Mới đây, tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tham luận trình bày về Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản.

Ảnh minh họa

Theo đó, hiện nay, cả nước có khoảng 6.234 doanh nghiệp chế biến, thương mại gỗ và lâm sản, trong đó: Doanh nghiệp trong nước chiếm 82,8%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – FDI chiếm 13,2%; doanh nghiệp đến từ khu vực tư nhân chiếm 95%. Theo mặt hàng chế biến: doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ chiếm 79,1%; chế biến lâm sản ngoài gỗ chiếm 7,4%; sản xuất ván nhân tạo chiếm 9,3%; dăm gỗ chiếm 3%, Pallet chiếm 0,9% và viên nén gỗ 0,4%. Theo khu vực: Vùng Đông Nam Bộ chiếm 41,5%; vùng Đồng Bằng sông Hồng chiếm 17,8%, vùng Bắc Trung Bộ 11,1%, vùng Đông Bắc 10%, vùng Nam trung Bộ 9,8%, các vùng còn lại chiếm 9,9%. Doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu sản phẩm trên 2.600 doanh nghiệp, tăng hơn 1.000 doanh nghiệp so với năm 2017, trong đó có trên 1.000 doanh nghiệp (chiếm 70 %) là của Việt Nam, đã đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản một cách bền vững. Đồng thời, có trên 810 doanh nghiệp chế biến lâm sản được chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm CoC theo hệ thống chứng nhận của tổ chức FSC, PEFC, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

ng dụng công nghệ trong chế biến gỗ và lâm sản

Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư, đổi mới nhiều thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ EU, Đài Loan, sản xuất được các sản phẩm phức tạp, giúp các doanh nghiệp sản xuất được nhiều mặt hàng cao cấp, có chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào sản xuất để nâng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, từng bước giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, qua đó đã tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm như sản xuất được nhiều loại máy chế biến gỗ và dầu màu trang sức bề mặt, thay cho trước đây, chúng ta phải nhập khẩu. Những sản phẩm công nghệ xuất khẩu của Việt Nam đã được một số thị trường quốc tế chấp nhận như Bolivia, Myanmar, Campuchia…vv.

Cùng với sự phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản hiện đại, ngành công nghiệp hỗ trợ như thiết bị, công cụ sản xuất, vật liệu kim khí, bao bì, chèn lót, ngành vận tải, logistic … cũng được quan tâm, phát triển.

Thị trường

Các doanh nghiệp cùng với các cơ quan quản lý nhà nước tích cực chủ động, tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giúp uy tín của sản phẩm gỗ Việt đã từng bước được khẳng định trên thị trường thế giới, do đó ngoài việc mở rộng thị trường, đa dang hóa chủng loại sản phẩm thì các doanh nghiệp đã giữ được uy tín đối với những thị trường truyền thống, chiếm thị phần lớn. Năm 2005, chúng ta mới xuất khẩu gỗ và lâm sản sang 60 quốc gia thì đến nay đã có mặt ở hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ với những sản phẩm mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước; những mặt hàng đã góp phần tăng trưởng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua là các loại sản phẩm gỗ nội thất chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường thế giới, gồm: bàn, ghế, tủ giường sử dụng trong văn phòng, gia đình và khách sạn; các loại cửa, ván sàn sử dụng trong xây dựng; và các loại sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.

Xây dựng vùng nguyên liệu

Hiện nay, tổng diện tích rừng trồng sản xuất cả nước đạt trên 3,6 triệu ha, trong đó: diện tích rừng trồng Keo, Bạch đàn đạt 2.087.116 ha (rừng Keo 1.952.692 ha, rừng Bạch đàn 134.424 ha) chiếm 59%; diện tích rừng trồng Thông 247.624 ha chiếm 7%; diện tích rừng trồng Cao su 247.624 ha chiếm 7% và diện tích rừng trồng Mỡ, Bồ đề, Lát, Xoan và các loài cây bản địa khác 955.121 ha chiếm 27% tổng diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước. Nhu cầu gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ giai đoạn từ năm 2017 – 2022, tăng từ 35,9 triệu m3 lên 41,6 triệu m3, chủ yếu được cung cấp từ nguồn gỗ khai thác trong nước và gỗ nhập khẩu. Trong đó, gỗ khai thác trong nước đáp ứng 75,6% nhu cầu gỗ nguyên liệu của ngành chế biến gỗ (khai thác rừng trồng tập trung 51,5%, khai thác cây trồng phân tán 13,7%, khai khác cao su thanh lý 10,4%), gỗ nhập khẩu là 24,4 %.

Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu là lâm sản ngoài gỗ trong nước như tre, nứa, song, mây dưới tán rừng…rất phong phú. Hiện tại nước ta có khoảng 1,4 triệu ha tre, tương đương 6,2 tỷ cây. Cả nước có 37 tỉnh có rừng tre tập trung, trong đó 23 tỉnh có diện tích tre từ 10.000 ha trở lên. Khác với nguồn nguyên liệu gỗ có thể nhập khẩu, nguồn nguyên liệu tre nứa, song mây trong nước đáp ứng được cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Kết quả xuất nhập khẩu lâm sản

Về xuất khẩu:

Trong thời gian qua, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đáng ghi nhận, tăng hơn 5,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 17,01 tỷ USD vào năm 2022, về đích trước 03 năm so với chỉ tiêu của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, cụ thể:

Giai đoạn 2017-2022: Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản phẩm gỗ nước ta luôn tăng trưởng bình quân trên 15%/năm, gồm: Năm 2017, giá trị xuất khẩu 8 tỷ USD, tăng trên 15% so với năm 2016. Năm 2018, giá trị xuất khẩu 9,38 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2017. Năm 2019, giá trị xuất khẩu 11,3 tỷ USD, tăng 19,5% so với năm 2018 và đến năm 2022, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2021, trong đó: sản phẩm gỗ 11,04 tỷ USD, dăm gỗ 2,78 tỷ USD, tăng 60,6 %, viên nén gỗ 0,82 tỷ USD, tăng 80,6 %, ván các loại 1,31 tỷ USD, giảm 10,3 %, gỗ khác 0,066 tỷ USD, giảm 28,2%; lâm sản ngoài gỗ đạt 1,09 tỷ USD.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính của nước ta, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường này năm 2022 đạt 14,2 tỷ USD, chiếm trên 90 % tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. (Chi tiết tại phụ lục 03 kèm theo)

Giá trị xuất siêu luôn tăng bình quân trên 17%/năm, Năm 2017 giá trị xuất siêu 5,9 tỷ USD, tăng 6,9% so với 2016. Năm 2018 giá trị xuất siêu 7,1 tỷ USD tăng 20,7% so với năm 2017. Năm 2019 giá trị xuất siêu 8,8 tỷ USD tăng 24,2% so với năm 2018. Năm 2020 giá trị xuất siêu 10,7 tỷ USD tăng 21,6%. Năm 2022 giá trị xuất siêu lên 14,1 tỷ USD tăng 7,9% so với năm 2021.

Về nhập khẩu: Để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và chế biến xuất khẩu, nước ta nhập khẩu trên 2,6 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ/năm. Xu thế trong những năm gần đây, gỗ nguyên liệu nhập khẩu không có biến động nhiều về giá trị và khối lượng: năm 2016 nhập 7 triệu m3, năm 2017 nhập 7,6 triệu m3, năm 2018 nhập 8,4 triệu m3, năm 2019 nhập 8,5 triệu m3 và năm 2022 nhập khẩu khoảng 10,1 triệu m3 tương ứng với giá trị từ 2,2 – 2,6 tỷ USD. Chủng loại gỗ nhập khẩu chủ yếu là các loại gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván nhân tạo, được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, Chi Lê là các quốc gia có nền quản trị rừng tiên tiến, kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc gỗ hợp pháp tiếp tục là các thị trường nhập khẩu chính của nước ta, hàng năm chiếm khoảng 44,5% giá trị nhập khẩu của cả nước.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Ưu điểm

Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã chủ động được trên 75% nhu cầu gỗ nguyên liệu, giúp các doanh nghiệp chủ động, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam tại thị trường trong nước và thế giới. Qua đó, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước bình quân trên 3 tỷ USD/năm, xuất khẩu bình quân trên 13 tỷ USD gỗ và lâm sản, đưa xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trở thành ngành hàng xuất khẩu đứng trong top 10 ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của cả nước, xuất siêu của ngành chế biến gỗ năm 2022 đạt trên 14 tỷ USD, góp phần quan trọng giảm chênh lệch cán cân thương mại của cả nước; tạo việc làm cho trên 500 nghìn công nhân lao động và trên 1 triệu hộ nông dân tham gia trồng rừng sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm áp lực phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang sản xuất nông nghiệp; khai thác lâm sản trái pháp luật

Hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:

Các doanh nghiệp chế biến gỗ phân bố không đều trên phạm vi cả nước, tập trung chủ yếu tại một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ, với số lượng doanh nghiệp chiếm trên 42% tổng số doanh nghiệp chế biến gỗ của cả nước. Trong khi đó, vùng nguyên liệu chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung, điều này đã làm tăng chi phí vận chuyển và làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.

