Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong năm 2023, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty duy trì ổn định, bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệ
Tổng doanh thu 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2023 hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 1,1 tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023 và bằng 96,57% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam) bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, có 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu. 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế, 3 tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận là Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cổ phần Hàng không Việt Nam (VNA).

Về kết quả nộp ngân sách nhà nước, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong năm 2023, 19 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách đạt hơn 79.252 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, năm 2023, một số tập đoàn, tổng công ty đã tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước như: Sản lượng xuất khẩu sản phẩm thuốc lá vượt 24% kế hoạch năm, tăng 24% so với cùng kỳ và chiếm 79% sản lượng xuất khẩu toàn ngành; kim ngạch xuất khẩu gạo của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) ước đạt 523,31 triệu USD, bằng 176,4% kế hoạch năm (Công ty mẹ ước đạt 360,02 triệu USD, bằng 141,6% kế hoạch năm); kim ngạch xuất khẩu gạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) đạt 700,774 triệu USD, bằng 209,75% kế hoạch năm…

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động năm nay của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất là, một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã giao.

Thứ hai là, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Thứ ba là, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra.

Thứ tư là, tồn tại vướng mắc, khó khăn trong sắp xếp lại, xử lý nhà, đất như quy hoạch đất tại địa phương, hồ sơ giấy tờ, tranh chấp quyền sử dụng đất.

“Do những khó khăn khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò trọng yếu như EVN, VNA… làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận của 19 Tập đoàn, Tổng công ty”, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết./.