web analytics

Thăng trầm nghề trồng hành tím ở Vĩnh Châu 01/10/2020

(KDTT) – Vĩnh Châu là thị xã miền duyên hải thuộc tỉnh Sóc Trăng, có bờ biển dài 43 km, được thiên nhiên ưu đãi không những về tiềm năng kinh tế biển, phát triển nuôi tôm, sản xuất lúa thơm ST mà còn nổi tiếng về nghề trồng hành tím. Người Vĩnh Châu trồng hành tím từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hành tím được xem là cây trồng truyền thống, đặc sản vùng đất này từ bao đời nay.  

Bát ngát cánh đồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu.

Những ngày cuối tháng 9 này, chúng tôi có dịp trở lại thăm những cánh đồng hành tím xanh bạt ngàn ở xã Vĩnh Hải, phường Vĩnh Phước, phường 1, phường 2 của thị xã Vĩnh Châu. Nơi đây là những làng quê bình dị, nơi sinh sống của biết bao người dân như mọi làng quê khác. Đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp tinh thần phấn khởi, hăng say lao động của bà con dân tộc Kinh, Hoa, Khmer đang cần mẫn chăm sóc cho vụ hành tím sớm. Theo bà con, cây hành tím có mặt trên đất giồng cát này đã từ lâu đời và luôn được người dân địa phương phục tráng, bảo tồn giống nên vẫn giữ được chất lượng, hương liệu riêng.

Nông dân Vĩnh Châu sản xuất khoảng 6 nghìn ha hành tím mỗi năm, với tổng sản lượng hơn 110 nghìn tấn. Dù giá cả thị trường luôn biến động, nhưng người dân vùng ven biển Vĩnh Châu vẫn một lòng giữ vững cây hành tím truyền thống. Để giữ được chất lượng hành tím, người dân Vĩnh Châu đã sản xuất theo quy trình khép kín, từ khâu kỹ thuật làm đất đến khâu chọn giống, chăm sóc kỹ lưỡng để cây hành sinh trưởng tốt. Rồi cây hành lớn lên trong điều kiện thời tiết đặc biệt ở vùng đất cát ven biển này đã tạo nên củ hành có màu tím than, múi đều và thơm ngon. Nói đến hành tím Vĩnh Châu, khách tham quan nghĩ ngay đến hương liệu cay nồng – một mùi vị đặc trưng mà không nơi nào có được. Nói đến đặc sản của Sóc Trăng, du khách không thể thiếu củ hành tím để làm quà cho người thân – Và cũng nhờ cây hành tím mà hàng nghìn hộ dân nơi đây có nguồn thu nhập đáng kể từ nhiều năm qua.

Chăm sóc hành tím trên cánh đồng hành ở xã Vĩnh Hải

Nhưng để làm ra những củ hành tím có hương vị cay nồng, thơm ngon cho đời thì người nông dân Vĩnh Châu đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi và nước mắt. Do giá cả còn bấp bênh, thị trường đầu ra không ổn định khiến đời sống người trồng hành gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Thực tế, có nơi nhiều bà con còn chạy theo phong trào, thường vào đầu vụ thấy hành có giá là đua nhau trồng tràn lan mà không quan tâm đến kế hoạch sản xuất của địa phương, thị trường tiêu thụ ra sao?… Đến khi vào mùa thu hoạch rộ, hành dội chợ không ai mua thì người trồng hành bị thua lỗ nặng. Có lúc, giá hành tím tăng lên 15.000 – 20.000 đồng/kg, đem lại hiệu quả rất cao. Nhưng có những thời điểm giá xuống thấp chỉ khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg người dân lại gặp rất nhiều khó khăn. Có năm tỉnh Sóc Trăng phải kêu gọi các cấp ngành, địa phương trong cả nước “giải cứu” thì mới có thể tiêu thụ hết sản lượng hành tím của địa phương.