Nguồn nhân lực, lao động lành nghề, có trình độ cao chỉ chiếm hơn 55-60%, còn lại là lao động phổ thông, trình độ chuyên môn thấp. Các lợi thế cạnh tranh về nhân công, lao động giá rẻ không còn chiếm ưu thế như trước đây.

Chất lượng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước còn thấp, khai thác ở tuổi rừng non chủ yếu phục vụ sản xuất dăm gỗ các loại gỗ công nghiệp; không sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm gỗ nên giá trị gia tăng thấp. Hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 8- 8,5 triệu m3 gỗ tròn, gỗ xẻ để chế biến, xuất khẩu dẫn đến chi phí sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh. Sự liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm gỗ nguyên liệu giữa các chủ rừng với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, chưa lan tỏa sâu rộng.

Công nghiệp hỗ trợ bước đầu đã cung cấp được một số loại vật liệu cho sản xuất chế biến gỗ. Nhưng những vật liệu phụ trợ quan trọng cho sản xuất chế biến gỗ như các loại sơn, keo, chất phủ bề mặt, kim khí… vẫn phải nhập khẩu, làm tăng giá thành sản xuất và giảm giá trị gia tăng của sản phẩm.

Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia chưa được chú trọng đúng mức. Nước ta đã có những doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ quy mô lớn, công nghệ hiện đại, nhưng lại thiếu doanh nghiệp gỗ có thương hiệu, tên tuổi để lại dấu ấn trên thị trường quốc tế và thị trường trong nước. Đa số các doanh nghiệp vẫn là đơn vị gia công, làm theo các đơn đặt hàng của các đối tác, bạn hàng nước ngoài.

Sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ chưa cao, tạo áp lực cạnh tranh trong nội bộ và dễ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của toàn ngành. Ngoài ra, còn có sự gia tăng cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là một số quốc gia trong khu vực có cùng lĩnh vực chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 25 tỷ USD vào năm 2030.

Bài học kinh nghiệm

Ngành công nghiệp chế biến gỗ có được thành công như trên là do:

Một là, Đảng và nhà nước, quan tâm ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ trồng rừng, chế biến, thương mại lâm sản; sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, điạ phương trong việc tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, sự đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp trong sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản vượt qua được những tác động của dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga -Ukriena để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu trong nước, xuất khẩu tăng trưởng cao trong thời gia qua.

Hai là, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động việc phát triển trồng rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vừng, các doanh nghiệp nói không với gỗ bất hợp pháp giúp ngành chế biến gỗ xây dựng được uy tín trên thị trường quốc tế. Ba là, Chính phủ và các Bộ ngành đã không ngừng đàm phán, ký kết, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại thế hệ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Bốn là, các doanh nghiệp, hiệp hội đã liên hệ chặt chế với các cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ TRONG THỜI GIAN TỚI

Cơ hội và thách thức

Cơ hội

Thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới lớn, khoảng 405 tỷ USD /năm, trong đó nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 230 tỷ USD. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chiếm trên 7% thị phần nhu cầu toàn cầu nên các doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.

Nguồn cung nguyên liệu gỗ từ diện tích quy hoạch rừng sản xuất trong nước cung cấp cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ… ít bị rủi ro, dễ dàng chứng minh, truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

– Việt Nam đã phê chuẩn và sẽ khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do: đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Việt Nam-EU; Việt Nam- ASEAN; Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chi Lê, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam-Trung Quốc; Việt Nam -Thái Lan. Đây là những cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Thị trường nội địa, với dân số gần 100 triệu người là thị trường tiềm năng, tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta phát triển trong thời gian tới.

Đã có được những bài học kinh nghiệm từ việc triển khai các mô hình liên kết, hợp tác trong trồng rừng, phát triển rừng giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ với các hộ gia đình, tạo điều kiện ổn định đời sống, tăng thu nhập cho các hộ gia đình trồng rừng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu có chất lượng phục vụ cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu.

Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; tình hình kinh tế vĩ mô, lãi suất và tỷ giá hối đoái ổn định …vv đã tạo ra niềm tin cho các doanh nghiệp.

Thách thức

Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp.

Thị hiếu của người tiêu dùng các sản phẩm gỗ tại một số thị trường Châu Âu thay đổi từ sử dụng đồ mộc ngoại thất bằng các loại sản phẩm thay thế như nhựa, sắt thép và các vật liệu thân thiện với môi trường.

Các dòng thuế nhập khẩu sẽ cắt giảm, các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với đồ gỗ của các quốc gia thành viên thuộc các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Các thị trường chính xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, thân thiện với môi trường.

Định hướng thời gian tới

Phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất: Hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ; xây dựng 01 Trung tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia mang tầm cỡ quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển xúc tiến, bán hàng cho ngành chế biến gỗ.

Phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường trong nước và quốc tế như: Sản phẩm đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, gỗ ván nhân tạo, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ.

Phát triển thị trường thương mại gỗ và sản phẩm gỗ

Đối với thị trường xuất khẩu: Tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Eu, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, lợi thế thông qua việc thực hiện có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, xây dựng và phát triển thương hiệu “Gỗ Việt”, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu “Gỗ Việt” để nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm thương mại gỗ tại nước ngoài, hội chợ triển lãm định hướng xuất khẩu tại Việt Nam và các hội nghị quốc tế ngành chế biến gỗ để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đối với thị trường trong nước: Tổ chức nghiên cứu thị trường; xây dựng cơ sở dữ liệu các mặt hàng đồ gỗ quan trọng gắn với phong tục, tập quán, thói quen mua sắm của người Việt; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm gỗ Việt cho người tiêu dùng.

Tập trung tháo gỡ rào cản thương mại, kỹ thuật và phòng chống gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Kịp thời tháo gỡ khó khăn về rào cản thương mại, kỹ thuật trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính; cung cấp thông tin pháp lý, thị trường gỗ toàn cầu để hỗ trợ doanh nghiệp; cam kết hợp tác giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Đẩy mạnh quản lý, kiểm tra xuất xứ sản phẩm đối với sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất, nhập khẩu tăng đột biến, có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để ngăn chặn kịp thời.

Giải pháp phát triển bền vững

Về cơ chế, chính sách: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; chính sách liên kết trồng rừng, chế biến gỗ theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Về khoa học và công nghệ: Ứng dụng công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa, thân thiện với môi trường trong chế biến, bảo quản gỗ; công nghệ sản xuất sử dụng phế liệu, phụ phẩm lâm nghiệp; các công nghệ mới tạo ra các loại sản phẩm chất lượng cao; ứng dụng hệ thống quản lý điều hành sản xuất kinh doanh bằng các phần mềm quản lý tiên tiến, tiết kiệm nhân công; tập trung đổi mới công nghệ, đồng bộ các thiết bị công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh chuyên môn hóa, xây dựng, áp dụng thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và quyền sở hữu công nghiệp các loại sản phẩm gỗ.

Về phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp: Đẩy mạnh phát triển rừng trồng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng trong nước, ưu tiên nhập khẩu gỗ từ các quốc gia phát triển, có nền quản trị rừng tiên tiến nhằm bảo đảm 100% nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ có nguồn gốc hợp pháp hoặc gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường, thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác, liên kết giữa các chủ rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ trong phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương).

ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Để đảm bảo phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản bền vững, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ban hành chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng đồ gỗ từ các sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; chính sách bảo hiểm gỗ rừng trồng.

Hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại tổ chức các gian hàng quốc gia tại các hội chợ triển lãm đồ gỗ lớn trên thế giới, tập trung vào các thị trường: Mỹ, EU, Anh, Nhật, Trung Quốc, UEA; tổ chức các hội thảo, sự kiện kết nối doanh nghiệp giữa các nước.

Thống nhất về cơ chế quản lý gỗ nhập khẩu đảm bảo nguồn gốc hợp pháp; kiểm soát việc cấp phép đối với các dự án đầu tư vào các mặt hàng đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhập khẩu các mặt hàng từng bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước thứ ba vào Việt Nam.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản, ưu đãi về tín dụng, đất đai, vay vốn trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Có chính sách tích tụ đất lâm nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ

Ưu tiên, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, thành lập các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm triển lãm tại các địa phương và xây dựng thương hiệu gỗ Việt./.