web analytics

Tăng cường các giải pháp quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử 07/07/2023

(KDTT) – Đây là chủ đề được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế – tài chính đến từ các bộ, ngành, cơ quan thuế, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, trường đại học khối kinh tế – tài chính, hiệp hội doanh nghiệp cùng bàn luận và đưa các giải pháp tại Hội thảo khoa học do Bộ Tài chính tổ chức trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh và trực tuyến vào ngày 6/7.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, HĐĐT ngày càng được sử dụng phổ biến trong giao dịch thương mại và trở thành một xu hướng tất yếu trong điều kiện công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho các DN và cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh triển khai áp dụng HĐĐT theo lộ trình gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 với 6 tỉnh, TP (gồm TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ); giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 với 57 địa phương còn lại.

Theo đánh giá của ông Trường, sau hơn một năm triển khai thực hiện, hệ thống HĐĐT với những tính năng nổi trội đã giải quyết được phần lớn các bài toán về quản lý thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến tháng 5/2023, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 3,91 tỷ HĐĐT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng HĐĐT, người nộp thuế gặp một số vướng mắc, khó khăn như: tình trạng hóa đơn bị sai sót, các thủ tục điều chỉnh còn bất cập; một số lĩnh vực kinh doanh với các loại hình phát hành hóa đơn khác nhau trong quá trình thực hiện phát sinh những vấn đề cần được giải quyết; quy định về giao dịch điện tử còn phức tạp và chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh; quy trình, hướng dẫn triển khai HĐĐT của cơ quan thuế còn chưa hoàn chỉnh, nhiều DN còn lúng túng, vướng mắc khi áp dụng…

Đáng chú ý, hiện nay có hiện tượng phát hành và sử dụng HĐĐT trái pháp luật nhằm gian lận thuế, chiếm đoạt NSNN. Đồng thời, tính tuân thủ của người nộp thuế còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: các DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh chưa sẵn sàng tiếp cận HĐĐT do bị hạn chế về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực; thói quen sử dụng hóa đơn truyền thống; tâm lý ngại thay đổi hay quan ngại về nhà cung cấp phần mềm; vấn đề an toàn, bảo mật khi sử dụng trên môi trường internet…

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia kinh tế – tài chính, DN về HĐĐT đã trao đổi, thảo luận về thực trạng, nhận diện và phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai HĐĐT tại Việt Nam; xu thế và kinh nghiệm các nước trên thế giới. Đồng thời đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai HĐĐT.

“Trên cơ sở các nội dung thảo luận đã gợi mở thêm nhiều vấn đề mới, đáng quan tâm cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các giảng viên và nhà nghiên cứu. Qua đó, cũng góp phần cho quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai HĐĐT trong thời gian tới”, ông Trường chia sẻ thêm.