Chiều ngày 10/11/2022 tại Hà Nội đã diễn ra chương trình tọa đàm “Dự thảo dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023” nhằm cung cấp thông tin cơ bản về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 cũng như đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2022.

Tham gia thảo luận chung về Dự thảo dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 có ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính; TS.Bùi Đặng Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm, UB TCNS, Quốc hội khóa XIV; PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia tài chính công; TS. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, UB TCNS, Văn phòng Quốc hội.

Quang cảnh tọa đàm.

Trình bày về Dự thảo Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ tài chính cho biết: “Kinh tế thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với thời điểm xây dựng dự toán NSNN năm 2022; xung đột Nga – Ukraine kéo dài; hậu quả của dịch Covid-19 và việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa ở Mỹ, EU và một số nước để kiểm soát lạm phát đã tác động đến thị trường tài chính, hoạt động đầu tư, thương mai toàn cầu. Trong nước, dịch bệnh Covid được kiểm soát tốt, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế được duy trì ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy nhiên nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh của những biến động từ bên ngoài, áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân”.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) phát biểu tại tọa đàm.

Tổng thu NSNN 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.614,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17,2 % GDP; Thuế, phí đạt 13,9GDP. Tổng chi NSNN là 2.035,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so dự toán. Về chính sách thu, số tiền miễn , giảm thuế khoảng 53,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,1% tổng số dự kiến miễn giảm (95 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách. Số tiền gia hạn khoảng 97,9 nghìn tỷ đồng bằng 72,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách. Về chính sách chi đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đến hết tháng 9/2022 đã thông báo bổ sung kinh phí cho 22 địa phương với tổng kinh phí là 4.149 tỷ đồng (tương đương 62,7% quy mô gói khi xây dựng Chương trình). Số tiền gia hạn khoảng 97,9 nghìn tỷ đồng bằng 72,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách.

Ông Nguyễn Minh Tân cũng có những dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, về thu NSNN dự toán năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3%GDP. Về chi NSNN năm 2023 dự toán là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán năm 2022. Chi thường xuyên là 1.172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so dự toán năm 2022, chi trả nợ lãi 102,9 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so dự toán năm 2022. Chi đầu tư phát triển 726,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,1% so dự toán năm 2022. Còn lại các khoản chi khác dự toán khoảng 74,3 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN khoảng 430,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,18%GDP và đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 44-45% GDP.

Với các chỉ tiêu trong dự thảo đề ra, ông Nguyễn Minh Tân chia sẻ những nhóm giải pháp thực hiện, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Theo ông Tân, Chính phủ sẽ chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Ông Tân cho rằng hệ thống chính trị cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước cần tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động , trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính kết hợp chuyển đổi số quốc gia đồng bộ, toàn diện, xây dựng chính phủ điện tử; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch.