Xu thế công nghệ trong ngành xuất bản hiện nay
Theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành, chuyển đổi số, xuất bản điện tử đã trở thành câu chuyện quen thuộc của người làm xuất bản trong giai đoạn hiện nay.
Sự lớn mạnh nhanh chóng của các doanh nghiệp số tham gia vào hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử với nhiều ứng dụng hiện đại vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc vừa mở ra hướng phát triển mới cho ngành xuất bản trong xu thế mới.
Phát hành xuất bản phẩm điện tử, nhất là phát hành sách nói được giới đầu tư đánh giá cao sẵn sàng hợp tác đầu tư với nhiều dự án triển vọng.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên nhận định, chuyển đổi số trong ngành xuất bản sẽ trải qua từng quá trình. Giai đoạn đầu tiên là số hóa các dữ liệu. Quá trình này được thực hiện từ khá sớm trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất bản nói riêng.
Xu hướng xuất bản sách hiện nay cần gắn liền với đổi mới công nghệ. (Ảnh minh họa) |
Tiếp đến là việc triển khai các ứng dụng, các nền tảng và một số hoạt động đơn giản hoặc hoạt động có tính lặp đi lặp lại nhiều. Sau đó là ứng dụng các nền tảng vào quy trình trong xuất bản, từ khâu quản lý, đến khâu biên tập, phát hành, phát triển thị trường, truyền thông…
Một trong các công nghệ hiện nay là công nghệ điện toán đám mây đang góp phần cách mạng hóa ngành xuất bản. Công nghệ này cho phép lưu trữ, phân tích hiệu quả và thực hiện đa nhiệm các chức năng xuất bản, bao gồm công việc thiết kế, hiệu đính và chỉnh sửa bản sao ở mọi múi giờ khác nhau. Giải pháp dựa trên đám mây giúp đơn giản hóa việc lưu trữ, truy xuất và chia sẻ an toàn các dự án xuất bản, thúc đẩy sự cộng tác và tiết kiệm chi phí trong ngành xuất bản.
Đẩy mạnh phát triển sách điện tử và chuyển đổi số thư viện
Người tiêu dùng đang nhận thấy sách in và sách điện tử đều có sức hấp dẫn và hiện tại, nhu cầu về sách in và sách điện tử vẫn liên tục tăng. Các dự báo chỉ ra rằng, doanh số bán sách điện tử sẽ tăng trung bình 7% từ năm 2020 đến năm 2025. Xu hướng này có ý nghĩa quan trọng đối với toàn ngành xuất bản vì nhiều yếu tố.
Nhu cầu sử dụng sách điện tử tăng theo từng năm. (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, sách sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, với nhiều lựa chọn giá cả phải chăng và có thể tiếp cận nhanh chóng.
Thứ hai, nhiều công nghệ xuất bản cũng đang được tập trung cho mảng sách điện tử. Ví dụ, ngoài các nền tảng đọc sách điện tử hiện tại, người dùng hiện có thể tìm kiếm các nền tảng riêng chuyên cho từng thể loại. Với tiểu thuyết, FictionMe đang là một lựa chọn để người dùng tìm kiếm các tiểu thuyết hay nhất.
Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi số thư viện cũng ngày càng được quan tâm. Thư viện số sẽ lưu trữ tài liệu ở định dạng số, có thể truy cập được từ máy tính hoặc các thiết bị khác. Một số thư viện số chỉ có thể được truy cập từ mạng cục bộ, trong khi nhiều thư viện khác có thể được truy cập từ xa thông qua mạng máy tính.
Có thể thấy, hiện nay, các thư viện Việt Nam đang phát triển từ mô hình thư viện truyền thống sang hiện đại. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và các thư viện, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy xã hội phát triển. Lấy ví dụ như Thư viện Quốc gia Việt Nam, chuyển đổi số sẽ là cơ hội “vàng” để khẳng định vị thế và nâng cao vai trò quan trọng của mình trong xã hội Việt Nam nói chung và ngành Thư viện Việt Nam nói riêng.
Nâng cao và xây dựng thói quen đọc sách
Văn hóa đọc đã có bước phát triển nhưng vẫn cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, cần phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông, quảng bá sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi.
Hiện nay, các loại hình sách mới như ebook, audiobook, videobook đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường. Một số nhà xuất bản, công ty sách đang chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử. Bạn đọc chỉ cần sử dụng các thiết bị số cá nhân nhỏ gọn như điện thoại thông minh, máy tính bảng là có thể lưu trữ và đọc hàng nghìn cuốn sách ở dạng số.
Tuy nhiên, tình hình triển khai xuất bản điện tử trong hoạt động xuất bản hiện nay chưa đều do còn hạn chế về nguồn lực đầu tư. Vì vậy, cần có những giải pháp cụ thể như chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, tăng số lượng các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành tham gia xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử…
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cũng cho rằng, quan trong nhất chính là thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội về văn hóa đọc: “Nhiệm vụ quan trọng nữa để tạo thói quen đọc sách là phải tạo ra khoảng thời gian để tạo lập thói quen đó”.
Có thể thấy, hiện nay vấn đề xuất bản số đã trở thành một xu thế tất yếu của ngành xuất bản. Việc ứng dụng các kỹ năng, đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật, vận hành các quy trình xuất bản để thực hiện chuyển đổi số trong công tác xuất bản là một vấn đề mà các nhà xuất bản cần phải hướng tới./.