Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường trái phiếu

Nỗi lo trái phiếu đáo hạn trong bối cảnh hoạt động doanh nghiệp chưa có nhiều thuận lợi vẫn là điểm mấu chốt để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi.

Theo báo cáo thị trường TPDN mới đây của Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), trong 6 tháng đầu năm, thị trường TPDN có tổng cộng 34 doanh nghiệp phát hành mới với giá trị đạt khoảng 55.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 6.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng và khoảng 49.000 tỷ đồng phát hành riêng lẻ. Giá trị phát hành TPDN mới đạt cao nhất rơi vào tháng 3 (26.866 tỷ đồng) và tháng 6 (19.880 tỷ đồng).

Trong đó, bất động sản và ngân hàng là hai lĩnh vực phát hành TPDN nhiều nhất trong nửa đầu năm khi chiếm khoảng 80% tổng giá trị phát hành (bất động sản: 54%; ngân hàng: 25%). Bất động sản có mức lãi suất sơ cấp bình quân cao nhất với 11,6%, cao hơn gần 70% so với nhóm ngân hàng (6,9%).

Dư nợ TPDN Việt Nam có xu hướng tăng trong dài hạn nhưng chậm lại kể từ nửa cuối năm 2022, đạt mức 1,07 triệu tỷ đồng tại 30/6/2023. Tỷ lệ dư nợ TPDN trên GDP giảm xuống còn 12% trong nửa đầu năm.

Thống kê của Vinacapital cho thấy, hiện đã có khoảng 12% trái phiếu chậm thanh toán đã được khắc phục; khoảng 60% trái phiếu chậm thanh toán tổ chức phát hành đang đàm phán với trái chủ để tiếp tục xử lý.

Nghiên cứu của VinaCapital chỉ ra rằng, những trái phiếu được đàm phán giữa trái chủ và tổ chức phát hành ngoài tòa án sẽ rút ngắn thời gian xử lý so với việc 2 bên thực hiện đàm phán ở tòa án.

Kể từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động theo đó đã giảm mạnh, lãi suất cho vay dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm. Đây sẽ là yếu tố rất quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi trong thời gian tới.

VinaCapital cũng cho rằng, khi mặt bằng lãi suất giảm, sẽ giúp cho thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng lên. Bên cạnh đó, mặt bằng giá trái phiếu cũng đã quay về quanh mệnh giá so với thời điểm khó khăn nhất của thị trường quý IV/2022, khi đó hầu hết các trái phiếu đều giao dịch ở mức chiết khấu.

Bên cạnh đó, với lãi suất giảm, nhiều doanh nghiệp cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu trở lại trong các quý tới. Điều này chứng tỏ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang bước vào giai đoạn phục hồi.

Bên cạnh sự thuận lợi của việc gia hạn trái phiếu trong thời gian qua thì thị trường có thêm một cú hích mới, vừa qua, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chính thức được đưa vào vận hành.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, 4 mã trái phiếu được giao dịch với tổng số 39 lệnh giao dịch của nhà đầu tư; trong đó, 38 giao dịch được lựa chọn phương thức thanh toán ngay và 1 giao dịch áp dụng phương thức thanh toán cuối ngày. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt trên 5 triệu trái phiếu, với giá trị giao dịch hơn 1.781 tỷ đồng.

Đây được xem là tin vui của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Bởi trong bối cảnh tỷ lệ cho vay trung dài hạn ở các ngân hàng thương mại ngày càng giảm, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp bất động sản từ các quỹ đầu tư vẫn còn hạn chế, thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án đầu tư của các doanh nghiệp này.

Đánh giá của chuyên gia

Bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng sự ra đời của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản cho thị trường. Từ đó giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp. Đồng thời nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong hoạt động mua bán trái phiếu.

Ở góc độ chuyên gia, ông Phạm Minh Thắng, chuyên gia VinaCapital cho rằng, việc trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được niêm yết, giao dịch trên sàn là thông tin rất tích cực hỗ trợ cho thị trường trái phiếu trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cải thiện cũng như nâng cao sự minh bạch và khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư. Từ đó, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Thắng, thị trường trái phiếu cũng đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố khác. Trong đó, cho phép nhà phát hành có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn theo phương án phát hành đã công bố. Điều này được xem có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp phát hành trong bối cảnh áp lực đáo hạn vẫn còn lớn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình phục hồi. Việc sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào vận hành gần đây sẽ phần nào giải quyết câu chuyện thanh khoản trái phiếu.

Vấn đề này vẫn cần được cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ. Bởi lẽ, trong trường hợp nhà phát hành chưa thể cấu trúc tài chính, dòng tiền, chưa trả nổi nợ cũ thì lại đem lên sàn bán sẽ khiến khoản nợ trái phiếu có nguy cơ ngày càng phình to. Và khi đó, câu chuyện quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết hơn so với ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn còn tiếp tục tăng lên. Nếu thanh khoản không cải thiện, nhiều nhà phát hành trái phiếu sẽ phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn trong việc đảm bảo đủ nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu của mình.

Bên cạnh đó, niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn là nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng.

Theo KDPT