1. Giới thiệu

Việc chỉ tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhưng thiếu sự quan tâm đến hiệu quả khai thác tại nhiều quốc gia khiến các nền kinh tế dù đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn dài, nhưng cũng đã và đang gây ra những tổn hại lớn cho môi trường, như: Ô nhiễm không khí, nguồn nước, đại dương; suy thoái đất; mất rừng; suy giảm tầng sinh học; gia tăng phát thải khí…; gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu. Trước bối cảnh đó, kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh.

Tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam đã xác định chủ trương “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế”. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.

Tích hợp kinh tế số và kinh tế xanh trong phát triển bền vững của Việt Nam: Vì sao và thế nào?
Kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia. (Ảnh minh họa)

Có thể thấy, trong nền kinh tế xanh, tài nguyên môi trường là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh. Nhà nước và khu vực tư nhân tập trung ưu tiên đầu tư vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng, công trình có tác dụng đảm bảo mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và phát thải các bon; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái. Trong khi đó, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 kinh tế số đang diễn ra với tốc độ cao và lại tiêu tốn ít tài nguyên nhất. Như vậy, bản thân ngành kinh tế số lõi là công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và trong mối liên kết với các ngành khác, có vai trò quan trọng trong việc làm cho tác động môi trường trở nên rõ ràng và tạo cơ hội để giảm các tác động đó. Điều quan trọng trong định hướng quốc gia thời gian tới của Việt Nam, đó là làm thế nào để tích hợp kinh tế xanh và kinh tế số để phát triển bền vững.

2. Một số khái niệm cơ bản

2.1. Khái niệm kinh tế xanh

Thuật ngữ kinh tế xanh được sử dụng rộng rãi từ năm 2008 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và sự cần thiết “kích thích kinh tế xanh” với nhiều định nghĩa khác nhau. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP, 10/2008) đã đưa ra “Sáng kiến kinh tế xanh”. Năm 2011, Báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh được các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi, đó là “nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải các bon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội” (UNEP, 2011). Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.

Ngân hàng Thế giới (WB, 2012b) đưa ra định nghĩa: Kinh tế xanh là “phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên”. Tháng 9/2015, Liên Hợp Quốc công bố chương trình Nghị sự 2030, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh.

Hiện nay, kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Kinh tế (xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân và thúc đẩy tăng trưởng…); Môi trường (đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo tồn tài nguyên biển, bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn…) và Xã hội (nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội…). Kinh tế xanh là một nền kinh tế cần thiết bởi nó tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

2.2. Khái niệm kinh tế số

Thuật ngữ “Kinh tế số” (digital economy) được dùng khá lâu trước khái niệm CMCN lần thứ tư (4.0). Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của CMCN 4.0 xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bởi “cốt lõi” của CMCN 4.0 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng… Kinh tế số đang dần trở thành chính bản thân nền kinh tế, nội hàm của kinh tế số cũng dần trùng khít với các nội hàm của khái niệm kinh tế. Có nhiều định nghĩa về kinh tế số. R. Bukht và R. Heeks (2017) đã đưa ra khái niệm tổng quan nhất về kinh tế số bằng cách đề ra hệ thống “Khung khái niệm về Kinh tế số”. Khung khái niệm này nêu rõ phạm vi của Kinh tế số lõi thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông (Core Digital Economy); Phạm vi hẹp là Kinh tế số (Digital Economy) và phạm vi rộng Kinh tế số hóa (Digitalised Economy). Trong đó (1) Kinh tế số lõi bao gồm chế tạo phần cứng, dịch vụ thông tin, phần mềm và tư vấn CNTT-TT) (2) Kinh tế số bổ sung dịch vụ số (Digital services) và kinh tế nền tảng (Platform Economy) vào kinh tế số lõi. Hơn nữa, kinh tế số phạm vi hẹp còn bao gồm một bộ phận của kinh tế chia sẻ (Sharing Economy), kinh tế gắn kết lỏng (Gig Economy); (3) Kinh tế số hóa bổ sung kinh doanh điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp 4.0 (Industry 4.0), nông nghiệp chính xác (Precision agriculture), kinh tế thuật toán (Algorithmic Economy), phần còn lại của kinh tế chia sẻ gắn kết vào kinh tế số.

