Thị trường tiếp tục đối mặt với khó khăn

Theo báo cáo thị trường BĐS quý II và 6 tháng đầu năm 2023 vừa được Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – BĐS Dat Xanh Services (DXS – FERI) công bố, sau 6 tháng đầu năm, nguồn cung căn hộ mới vẫn đang tiếp tục đà suy giảm. Các nút thắt pháp lý khiến nguồn cung mới tại Hà Nội và TP.HCM giảm lần lượt 91% và 89% Hà Nội so với năm trước.

Nhà đầu tư bật chế độ quan sát, thanh khoản nhà đất sụt giảm.

Đáng chú ý, nguồn cung mới căn hộ ghi nhận giảm sâu. Tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 500 sản phẩm, tại TP.HCM đạt khoảng 1.800 sản phẩm. Giá bán sơ cấp bình quân căn hộ tại Hà Nội đạt 42-55 triệu/m2, tăng 3-5% theo năm; tại TP.HCM đạt 60-80 triệu/m2, tăng 2-3% theo năm.

Đơn vị này cũng cho biết, thị trường bất động sản trên cả nước thời gian qua ít ghi nhận tình trạng tăng giá ở hầu hết các phân khúc. Cá biệt tại một số sản phẩm thứ cấp, shophouse có mức giảm giá khá sâu, lên đến 30-40% so với giá chủ đầu tư chào bán.

So với 6 tháng cuối năm 2022, các chuyên gia đánh giá, 6 tháng đầu năm bối cảnh thị trường chung vẫn chưa có nhiều thay đổi. Pháp lý dự án vẫn tiếp tục vướng mắc, nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm.

Về nguồn vốn, lãi suất cho vay giảm nhẹ về 12-14%, vẫn là mức lãi suất khá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các kênh huy động vốn.

Về phía chủ đầu tư, trong nửa đầu năm chủ yếu tập trung phát triển sản phẩm lõi, đồng thời triển khai kinh doanh và xây dựng các dự án tồn đọng, lập kế hoạch và thăm dò thị trường, chuyển giao/chuyển nhượng những mảng ngành phụ.

Còn về hành vi và tâm lý của khách hàng cũng có nhiều thay đổi. Đa số là tiếp tục nghe ngóng và chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường, đặc biệt với nhóm đối tượng khách hàng đầu tư.

“Đa số nhà đầu tư vẫn duy trì trạng thái quan sát, không vội xuống tiền mà tiếp tục nghe ngóng, chờ đợi”, TS.Phạm Anh Khôi, Viện trưởng DXS – FERI nhận định và cho biết: Thị trường bắt đầu xuất hiện nhu cầu mua “bắt đáy” và nhu cầu mua bất động sản ở thực vẫn luôn cao nhưng khả năng chi trả đang ở mức thấp, khiến thanh khoản bất động sản sụt giảm mạnh.

Bất động sản cần thêm thời gian để lấy lại đà?

Thời gian qua đã có nhiều chính sách như những liều thuốc bổ gỡ khó cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần thời gian để chính sách đi vào thực tế. Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn – cho rằng: “Không nên quá phấn khích nghĩ rằng có nhiều chính sách là thị trường bất động sản sẽ hồi phục ngay lập tức. Bất động sản cũng như người ốm gặp bạo bệnh, thị trường cần thời gian để phục hồi”.

Trong khi đó, nhiều dự án bất động sản đang trong thời gian gỡ vướng và vẫn chưa gỡ vướng xong do vướng mắc về nhiều thứ. Nhưng dự án này cần có thêm một thời gian dài để giải quyết.

Về vấn đề này, mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổ công tác cũng đã giải quyết các vấn đề quan trọng, trước tiên là đôn đốc các địa phương, có rất nhiều vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền các địa phương phải chủ động giải quyết. Thứ hai là đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Thứ ba là phối hợp với các địa phương để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung liên quan đến các quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án lớn, phức tạp, Tổ công tác làm việc trực tiếp để trao đổi. Nổi lên một số dự án, một số địa phương rất được quan tâm.

Ví dụ, ở Đồng Nai, Tổ công tác đã rà soát 7 dự án bất động sản lớn, trong đó có của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh; xác định các vấn đề khó khăn vướng mắc như vấn đề không thuộc quy hoạch hay vấn đề không bố trí 20% nhà ở xã hội. Những nội dung này, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và ngày 31/5 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ thống nhất với các phương án tham mưu của Tổ công tác, sẽ triển khai trong thời gian tới.

Hay ở TP HCM, Tổ công tác đã làm việc và giải quyết khoảng 30 kiến nghị, trong đó có 10 kiến nghị về nhà ở xã hội, 10 kiến nghị về cải tạo chung cư và 4 nội dung về quy hoạch. Về cơ bản, một số kiến nghị thuộc về những lĩnh vực mà địa phương hiểu và chưa áp dụng pháp luật một cách đầy đủ.

Còn đối với tỉnh Bình Thuận, có liên quan tới dự án của Novaland, Tổ công tác cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết những vấn đề giá đất, tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Thời gian vừa qua, các địa phương đều rất tích cực thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên, thời gian chưa nhiều và những vấn đề tồn tại vướng mắc có quá trình khá dài nên cần có thêm thời gian để tập trung giải quyết”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Theo KDPT