Trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả khả quan. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung – đóng góp lớn nhất trong 3 khu vực kinh tế.

TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm.

Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; thị trường bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu.

Tại buổi Tọa đàm, TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, để thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển theo định hướng đúng đắn, đối với Nhà nước, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp phải được xem là đầu tàu dẫn dắt ngành nông nghiệp phát triển, cần phải đầu tư trọng tâm để đầu tàu được lớn mạnh.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách mang tính khuyến khích để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, quan tâm tới phát triển số lượng doanh nghiệp, bởi chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp sẽ hướng nhiều hơn vào việc thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển dịch từ khu vực hộ kinh doanh nông nghiệp, hộ đại điền sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, dần thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp phi chính sách sang chính thức.

Song song với đó là các chính sách hỗ trợ nông dân và lực lượng lao động thông qua các loại hình doanh nghiệp. Cần xây dựng chiến lược và chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực này phải có sự phối hợp đồng bộ để bao quát hết đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng và có chương trình đặc thù cho các ngành, lĩnh vực, chuỗi giá trị khác nhau.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng cũng là một chính sách quan trọng. Theo đó, mở rộng hạn mức vay và cắt giảm điều kiện và thủ tục vay cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn được tốt hơn, tập trung cho các doanh nghiệp vay vốn để phát triển theo chuỗi giá trị.

TS. Vũ Mạnh Hùng cũng nêu rõ, bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách trên, để đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp cần tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa hàng hóa nông nghiệp.

Song song với đó, cần triển khai liên tục và thường xuyên các hoạt động kết nối cung – cầu để kết nối giữa các nhà sản xuất, các doanh nghiệp nông nghiệp với hệ thống phân phối nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối và các mô hình tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.

Tham luận tại toạ đàm, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: Để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt.

Một là, tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại, từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và từ Quỹ bảo lãnh tín dụng. Nghiên cứu hình thành các gói tín dụng, quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định; có các chính sách tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai, sớm hình thành thị trường quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Hai là, tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính theo đó nghiên cứu cắt giảm 40-50% thủ tục hành chính hiện hành, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật về đăng ký kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp khi gia nhập thị trường. Đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi thực chất cho các doanh nghiệp, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Ba là, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối đủ năng lực kết nối các chuỗi giá trị, liên kết thị trường nông sản. Từng bước chủ động được thị trường xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam. Nhanh chóng đổi mới mô hình đại diện thương mại ở nước ngoài để xúc tiến nông sản Việt Nam đối với thị trường lớn, trong tâm như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu,… Hình thành các khu vực, vùng canh tác, chế biến, sản xuất kiểu mẫu với cách thức triển khai từ khâu sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra.

Bốn là, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Xây dựng và ban hành chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, kết nối với doanh nghiệp nông nghiệp; thu hút người lao động có trình độ cao về hợp tác xã nông nghiệp.

Đối với nguồn nhân lực cho nông nghiệp và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ cần hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo lao động và có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại…

Năm là, thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao nhận thức, đánh giá mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các tài liệu, hướng dẫn chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản, xây dựng thương hiệu số,…

Theo KDPT