web analytics

Trường ĐH cân đối các khoản tài chính giữa mùa dịch 09/04/2020

(KDTT) – Vì sinh viên phải nghỉ học kéo dài, không chỉ các trường ngoài công lập, các ĐH tự chủ tài chính và hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH khác cũng phải tính đến bài toán cân đối thu chi, các phương án cắt giảm, hoặc hỗ trợ tài chính cần thiết để ổn định, ứng phó với điều kiện dạy học thay đổi trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Th.s Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang (VLU, Đồng Nai) cho biết: Từ tháng 4-2020, thu nhập, lương của cán bộ – giảng viên – nhân viên, của trường có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn bảo đảm ổn định đời sống cho tất cả người lao động. Lãnh đạo trường giảm 50% tổng thu nhập, trưởng/phó các khoa, phòng, ban, trung tâm giảm từ 30 – 40%, giảng viên, nhân viên giảm từ 20 – 30%, những người thu nhập dưới 10 triệu không giảm.

Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) chia sẻ: Tháng 4, toàn trường giảm 15% thu nhập tăng thêm, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì sẽ giảm mạnh.

Nhìn chung, với những lao động cơ hữu tại các cơ sở giáo dục, việc giảm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm được đời sống. Thế nhưng với giảng viên thỉnh giảng, cuộc sống khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt là hệ thống các trường phổ thông tư thục quốc tế có số lượng giảng viên thỉnh giảng là người nước ngoài rất lớn.

Các cơ sở giáo dục ĐH cân đối thu chi để ứng phó với điều kiện dạy học thay đổi trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Ảnh: P.T.

Ở phía các cán bộ, giảng viên, nhân viên thì phương án đưa ra là cắt giảm lương, nhưng đối với người học, các trường lại tính đến các gói hỗ trợ. Ví dụ trường ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định dành gói 20 tỷ đồng để hỗ trợ miễn giảm học phí học kỳ 2 năm học 2019 – 2020 đối với các sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình thực sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo nhà trường, dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của đông đảo người lao động, trong đó có gia đình của nhiều sinh viên. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cũng đã phải tạm nghỉ việc làm thêm trên thành phố, mất một nguồn thu đỡ cho gia đình. Kinh phí được trích từ khoản tiết kiệm chi vận hành trong thời gian học trực tuyến, tiết giảm đầu tư xây dựng cơ bản và tiết giảm các khoản chi khác. Gói hỗ trợ này được đưa ra độc lập với quỹ học bổng thường niên trị giá 45 tỷ đồng nhằm khuyến khích tài năng và hỗ trợ học tập cho những sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có nghị lực vươn lên trong học tập với các học bổng trị giá 50 – 100% học phí.

Bên cạnh gói miễn giảm học phí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang kêu gọi, vận động cán bộ viên chức và cựu sinh viên quyên góp tiền mặt, các tổ chức và DN chung tay hỗ trợ triển khai chính sách trợ giá máy tính và các gói cước dữ liệu, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có trang thiết bị học tập trực tuyến hiệu quả và có chất lượng.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM (HUFI) vừa có thông báo: Giảm 25% học phí học kỳ II năm học 2019-2020 cho toàn bộ sinh viên của nhà trường do phải nghỉ học ở nhà tránh dịch Covid-19. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã thống nhất phương án triển khai kế hoạch học và dạy chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 bằng hình thức học trực tuyến. Thời gian để bắt đầu học trực tuyến dự kiến là vào giữa tháng 4 năm 2020.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cũng cho biết, sẽ sắp xếp chương trình học trực tuyến phù hợp để thời gian trong năm học không kéo dài, không làm ảnh hưởng đến thời gian tích lũy các tín chỉ, học phí của sinh viên cũng như các kế hoạch khác của nhà trường.

Theo Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách của trường ĐH Kinh tế quốc dân thì: Dịch vụ giáo dục có mức suy giảm kinh tế lớn nhất so với tất cả lĩnh vực. Kịch bản hết dịch tháng 4 sẽ suy giảm 35% với chuyển đổi học qua mạng. Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6, mức suy giảm có thể lên tới 60% (cao nhất so với các lĩnh vực) và phải cơ cấu ngành. Điều này cho thấy tính dễ bị tổn thương và khó phục hồi của lĩnh vực giáo dục, đòi hỏi chính sách hỗ trợ linh động, phù hợp. Vì thế, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, bản thân các trường cũng phải tính toán các nguồn tài chính cho phù hợp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn chung này.

Theo phapluatxahoi.vn