Hằng năm, vào khoảng tháng 8 (âm lịch) nông dân Vĩnh Châu mới bắt đầu xuống giống vụ hành tím sớm để bán vào dịp Tết cổ truyền dân tộc. Thưởng vào dịp Tết, hành tím Vĩnh Châu không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng nên có giá bán khá cao từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, lắm lúc không có hành để bán. Bởi ở thời điểm này, hành chỉ trồng được trên những gò đất cát cao với diện tích gieo trồng chưa đến 1.000 ha. Sau Tết, nông dân lại tiếp tục sản xuất hành tím chính vụ. Sau khi xuống giống khoảng 3 tháng rưỡi, nông dân thu hoạch rồi đưa đi tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhưng vụ hành chính chủ lực này luôn gặp cảnh “được mùa, mất giá” khiến người trồng hành điêu đứng.

Trồng hành theo mô hình hữu cơ ở Vĩnh Châu.

Vụ hành tím năm 2019, nông dân Vĩnh Châu xuống giống hơn 6.200 ha, tổng sản lượng hành thương phẩm cả vụ đạt gần 120 nghìn tấn. Sản lượng trên tuy chưa phải là lớn, nhưng do thị trường tiêu thụ khó khăn nên hành còn tồn kho trong dân vẫn còn nhiều. Khi vào thu hoạch rộ giá hành tím đã tụt xuống tận đáy, chỉ còn 6.500 – 8.000 đồng/kg; hành có chất lượng tốt, củ to, đẹp cao nhất cũng chỉ được từ 15.000 – 18.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ các chi phí như hành giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bảo quản… nông dân lỗ từ 4 triệu đến 6 triệu đồng/công. Trước tình cảnh này, không riêng gì bà con trồng hành mà doanh nghiệp cũng dở khóc, dở cười. Trước đây, hành tím Vĩnh Châu còn được xuất khẩu sang Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan…nhưng bây giờ việc xuất khẩu hành tím gặp nhiều khó khăn. Bởi các nước bạn cũng đã sản xuất thành công loại giống hành này. Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu hành trong nước vừa vượt qua rào cản này, lại phải vướng vào các quy định bất lợi khác do các nước nhập khẩu hành đặt ra. Cũng may, các ngành chức năng của tỉnh, các địa phương trong cả nước đã chung tay tiêu thụ cho người trồng hành tím Vĩnh Châu.

Để giúp người trồng hành, từ năm 2015 đến nay, Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ vốn và Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã cùng nông dân triển khai thực hiện mô hình trồng hành tím rải vụ trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Nhờ mô hình này, nông dân được đầu tư vốn, được trang bị kỹ thuật trồng hành tím thích hợp với thời tiết, vụ hành tím sớm sẽ cho sản lượng, chất lượng và thu nhập cao. Không chỉ hỗ trợ trồng hành rải vụ tăng thu nhập mà Dự án Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh còn hỗ trợ máy sấy hành, giúp người dân giải quyết phần nào tình trạng ép giá của thương lái hoặc dội hàng khi hành tím vào vụ thu hoạch đông ken. Bằng cách đưa hành tím vào máy sấy, hành tím không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo quản mà vẫn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, những năm gần đây nông dân Vĩnh Châu khắc phục được tình trạng được mùa, mất giá, bà con phấn khởi – Nhưng thực tế, nỗi nhọc nhằn, khó khăn của người trồng hành tím trong những mùa vụ tới vẫn còn không ít nỗi lo…

Thu hoạch hành tím ở thị xã Vĩnh Châu.