3. Mối quan hệ giữa kinh tế số và kinh tế xanh

Nghiên cứu của Trần Thọ Đạt và cộng sự (2023) cho biết, đã có một số nghiên cứu thực nghiệm tác động của CNTT-TT đối với tăng trưởng kinh tế và lượng khí thải các bon, kết quả cho thấy CNTT-TT làm giảm lượng khí thải các bon và là yếu tố thúc đẩy tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Kết quả cho thấy, việc chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số và chuyển đổi năng lực đổi mới kỹ thuật số có tác động đáng kể đến hiệu suất sản xuất xanh và hiệu suất dịch vụ xanh.

Các tác giả này cũng cho biết, kết quả thực nghiệm cũng đã khám phá tác động của chuyển đổi số đối với ô nhiễm môi trường, với lập luận rằng, internet vạn vật cho phép sản xuất tiết kiệm tài nguyên hơn, cải thiện quy trình tái chế. Các nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng các thiết bị và chương trình kỹ thuật số có thể tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực khác nhau, tăng vốn đầu tư vào CNTT-TT có thể làm giảm nhu cầu năng lượng. CNTT-TT có thể hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế xanh bằng cách:

– Giảm tác động trực tiếp lên môi trường của quá trình sản xuất, phân phối, vận hành và xử lý CNTT-TT thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và vật liệu, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm việc sử dụng các vật liệu độc hại và cải thiện khả năng tái chế và xử lý chất thải CNTT-TT;

– Tăng cường tác dụng của CNTT-TT đối với sự phát triển của nền kinh tế xanh thông qua việc cải thiện hiệu quả của sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong toàn bộ nền kinh tế và xã hội;

– Giảm nhu cầu về năng lượng và vật liệu thông qua việc thay thế toàn bộ hoặc một phần các sản phẩm và dịch vụ ảo bằng các sản phẩm và dịch vụ tương đương vật lý của chúng; và thông qua việc phi vật chất hóa các hoạt động và tương tác của con người;

– Hỗ trợ các tác động hệ thống dẫn đến việc chuyển đổi hành vi, thái độ và giá trị của các cá nhân với tư cách là công dân và người tiêu dùng; cơ cấu kinh tế và xã hội và các quy trình quản trị.

4. Việt Nam đang song hành phát triển cả kinh tế số và kinh tế xanh

Tại Việt Nam đang song hành thực hiện cả 2 chương trình phát triển kinh tế xanh và kinh tế số.

Hiện nay, nhằm thực hiện định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, thì thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu. Đồng thời, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cũng tạo cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đây cũng là mục tiêu Việt Nam phải hướng đến trong giai đoạn phát triển tới để vượt qua thách thức phục hồi trong và sau dịch bệnh Covid-19, tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.

Tích hợp kinh tế số và kinh tế xanh trong phát triển bền vững của Việt Nam: Vì sao và thế nào?
Sự tích hợp giữa kinh tế số và kinh tế xanh là cần thiết. (Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, kinh tế số chỉ phát triển từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi Internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam và phổ biến vào cuối những năm 2000, khi mật độ sử dụng điện thoại thông minh đạt mức 50%; đồng thời được thúc đẩy mạnh mẽ hơn cùng với sự xuất hiện của CMCN 4.0 vào nửa cuối những năm 2010. Có thể nói, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những quan điểm lớn của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước. Nhận thức tầm quan trọng của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Nghị quyết đề ra 8 chủ trương, chính sách để chủ động tham gia CMCN 4.0 và đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025-2045, trong đó có đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”.

Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất ở Việt Nam trong những thập niên tới. Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, đặc biệt là đã ban hành kịp thời một loạt các văn bản pháp quy, như: Nghị định, thông tư để tạo dựng hành lang pháp lý, quản lý và điều tiết các mảng khác nhau của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐTTg, ngày 03/6/2020 về xây dựng Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% số xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số công nghệ thông tin (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) và thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

5. Một số giải pháp cần thiết để tích hợp kinh tế số và kinh tế xanh

Có thể thấy, muốn xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, thì giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 là tăng trưởng số, phát triển kinh tế số, vì tăng trưởng số đang diễn ra với tốc độ cao và lại tiêu tốn ít tài nguyên nhất. Như vậy, bản thân ngành kinh tế số (lõi là CNTT-TT) và trong mối liên kết với các ngành khác, có vai trò quan trọng trong việc làm cho tác động môi trường trở nên rõ ràng và tạo cơ hội để giảm các tác động đó. Vì thế, việc phải có sự tích hợp giữa kinh tế số và kinh tế xanh là cần thiết.

