Sơ chế nông sản xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Nhận định về tình hình thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trọng điểm những tháng đầu năm và tiềm năng những tháng cuối năm, báo cáo nêu rõ, với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm của 4/9 mặt hàng tăng mạnh về giá trị là rau quả (1,2 tỷ USD, tăng 80,2%), gạo (364 triệu USD, tăng 79,2%), hạt điều (198,8 triệu USD, trên 50,9%) và chè (4,2 triệu USD, tăng 58,7%); 5/9 mặt hàng suy giảm là sản phẩm mây, tre, cói thảm (2,05 triệu USD, giảm 40,3%) thủy sản (512,6 triệu USD, giảm 25,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (586 triệu USD, giảm 20,2%), sắn và sản phẩm sắn (467,6 triệu USD, giảm 18,8%), cao su (600 triệu USD, giảm 12,6%).

Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hạn chế lây lan dịch Covid-19 đã giải phóng nhu cầu trong nước, tăng doanh thu khu vực du lịch và giải trí, giúp kinh tế phục hồi; triển khai nhiều chính sách kinh tế, chính trị mạnh mẽ nhằm phát triển kinh tế và tăng cường an ninh lương thực, nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi.

Theo WB, dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023.

Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ khi một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn có thể duy trì tăng trưởng, các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.

Với thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có 1 mặt hàng cà phê tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm (đạt 145,2 triệu USD, tăng 16%), còn lại 9 mặt hàng đều suy giảm, giảm mạnh nhất là cao su (9,5 triệu USD, giảm 60,1%), thủy sản (562,5 triệu USD, giảm 48,3%), gỗ (2,6 tỷ USD, giảm 35,6%), hạt tiêu (83,9 triệu USD, giảm 34,2%), chè (2,7 triệu USD, giảm 39,8%).

Theo WB, tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ dự báo yếu đi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ước đạt 1,1% năm 2023. Tiêu dùng trong dân đã phục hồi nhưng còn chậm, các nhóm hàng chiếm thị phần xuất khẩu lớn như gỗ và thủy sản có thể có nhu cầu tăng nhẹ vào 3 tháng cuối năm. Hoa Kỳ đã trở lại là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 5/2023 cho thấy tín hiệu thị trường đã có dấu hiệu tốt dần lên.

Thứ ba là thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Cả 3 mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường đều suy giảm giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm, bao gồm: gỗ (677 triệu USD, giảm 0,2%), thủy sản (580,2 triệu USD, giảm 9,2%) và cà phê (128,5 triệu USD, giảm 3%). Một số mặt hàng tăng trưởng là rau quả (5,3%), hạt điều (15,4%) và sẵn và sản phẩm sắn tăng mạnh (947,4%).

Theo WB, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản dự báo chậm lại do thắt chặt chính sách tiền tệ, ước đạt 0,8% năm 2023. Nhu cầu của người tiêu dùng bị kìm hãm bởi sự chậm trễ về tăng trưởng chính sách tiền lương thực tế, hiện đang tăng cường các chính sách khuyến khích tiêu dùng trong nước và khuyến khích người dân đi du lịch nước ngoài.

Thứ tư là thị trường EU. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,1 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ; EU đối mặt với khủng hoảng năng lượng và cơn sốt giá thực phẩm dẫn đến suy thoái kinh tế, cắt giảm tiêu thụ thực phẩm tại nhiều nước bao gồm cả quốc gia đầu tầu như Đức, xu hướng chuyển dịch chính sách kinh tế sang các khu vực thị trường mới.

Thứ năm là thị trường Asean. Xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Asean trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Indonesia tăng trưởng vượt bậc (300,3%) nhờ xuất khẩu gạo (tăng 1.519,3%), cà phê (tăng 185,5%), Philippines tăng trưởng 14,4% (chủ yếu là gạo tăng 31,1%), Singapore tăng 4,8%.

Thời gian tới, các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm từ công nghệ chế biến sâu sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu có nhiều cơ hội tăng mạnh, và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD có thể đạt được trong tương lai không xa. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là sản phẩm cần đáp ứng tốt quy định mới của nhiều thị trường. Nếu trước đây, các thị trường chủ yếu đưa ra các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay đã mở rộng nhiều yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh như các yếu tố về môi trường, lao động…, đòi hỏi doanh nghiệp phải hết sức chú trọng.

Cùng với rau quả, ngành hàng lúa gạo cũng đang kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 4 tỷ USD sau khi có bước tăng trưởng vượt bậc trong 6 tháng đầu năm. Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa nhận định: Những tháng cuối năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng cả sản lượng và kim ngạch do lượng gạo sản xuất tại nhiều quốc gia tại châu Á đang đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino. Do đó nhu cầu tiêu thụ gạo cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế sẽ còn gia tăng. Bình quân 6 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Thời gian tới, thực hiện Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, các ngành chức năng sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế; cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc… để tăng sức cạnh tranh cho gạo Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo KDPT