Nghề trồng hành tím của bà con Vĩnh Châu không chỉ lao đao vì mùa vụ thất bát, làm ăn thua lỗ mà cay đắng hơn là cũng chính cây hành tím đã khiến không ít người dân nơi đây rơi vào cảnh mù lòa, tăm tối là do phấn hành tím gây ra. Theo ước tính của chính quyền địa phương, hiện nay toàn thị xã Vĩnh Châu có gần 1.000 người bị mù, bị mất khả năng thị giác vĩnh viễn, tập trung nhiều nhất ở xã Vĩnh Châu, Lạc Hòa, Vĩnh Hải…

Sau khi thu hoạch, người dân thường sử dụng phấn hành để bảo quản củ hành tím được lâu hơn, không bị héo trước khi sơ chế mang đi bán. Phấn hành là hợp chất của một số loại hóa chất rất độc. Loại hóa chất này độc hại là vậy nhưng khi người dân tiếp xúc với nó đều không có dụng cụ bảo hộ. Trong khi phấn hành có thể phát tán rộng trong không khí nên rất dễ bay vào mắt. Vậy mà, người dân vẫn cứ vô tư lau mắt, lau mồ hôi mà không nghĩ đến việc phấn hành xâm nhập vào mắt. Khi hành được vào phấn, người dân lại chất đầy hành trong nhà và cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với loại hóa chất độc hại này. Do vậy, khi phấn hành bay vào mắt sẽ gây tổn thương cho giác mạc là điều không thể tránh khỏi. Vẫn biết nguyên nhân là thế, nhưng người dân nơi đây vẫn bám trụ với nghề trồng hành từ bao đời nay – Và vẫn thường xuyên tiếp xúc với loại hóa chất này, bởi nghề trồng hành đã gắn bó, mang lại thu nhập cho gia đình họ, nên người dân Vĩnh Châu vẫn không thể  bỏ nghề trồng hành.

Hành tím được đóng gói bảo quản để xuất khẩu.

Để giúp người dân giảm tải căn bệnh “nghề nghiệp” mà vẫn phát triển được nghề trồng hành tím ở Vĩnh Châu, ngành y tế và chính quyền địa phương đã chú trọng đến công tác khuyến cáo người trồng hành, phổ biến kiến thức an toàn cho người dân khi bảo quản hành như đeo bao tay bảo hộ, kính bảo hiểm…Đặc biệt là ngành nông nghiệp còn đầu tư, hỗ trợ một cách thiết thực cho người dân vực dậy nghề trồng hành tím truyền thống Vĩnh Châu. Nhờ đó mà vài năm trở lại đây, tỷ lệ người mù ở làng hành tím Vĩnh Châu đã giảm đáng kể nhờ vào việc người dân nhận thức đúng đắn sự tác hại của loại thuốc bảo quản này.

Dẫu biết gian nan, khó khăn bộn bề là thế – Nhưng sau mấy ngày rong ruỗi trên những cánh đồng hành tím Vĩnh Châu, chúng tôi cảm nhận được biết bao điều tốt lành, niềm vui đang đến khắp các làng quê, sự đổi đời với người nông dân Kinh – Hoa – Khmer chân lấm, tay bùn, quanh năm dãi gió, dầm sương. Rất mừng là đến nay, hành tím Vĩnh Châu đã có thương hiệu, tạo thuận lợi cho người dân yên tâm sản suất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Tuy có lúc các loại hành du nhập từ nước ngoài vào làm cho hành tím rớt giá, nhưng bà con Vĩnh Châu vẫn liên tục phát triển cây hành tím với năng suất, chất lượng ngày càng cao, được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Chính điều này đã thu hút nhiều doanh nghiệp tìm đến Vĩnh Châu thu mua, xuất khẩu hành tím sang các nước Đông Nam Á. Đây là thành công bước đầu, là cơ hội để hành tím Vĩnh Châu tiến sâu vào thị trường khó tính, bán được giá cao. Người trồng hành Vĩnh Châu đang kỳ vọng lớn vào vụ hành mới năm 2020 được bội thu, bởi còn chưa đầy hai tháng nữa, vụ hành tím sớm sẽ bắt đầu cho thu hoạch./.

Bài và ảnh: ĐỖ NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT