web analytics

Dạy và học trực tuyến: Mấu chốt vẫn là công nghệ 22/04/2020

(KDTT) – Dịch Covid-19 đã làm các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ngưng trệ. Điều đó đã tạo điều kiện cho các hoạt động qua hình thức online nở rộ, trong đó có hoạt động dạy và học trực tuyến của ngành giáo dục – đào tạo. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục có những đặc thù riêng, vì vậy việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề công nghệ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi hoạt động của ngành giáo dục bị xáo trộn nghiêm trọng, các cấp học đều ngừng hoạt động giảng dạy, học tập trực tiếp để tránh nguy cơ lây nhiễm. Đứng trước tình trạng chương trình năm học có thể “vỡ trận” thì đào tạo trực tuyến thông qua hệ thống Internet để đảm bảo chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên ở các bậc học là một lựa chọn tối ưu.

Chỉ tính riêng chương trình đào tạo hệ đại học, theo đại diện của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, hiện nay có 45% cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện phương pháp, trong đó có 63 trường đại học công lập và 42 trường dân lập; 42% cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện đào tạo trực tuyến (gồm 82 trường, trong đó có 15 trường đại học ngoài công lập); khối An ninh quốc phòng vẫn đào tạo tập trung là 13% (33 trường).

Nở rộ các chương trình dạy học trực tuyến (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên có một thực tế phải ghi nhận là hiện nay phần lớn các chương trình tại Việt Nam vẫn tập trung vào phần luyện thi đại học, luyện tiếng Anh hay các khóa học về kỹ năng mềm, dẫn đến việc dạy và học dễ đi vào lối mòn… Một điểm khác khiến các trang web học trực tuyến trở nên nhàm chán là thời gian cập nhật các bài giảng khá chậm, với tần suất 2-3 ngày 1 lần, thậm chí một số trang web có tần suất cập nhật lên đến hàng tuần hoặc cả tháng 1 tuần. Điều này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục trực tuyến đòi hỏi cơ sở dữ liệu lớn, an ninh mạng bảo mật, đường truyền tốc độ cao và đội ngũ hỗ trợ vận hành chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng các yêu cầu trên của các công ty trong nước là chưa cao, thiếu cả nguồn lực tài chính, công nghệ và đội ngũ kỹ thuật.

Đại diện của Vụ Giáo dục Đại học cũng thừa nhận, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học hạn chế về hạ tầng công nghệ như chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến. Học liệu điện tử còn nghèo nàn, chưa được chuẩn hoá nên chưa kiểm soát chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, các ngành đào tạo thực hành, chuyên sâu đặc thù khó triển khai thực hiện. Giảng viên đại học vẫn còn hạn chế về kỹ năng xây dựng bài giảng, học liệu, kỹ năng tổ chức lớp học trực tuyến. Sinh viên thì hạn chế về trang thiết bị, hạ tầng mạng Internet, đặc biệt là học sinh, sinh viên vùng khó khăn. Bên cạnh đó, thiếu kỹ năng để học trực tuyến: kỹ năng về sử dụng công nghệ; kỹ năng về phương pháp. Đó là chưa kể đào tạo trực tuyến cũng đã nảy sinh một số nguy cơ, rủi ro trong quá trình học tập trực tuyến như mất an toàn, an ninh thông tin; nguy cơ tiềm ẩn từ Internet và mạng xã hội.

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Lê Khắc Hiệp, một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến cho biết: Hiện nay giáo dục trực tuyến tại Việt nam vẫn còn đang yếu về nền tảng công nghệ.

Học sinh học trực tuyến tại nhà để tránh lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Đinh Khương

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT, công nghệ thông tin sẽ được đưa vào tất cả cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020, nhằm đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng học tập trong tất cả các môn học và trang bị cho lớp trẻ đầy đủ các công cụ và kỹ năng cho kỷ nguyên thông tin. Đây là sự quyết tâm mạnh mẽ của ngành giáo dục Việt Nam trong việc mong muốn trang bị cho thế hệ trẻ khả năng để có thể bắt nhịp nhanh với xu thế trên thế giới, đồng thời mở cánh cửa lớn cho cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư phát triển mô hình đào tạo trực tuyến hơn nữa để khắc phục những vấn đề tồn tại, gia tăng sức hút với lượng lớn người dùng trên cả nước.

Theo KDPT