(KDTT) – Việt Nam không thiếu vốn để cho vay. Doanh nghiệp cũng không thiếu ý tưởng để sử dụng vốn. Vấn đề là cho vay và sử dụng vốn phải được tính toán một cách khoa học, chứ không phải là mặc cả, sử dụng quan hệ và tài sản thế chấp.
Doanh nghiệp và nỗi khổ về vốn
Số liệu thống kê cũng như thực tế cho thấy, số doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận vốn ngân hàng rất lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp khởi nghiệp. Họ thường có nhu cầu không nhiều, nhưng tương đối dài hạn.
Thông thường, các doanh nghiệp này đầu tư vào những lĩnh vực gia công, chế biến xuất khẩu hoặc tiêu dùng nội địa có giá trị gia tăng rất thấp và thường phải sau 2 năm mới có lãi. Trong giai đoạn đầu, họ gặp áp lực rất lớn về vốn trung, dài hạn, vốn lưu động. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp dễ đi đến phá sản.
Một số doanh nghiệp tìm đường gượng ép lên sàn chứng khoán với nhiều động tác kỹ thuật làm tăng tài sản, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận và cuối cùng phải trả giá bằng tai tiếng, thậm chí là sụp đổ.
Một số khác vay mượn tài sản để cầm cố, thế chấp, thậm chí huy động vốn trên thị trường chợ đen với hy vọng hoạt động tốt, trả được nợ.
Hệ quả là, số doanh nghiệp chết yểu trong 3 năm đầu tiên ở Việt Nam rất lớn, có thể lên tới 50%.
Ngoài ra, doanh nghiệp loại này cũng gặp khó khăn lớn về huy động nguồn nhân lực, kể cả công nhân và nhân lực quản lý có chất lượng và ổn định, khiến hầu hết doanh nghiệp rơi vào tình trạng làm liều. Ví dụ, không ít doanh nghiệp chọn cách đầu tư vào một vài bất động sản nhỏ, hy vọng giá tăng nhanh và có thể dùng bất động sản để cầm cố các khoản vay trong tương lai.
Rõ ràng, ý tưởng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp là nghiêm túc, nỗ lực là rất lớn, nhưng rủi ro cho dự tính thành công của doanh nghiệp cũng rất lớn.
Trong khó khăn nói trên, khó khăn về vốn luôn được xếp hàng đầu và là áp lực lớn nhất đối với DNNVV và doanh nghiệp khởi nghiệp. Những áp lực về hạn mức vay, về tài sản thế chấp, về lãi suất, về kỳ hạn vay ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của một doanh nghiệp và đây là điều mà bản thân người vay cũng như người cho vay đều mơ hồ.
Theo thông lệ thế giới, ngân hàng khi cho một doanh nghiệp vay, thường yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về doanh thu, chi phí, tài sản cố định và các chỉ tiêu tài chính khác. Trên cơ sở đó, ngân hàng xây dựng kế hoạch, dòng tiền của công ty và biết được rằng, khoản vay tổng số là bao nhiêu, kỳ hạn cho vay bao lâu, lãi suất cho vay thế nào… thì doanh nghiệp đó mới có lãi, trả được nợ. Ngân hàng cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí như tiền sử dụng đất, thuê nhà xưởng hoặc là giá trị tài sản cố định, công suất sử dụng máy móc thiết bị…
Như vậy, ngay từ khi cho vay, ngân hàng và doanh nghiệp đều biết dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai thế nào, doanh nghiệp có khả năng trả nợ hay không? Điều này giúp ngân hàng ra quyết định cho vay dựa trên thực tiễn, sức khỏe của doanh nghiệp, có thể yêu cầu doanh nghiệp sử dụng vốn vay hiệu quả vì lợi ích của hai bên.
