web analytics

Chào mừng 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021) Trong bức tranh kinh tế, báo chí là gam màu sáng về ý tưởng 21/06/2021

(KDTT) – Mấy năm trước đây, những người trồng bưởi ở Nam Bộ đã “lỗ méo mặt” vì một thông tin đăng tải trên báo. Đó là thông tin về việc ăn bưởi có thể bị ung thư vú. Điều đáng nói, đây là thông tin không có thật, nhưng hậu quả của nó thì lại có thật hoàn toàn, và thật đến mức nghiêm trọng đối với những người nông dân trồng bưởi. Họ thua lỗ nặng nề. Từ một thí dụ thực tế, có thể thấy, thông tin báo chí có sức tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, cả vĩ mô và vi mô.

Báo chí phải coi trung thực là tiêu chí hành động cao nhất. Đồng hành với sự trung thực là sự không khoan nhượng trong việc cung cấp sự thật cho công chúng. Mọi sự bóp méo đều có thể dẫn đến những tổn thất to lớn cho dân, cho nước.

Báo chí tác động đến kinh tế bằng rất nhiều cách, cả tích cực và tiêu cực. Sự cổ súy cho việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của báo chí có tác động hết sức tích cực cho nền kinh tế. Ở đây báo chí đã dùng lòng yêu nước như một động lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi thị trường là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Dưa hấu, thịt lợn, trứng gà… tất cả đều có vẻ không khó sản xuất đối với người nông dân. Cái khó chính là khâu tiêu thụ. Thị trường trong nước với trên 90 triệu người tiêu dùng hoàn toàn không phải là một thị trường nhỏ. Tuy nhiên, giành lấy miếng bánh thị phần ở đây lại ngày càng rất khó khăn, vì đất nước đang hội nhập sâu rộng vào thế giới toàn cầu hóa. Trong bối cảnh này, lòng yêu nước của hơn 90 triệu người Việt có thể là một ưu thế cạnh tranh. Tất nhiên, báo chí cổ súy cho việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”, thì cũng cần truyền thông cho doanh nghiệp, cho những người sản xuất về việc phải hành xử sao cho xứng đáng với sự ưu tiên của người tiêu dùng.

Liên quan trực tiếp ở đây là khả năng của báo chí chống lại các hành vi gian dối trong kinh doanh. Chương trình “Nói không với thực phầm bẩn” của VTV là một ví dụ cụ thể. Chương trình này đã vạch mặt không ít các doanh nghiệp làm ăn gian dối, bất chấp các chuẩn mực của đạo đức. Các doanh nghiệp đó không thể không biết là họ đang đầu độc khách hàng. Nhưng vì lợi nhuận mà họ bất chấp tất cả. Đấu tranh chống lại sự gian dối, sự vô đạo đức trong kinh doanh, báo chí không chỉ bảo vệ người tiêu dùng, mà còn góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh. Thiếu một môi trường như vậy, kinh tế không thể phát triển đúng hướng.

Tôn vinh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, những doanh nghiệp lấy việc phụng sự xã hội là tiêu chí phấn đấu cũng là cách để báo chí giúp cho nền kinh tế ngày càng nhân bản hơn, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

    • Điều quan trọng nhất báo chí có thể làm cho nền kinh tế là cung cấp thông tin, cung cấp kiến thức, cung cấp ý tưởng. Từ đó giúp các nhà lãnh đạo đất nước, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh kịp thời định hướng chính sách-pháp luật, định hướng kinh doanh.

Điều quan trọng nhất báo chí có thể làm cho nền kinh tế là cung cấp thông tin, cung cấp kiến thức, cung cấp ý tưởng. Thông tin, kiến thức, ý tưởng giúp cho các nhà lãnh đạo đất nước, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh kịp thời định hướng chính sách-pháp luật, định hướng kinh doanh. Thông tin, kiến thức, ý tưởng cũng có thể giúp khắc phục kịp thời những khiếm khuyết trong cơ chế quản lý kinh tế, trong mô thức quản trị kinh doanh.

Phóng viên tác nghiệp tại làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Cuối cùng, để đóng góp cho sự phát triển kinh tế, báo chí phải coi trung thực là tiêu chí hành động cao nhất. Đồng hành với sự trung thực là sự không khoan nhượng trong việc cung cấp sự thật cho công chúng. Mọi sự bóp méo đều có thể dẫn đến những tổn thất to lớn cho dân, cho nước. Chuyện đưa tin về việc bưởi gây ung thư nói trên là minh chứng điển hình về việc đưa tin không đúng sự thật, không chỉ làm cho công chúng hành xử sai, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể có phản ứng chính sách sai, ảnh hưởng môi trường thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông sản. Mà phản ứng chính sai thì cái giá phải trả lại lớn hơn rất nhiều, để lại hệ lụy dai dẳng không dễ tháo gỡ.

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG