Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chỉ khi nào lãi suất trung bình giảm xuống mức 8% thì khi đó thị trường bất động sản mới có phản ứng tích cực, thanh khoản mới bắt đầu đi lên. Bởi 8% là con số nằm trong khả năng chi trả lãi vay của nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư chấp nhận sử dụng đòn bẩy tài chính.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay: “Lãi suất cao và nguồn cung tài chính hạn chế khiến những người mua bất động sản không bằng tiền của mình phải đi huy động vốn gặp khó khăn. Như vậy, những người mua với góc độ nhà đầu tư không thể tham gia vào bất động sản khiến cho cầu về một số phân khúc hạn chế. Việc giảm lãi suất của các ngân hàng được kỳ vọng đem tới tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tôi cho rằng chính sách quan trọng nhất giai đoạn này là gỡ khó về pháp lý, tránh rủi ro cho các nhà đầu tư bất động sản”.

Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị mong muốn về việc Nhà nước nên có quy định, điều kiện vay vốn riêng cho ngành, xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của các doanh nghiệp.

Theo KDPT