, tác phong lối sống của Hiệu trưởng thể hiện trong lãnh đạo, quản lý nhà trường có ảnh hưởng đến sự phát triển nói chung và bản sắc văn hóa riêng của nhà trường. Để phát triển bản sắc ấy, HT vừa thực hiện vai trò của một nhà quản lý, vừa thực hiện vai trò của một nhà lãnh đạo.

Đồng quan điểm, Ths Lê Thị Mai Phương, Giảng viên chính Khoa Quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục, cũng cho rằng: Với trách nhiệm đầu tàu, người hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong sự phát triển nhà trường, phải là hạt nhân để gắn kết mọi người trong nhà trường. Muốn thực hiện được điều này, người hiệu trưởng phải hiểu rõ, hiểu đầy đủ từng cán bộ, giáo viên của trường về phẩm chất, về năng lực, về cá tính và về hoàn cảnh sống, từ đó mới có thể kết nối, tạo thành một tập thể sư phạm đồng thuận, đoàn kết.

Bên cạnh đó, người hiệu trưởng thể hiện vai trò một thủ lĩnh: luôn gương mẫu, xây dựng tầm nhìn cho nhà trường phát triển, đồng thời, luôn biết lắng nghe để thấu hiểu về đội ngũ HS của mình.

Người hiệu trưởng còn thể hiện vai trò của thủ trưởng: Vai trò này người hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ pháp lý đã được quy định rõ ràng trong điều lệ trường tiểu học. Trước hết hiệu trưởng cùng BGH, tập thể nhà trường xây dựng bộ “quy tắc ứng xử văn hóa trong trường tiểu học”. Đây là những quy tắc được đặt ra để làm chuẩn mực cho GV và HS thực hiện theo, đảm bảo tính kỷ luật và đúng đắn.

Khi thực hiện quá trình kiểm tra đánh giá, người hiệu trưởng thể hiện sự văn hóa thông qua sự chuyên nghiệp của người CBQL. Sự chuyên nghiệp ấy thể hiện thông qua năng lực về chuyên môn, năng lực về quản lý, đặc biệt luôn đảm bảo sự minh bạch, công bằng.

Trong quá trình kiểm tra, đánh giá quá trình GD tại nhà trường, người hiệu trưởng luôn phải đặt HS lên hàng đầu; luôn coi đội ngũ nhà trường là trọng tâm “chất lượng đội ngũ quyết định chất lượng GD”, gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

“Vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nhà trường nói chung và quá trình xây dựng và phát triển văn hóa học đường nói riêng. Để làm sao, mỗi nhà trường là một nhà trường ấm áp sự nhân văn, làm việc chuyên nghiệp, coi trọng chất lượng GD, hợp tác cùng nhau phát triển. Cả thầy và trò thấy đến trường là vui, là thương, là yêu”Ths Lê Thị Mai Phương chia sẻ.

Nguồn Báo Giáo dục và Thời đại