web analytics

Hiệu quả của đấu thầu qua mạng 07/10/2020

(KDPT) – Số liệu được tính toán trên cơ sở 51,7 nghìn trong tổng số 81,2 nghìn thông báo mời thầu đã có kết quả lựa chọn nhà thầu từ ngày 1.1 đến 8.9.2020 cho thấy, đấu thầu qua mạng rút ngắn thời gian từ 6 – 17 ngày so với đấu thầu truyền thống. Bên cạnh đó, đấu thầu qua mạng còn giảm chi phí, thủ tục, tạo thuận lợi cho các bên.

Tiết kiệm 6 – 17 ngày

Số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng ngày càng tăng mạnh. Theo số liệu của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2019, đấu thầu qua mạng được thực hiện với 39,5 nghìn gói thầu, tổng giá đạt hơn 120,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 30,1 nghìn gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu với tổng giá trúng thầu khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 5,63%, cao hơn so với đấu thầu truyền thống. So với 2018, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2019 tăng gấp 2 lần và tổng giá trị gói thầu tăng gấp 3 lần.

Đấu thầu qua mạng giảm tới 17 ngày so với đấu thầu truyền thống.                                   Nguồn: ITN

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều phương diện của toàn xã hội, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng vẫn có bước tiến vượt bậc so với cùng kỳ năm 2019. Tính hết tháng 7, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng theo hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh đạt 47 nghìn gói, chiếm tỷ lệ 82,6% với tổng giá trị gói thầu là 136,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 50,5%, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

So với chỉ tiêu Chính phủ quy định tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, đấu thầu qua mạng đã vượt 135% về số lượng và 200% về tổng giá trị gói thầu.

Chính những ưu điểm vượt trội cả về thời gian, chi phí, thủ tục và tính minh bạch của đấu thầu qua mạng so với đấu thầu truyền thống đã dẫn tới sự tăng trưởng này.

Số liệu tính toán trên cơ sở 51,7 nghìn/81,3 nghìn thông báo mời thầu đã có kết quả lựa chọn nhà thầu (trong đó có 43,1 nghìn thông báo mời thầu qua mạng và 8,6 nghìn thông báo mời thầu trực tiếp) từ ngày 1.1 – 8.9.2020 cho thấy đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm thời gian từ 6 – 17 ngày.

Cụ thể, xét theo hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, đối với hình thức chào hàng cạnh tranh, tổng thời gian trung bình từ lúc đăng tải thông báo mời thầu đến lúc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là 25 ngày. Trong đó, thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (e-HSMT) trung bình là 8 ngày, thời gian đánh giá hồ sơ đấu thầu (e-HSDT) 17 ngày, thời gian lựa chọn nhà thầu tiết kiệm so với đấu thầu truyền thống là 8 ngày. Đối với hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, tổng thời gian trung bình từ lúc đăng tải thông báo mời thầu đến lúc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là 32 ngày, tiết kiệm 6 ngày. Đối với hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, thời gian tương ứng lần lượt là 48 ngày và 6 ngày.

Xét theo giá trị gói thầu, đối với các gói thầu dưới 5 tỷ đồng (33,1 nghìn gói thầu, trong đó đấu thầu qua mạng là 29,8 nghìn gói, chiếm 90%), thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng tiết kiệm 8 ngày so với đấu thầu truyền thống. Đối với các gói thầu từ 5 – 10 tỷ đồng (4,7 nghìn gói thầu, trong đó đấu thầu qua mạng là 3,2 nghìn gói, chiếm 69%), thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng tiết kiệm 7 ngày so với đấu thầu truyền thống. Đối với các gói thầu trên 100 tỷ đồng, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng tiết kiệm 17 ngày.

Tăng trách nhiệm người đứng đầu

Không chỉ tiết kiệm về thời gian, đấu thầu qua mạng còn giúp giảm chi phí, thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch.

“Mọi thao tác đều được số hóa, do đó, chi phí nhân sự và thời gian dành cho đấu thầu được tiết kiệm đáng kể. Doanh nghiệp chúng tôi có thể tải miễn phí hồ sơ mời thầu trên hệ thống, không phải tốn thêm phí vận chuyển, in ấn, lưu trú để tham gia đấu thầu”, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương, ngoài việc tăng cường công khai thông tin đấu thầu, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội, đấu thầu qua mạng còn góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các vấn đề tiêu cực như thông thầu, gian lận, giả mạo hồ sơ…

Mặc dù đấu thầu qua mạng mang lại những lợi ích thiết thực song thực tế, ở nhiều nơi, nhiều nhà thầu vẫn chưa mặn mà. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ về số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng còn thấp hơn so với yêu cầu của Chính phủ. Ngoài ra, xuất hiện một số hiện tượng như nhiều gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự với tỷ lệ tiết kiệm rất thấp; cố tình chuyển gói thầu thành gói hỗn hợp hoặc gói gồm các phần (lô) để tránh đấu thầu qua mạng; đưa vào hồ sơ mời thầu những tiêu chí không phù hợp gây khó khăn cho các nhà thầu hoặc định hướng đến nhà thầu cụ thể.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu để có thể tổ chức đấu thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa chia lô, chia phần, gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá, gói thầu dịch vụ tư vấn áp dụng loại hợp đồng hỗn hợp. Mục tiêu trong năm nay, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng phải bảo đảm đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Thực tế, cùng một chính sách đấu thầu qua mạng nhưng có những nơi làm rất tốt song lại có những nơi tỷ lệ rất thấp, dù có thuận lợi về hạ tầng, nhân lực. Do đó, theo các chuyên gia, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, bộ ngành, qua đó đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, góp phần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

ĐAN THANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo link gốc: http://daibieunhandan.vn/hieu-qua-cua-dau-thau-qua-mang-amrqhke6n3-48064