Ở Việt Nam, người đi vay và người cho vay đều khá mơ hồ về dòng tiền trong tương lai. Phần lớn hợp đồng tín dụng chỉ nhằm vào tài sản thế chấp và mặc cả về kỳ hạn lãi suất mà không hề biết, thất bại của doanh nghiệp có thể nằm ngay trong phương án cho vay.
Ngân hàng không thể là… hiệu cầm đồ
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng không phải chỉ vì không có tài sản thế chấp, lãi suất cao hay thủ tục rườm rà. Nguyên nhân chính là ngân hàng và doanh nghiệp không làm việc một cách nghiêm túc về kế hoạch kinh doanh, về dòng tiền và khả năng sinh lời trong tương lai.
Doanh nghiệp thường đưa ra yêu cầu cao và triển vọng sinh lời lớn, trong khi ngân hàng có xu hướng mặc cả theo hướng ngược lại. Trong trường hợp này, ngân hàng không khác gì hiệu cầm đồ, chỉ nhìn vào lượng tài sản thế chấp để cho vay mà không quan tâm đến kế hoạch kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp. Đó là bi kịch lớn nhất về tín dụng ở Việt Nam hiện nay.
Nói cách khác, năng lực quản lý tài chính của doanh nghiệp vốn dĩ đã yếu do mới thành lập, thiếu kinh nghiệm, không có sở trường quản lý tài chính, thì ngân hàng phải là bên hỗ trợ doanh nghiệp ngay trên nền tảng khoản vay của mình. Đáng lẽ trách nhiệm của hai bên phải là mục tiêu tồn tại lâu dài của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế nói chung, chứ không chỉ là trách nhiệm quanh một cục giá trị tài sản đảm bảo.
Giải pháp khơi thông dòng vốn trung – dài hạn
Hiện nay, một số ngân hàng đã bắt đầu thực hiện cho vay tín chấp gắn với phương án quản trị dòng tiền của doanh nghiệp. Ngân hàng chủ động tập huấn cho doanh nghiệp về cách thức xây dựng kế hoạch dòng tiền, để từ đó, doanh nghiệp quyết định vay và ngân hàng quyết định cho vay. Đây là những tiến bộ bước đầu, dù còn rất sơ khai ở Việt Nam.
Nhưng, trên thế giới, đây là nghiệp vụ chính thống của một ngân hàng. Vì vậy, việc khơi thông dòng vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp không chỉ là vấn đề nguồn vốn để cho vay hay tài sản thế chấp thế nào… mà là sự thay đổi về nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng thương mại theo hướng hỗ trợ và nuôi dưỡng lực lượng doanh nghiệp phát triển trên nền tảng khoa học về quản lý tài chính và các yếu tố thị trường khác.
Việc đầu tiên ngân hàng thương mại phải làm là đào tạo lại cán bộ tín dụng về phân tích dự án đầu tư, báo cáo tài chính, xây dựng và báo cáo dòng tiền. Điều này không có gì mới ở nước ngoài. Ở Việt Nam cũng đã có các phần mềm xây dựng và quản lý dự án, xây dựng kế hoạch kiểm soát dòng tiền với những phép thử về độ nhạy khác nhau. Ví dụ, độ nhạy về lạm phát, độ nhạy về lãi suất, giá cả đầu ra, đầu vào để đảm bảo rằng, doanh nghiệp sẽ hoạt động có hiệu quả và tiền cho vay của ngân hàng có thể thu hồi được.
Đó chính là nền tảng cơ bản nhất để phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống ngân hàng, với tư cách là người quản lý dòng tiền, chứ không phải là nhà cầm đồ.
Có thể thấy, Việt Nam không thiếu vốn để cho vay. Doanh nghiệp cũng không thiếu ý tưởng để sử dụng vốn. Vấn đề là cho vay và sử dụng vốn phải được tính toán một cách khoa học, sát với thực tiễn của thị trường, chứ không phải là mặc cả, sử dụng quan hệ và tài sản thế chấp.
Theo Báo Đầu tư