web analytics

Thị trường nông sản – không thể thua từ “sân nhà” 02/09/2019

(KDTT) – Hơn 30 năm đổi mới và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp”, có thể nói, ngành nông sản Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể, ngày càng khẳng định vai trò trong nền kinh tế chung. Đặc biệt, việc mạnh dạn hội nhập quốc tế sâu rộng, giúp thị trường này “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, đi liền cơ hội luôn là thách thức, buộc chúng ta phải có động thái quyết liệt hơn, nếu không muốn thua ngay từ “sân nhà”.

 Đối mặt nhiều rào cản

Đi lên từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp, chuyển sang sản xuất hàng hóa hướng ra xuất khẩu, khó khăn và hạn chế của nước ta hiện nay là quy mô còn nhỏ bé, đất đai hạn chế, khi bình quân cả nước về diện tích đất nông nghiệp trên hộ gia đình chỉ khoảng 0.86ha/hộ (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Bên cạnh đó, việc sản xuất ồ ạt, mang tính tự phát và không theo bất cứ một tiêu chuẩn nào, dẫn đến nhiều loại nông sản luôn trong tình trạng cần được “giải cứu” như: dưa hấu, thanh long, khoai tây, súp lơ,… Nguyên nhân chính, các sản phẩm này đều được trồng đại trà, không theo quy hoạch, không có sự tìm hiểu nhu cầu của khách hàng trên thị trường, cũng như không có nhãn mác, xuất xứ liên quan. Thêm nữa, bản chất các cuộc “giải cứu” đều là do ý muốn giúp đỡ của cộng đồng với nhà nông, chứ không phải vì chất lượng của sản phẩm.

Nếu cứ sản xuất theo kiểu chạy theo số lượng mà không theo quy chuẩn chất lượng, xuất xứ thì chắc chắn ngành nông sản sẽ còn phải đối mặt tình cảnh “được mùa mất giá”, không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng. Thiếu tiêu chuẩn theo quy định không chỉ làm nông sản lao đao trong nước, mà ở thị trường xuất khẩu, nhiều nông sản cũng gặp khó khăn.

Chưa kể, vẫn còn hiện tượng kinh doanh chụp giật, gian lận khi xuất khẩu và thủ tục kiểm dịch thực vật, cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm uy tín hàng nông sản Việt Nam, làm mất thị trường mà chúng ta phải vượt qua nhiều khó khăn, tốn kém chi phí mới mở cửa được…

Không thể thua ngay trên “sân nhà”

Để hội nhập một cách sâu rộng và tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, các nhà lãnh đạo cũng như doanh nghiệp và nhà nông không còn cách nào khác, ngoài việc phải thay đổi tư duy cho đến hành động; trước hết là chinh phục những khách hàng khó tính nhất trong nước, sau đó tiến tới phát triển trên trường quốc tế.

Muốn làm được điều đó, đầu tiên, toàn bộ sản phẩm Việt Nam buộc phải đáp ứng đầy đủ quy định ngặt nghèo theo tiêu chuẩn chung của quốc tế. Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn),  hiện nay, hàng rào kỹ thuật lớn nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Đây cũng là hàng rào đang được các quốc gia nhập khẩu nâng lên ở mức rất cao.

Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản nếu muốn giữ vững thị trường xuất khẩu, phải kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký, khai thác bằng công cụ cấm,… hoặc những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định.

Hơn nữa, từ trong chính nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân, phải biết coi trọng tiêu chuẩn sản phẩm của mình, có trách nhiệm với những gì mình làm ra. Tuy nhiên, để thay đổi được những thứ vốn theo lối mòn ấy cần có sự giúp đỡ, động viên từ những chuyên gia, tạo nhận thức, hướng dẫn nông dân và tiến hành làm chứng nhận, sau đó liên tục kiểm tra việc tuân thủ cho đến khi nông dân quen, thành tự nhận thức và tuân thủ tự nguyện, vì lợi ích của chính mình.

Hiện nay, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những chuỗi cung ứng nông sản sạch, được áp dụng công nghệ cao như VietGAP, VinEco hay GlobalGAP,… Sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan cũng rất cần thiết trong việc quản lý vật tư nông nghiệp, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, cắt giảm những thủ tục rườm rà để người nông dân có thể tự do phát triển.

Ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình VietGAP là xu thế tất yếu của ngành nông sản Việt Nam.

Ngành nông sản Việt Nam được xem là có nhiều tiềm năng phát triển trong tiến trình hội nhập bởi lợi thế “sân nhà”, tuy nhiên vẫn cần có sự cải tiến, giám sát và thay đổi, để từ đó hàng nông sản mới đạt chất lượng cao, đáp ứng những tiêu chuẩn và phá bỏ được các rào cản thương mại, đủ sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường thế giới, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp đúng như mục tiêu mà nước ta đã đặt ra khi tham gia ký kết EVFTA và IPA.

Theo KDPT