web analytics

Di dời Đại học Quốc gia Hà Nội
Bài 2: Đang di dời sao còn xây mới? 29/07/2021

(KDTT) – Trong khi hàng nghìn héc ta đất được cấp cho trường Đại học Quốc gia Hà Nội để xây cơ sở mới rơi vào tình trạng hoang hóa, chậm tiến độ, thì tại cơ sở Xuân Thủy, Cầu Giấy của Đại học Quốc gia – nơi tới đây sẽ được được di dời bỗng mọc thêm loạt công trình lớn.

=> Xem bài 1 ở đây

Như đã thông tin ở bài viết trước, Dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) được Chính phủ phê duyệt năm 2003 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á.

Cơ sở mới đối mặt với nguy cơ bị hoang hóa

 

Theo kế hoạch, nơi đây sẽ trở thành khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn, được biết, Dự án trường Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc chậm tiến độ hơn 15 năm, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân gặp nhiều khó khăn.
Theo phản ánh, hàng trăm hộ dân thường xuyên phải sống trong thấp thỏm, lo âu bởi nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa; cây cối, hoa màu phải giữ nguyên không được trồng mới, chỗ ở trở nên chật chội, bí bách.

Điều đáng nói, quá trình giải phóng mặt bằng từ năm 2005 đến nay vẫn có những hộ chưa được kiểm đếm, đền bù. Đặc biệt, khu tái định cư đã được “quy hoạch” nhưng các hạng mục điện, đường, nước sinh hoạt còn dang dở.

Theo ghi nhận của PV, ngay cổng vào khu dự án sát đường Đại lộ Thăng Long đi Cao tốc Hòa Bình xuất hiện tấm biển lớn giới thiệu về dự án bị cỏ dại mọc che khuất phía bên dưới.

Loạt công trình “khủng” mọc lên trong khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội tại 144 Xuân Thủy (Cầu Giấy).

 

Đi vào bên trong, dự án trường Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc vẫn dang dở sau nhiều năm triển khai.

Trong khi hàng nghìn héc ta đất được cấp cho trường Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng cơ sở mới vẫn đang rơi vào tình trạng hoang hóa, ì ạch, chậm tiến độ, thay vì tập trung xây dựng, đảm bảo ổn định theo đúng kế hoạch đề ra, thì tại khuôn viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội (cơ sở trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy) bất ngờ mọc lên loạt công trình mới, như: Công trình của Khoa Y dược ở mặt đường Phạm Văn Đồng; công trình Bãi đỗ xe kết hợp nhà làm việc và giảng đường (sát Trường Đại học Công nghệ)… khiến không gian của cơ sở này vốn hẹp nay lại càng chật chội.
Được biết, loạt công trình bãi đỗ xe, nhà làm việc và giảng đường mà trường Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng ở cơ cở cũ cũng sử dụng vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, dự án được phê duyệt mức đầu tư 22.000 tỷ đồng, thế nhưng 17 năm qua, dự án mới được đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (gần 10%), chủ yếu cho giải phóng mặt bằng (GPMB) và làm đường.

Chia sẻ với báo chí về dự án trên, bà Nguyễn Thị Huế – Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Dự án triển khai đã hơn 17 năm và tiến độ bị chậm. Nguyên nhân do hai yếu tố căn bản là nguồn vốn và chính sách GPMB.

Cụ thể, về vốn, tỷ lệ đầu tư mới đạt 8% so với kế hoạch ban đầu, công tác GPMB đạt 76%. Do dự án triển khai quá nhiều năm dẫn đến các chế độ, chính sách GPMB bồi thường hỗ trợ tái định cư không đồng bộ giữa người trước và người sau, gây khó khăn khi tiếp tục thu hồi diện tích còn lại.

Như vậy vấn đề vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chậm di dời Đại học Quốc gia Hà Nội về cơ sở mới.

Bên cạnh đó, theo báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội về việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng tiêu chí và biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, thực hiện quy định của Luật Thủ đô, thành phố không xem xét giải quyết xây dựng mới các cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành.

Thay vào đó, TP Hà Nội chỉ xem xét giải quyết cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ các trường Đại học Xây dựng, Đại học Công nghiệp, Đại học Văn hóa, Cao đẳng Sư phạm.

Do đâu Đại học Quốc gia Hà Nội không đảm bảo vốn đầu tư để nhanh chóng hoàn thiện cơ sở mới mà lại đi rót tiền vào công trình ở cơ sở cũ – nơi sắp tới sẽ không còn hoạt động? Cơ sở mới đối mặt với nguy cơ bị hoang hóa, cơ sở cũ lại xây dựng thêm loạt công trình. Việc làm này liệu có lãng phí ngân sách nhà nước?

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

TRƯỜNG AN

Bạn đang đọc bài viết Di dời Đại học Quốc gia Hà Nội – Bài 2: Đang di dời sao còn xây mới? tại chuyên mục Bạn đọc
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo SK&MT