Để tích hợp kinh tế số và kinh tế xanh cần những giải pháp sau:

Trước hết, cần có tư duy mới về kinh tế số và kinh tế xanh. Đây không phải là 2 chương trình rời rạc, mà cần có sự tích hợp, đồng hành. Theo đó, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết một cách đúng đắn, toàn diện cả về lợi ích cũng như thách thức về môi trường đối với phát triển kinh tế số, đây cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Đối với các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành, địa phương và khu vực doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho khả năng lồng ghép các xu hướng phát triển này.

Thứ hai, đẩy nhanh việc hoàn thiện khung thể chế phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp để kinh tế số tăng quy mô và gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng nói chung, cần tham chiếu và liên kết hoàn thiện khung nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh, hoàn thiện và sớm ban hành bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Việt Nam. Cần bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội nói chung và các mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số, sớm hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm. Các ngành và địa phương cần lồng ghép các đề án và hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số với các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện.

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh. Đồng thời, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, dành nguồn lực ngân sách thoả đáng nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh; tiếp tục kiên định với định hướng hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng. Hoạch định và thực thi chính sách theo hướng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước theo hướng kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tài chính xanh, trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và trái phiếu doanh nghiệp), bảo hiểm xanh, tín dụng xanh và ngân hàng xanh.

Thứ tư, xây dựng một chương trình khuyến khích ứng dụng CNTT-TT với mục đích tiết kiệm năng lượng trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp có liên quan (tiêu chuẩn hóa, giám sát và tăng cường trách nhiệm giải trình về tiêu thụ năng lượng), đồng thời khuyến khích công nghệ số và chuyển đổi số được sử dụng trong các mô hình hành vi bền vững hơn của người dân (thay đổi cách sống, vui chơi, học tập và làm việc dựa trên dữ liệu) và doanh nghiệp (chuyển đổi các chuỗi giá trị hiện có và tích hợp các quy trình và hệ thống chuyển đổi số) trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế (Trần Thọ Đạt và cộng sự, 2023).

Thứ năm, cần xây dựng một hệ thống đánh giá chặt chẽ tác động trực tiếp, gián tiếp của các lĩnh vực tăng trưởng số trong việc hiện thực hóa phương thức tăng trưởng xanh và nỗ lực chuyển sang sang nền kinh tế các bon thấp. Hiệu quả của sự song hành được đánh giá thông qua thực tiễn là lĩnh vực CNTT-TT và các hoạt động kinh tế số khác vừa có khả năng sinh lời, vừa có vai trò quan trọng để cùng với các lĩnh vực khác sử dụng các giải pháp cần thiết để tạo ra một nền kinh tế và xã hội xanh.

Thứ sáu, đối với các doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, triển khai tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, năng cao năng lực quản trị phù hợp với những mô hình sản xuất, kinh doanh và hợp tác mới. Trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới xanh, doanh nghiệp cần tận dụng giảm chi phí nội bộ và bên ngoài, thúc đẩy sự phân công lao động chuyên nghiệp; đặc biệt, tăng cường liên kết giữa chuyển đổi số và đổi mới xanh trong các kế hoạch kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội, góp phần thúc đẩy tác động lan tỏa của chuyển đổi số và đổi mới công nghệ xanh./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Quảng Ninh (2023), Tài liệu Diễn đàn “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững”, trong khuôn khổ sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2023, ngày 30/9/2023.

2. OECD (2011), Towards green growth.

3. Rumana Bukht and Richard Heeks (2017), Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy, Paper No. 68, Centre for Development Informatics, Global Development Institute, SEED.

4. Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2022), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp”, Hà Nội, ngày 24/9/2022.

5. The World Bank (2013), From Brown Growth to Green: the Economic Benefits of Climate Action, truy cập tại: https://www.worldbank.org, ngày 24/6/2022

6. Trần Thọ Đạt và cộng sự (2023), Kinh tế số và kinh tế xanh cần sự song hành, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tintieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/kinh-te-so-va-kinh-texanh-can-su-song-hanh#.

7. UNDP (2015), The 2030 Agenda for Sustainable Development.

8. UNEP (2011), Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, doi:10.1063/1.3159605.

9. US Green Economy (2021), US Green Economy Report Series, retrieved from https://usgreeneconomy.com/national-overview/.

10. WB (2012a), Inclusive green growth: The pathway to sustainable development.

11. WB (2012b), MDBs: Delivering on the promise of sustainable development.

ĐỖ THẾ DƯƠNG
Trung tâm Thông tin, thư viện và truyền thông,
Khoa Kinh tế số – Học viện Chính sách và Phát triển

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/tich-hop-kinh-te-so-va-kinh-te-xanh-trong-phat-trien-ben-vung-cua-viet-nam-vi-sao-va-the-nao-33366.html