web analytics

Tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động 15/12/2023

“Ban hành nghị quyết mới chỉ là công việc ban đầu, để tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh tại Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức. 

Ban hành 36 nghị quyết trong nửa đầu nhiệm kỳ

Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 36 nghị quyết và 54 kết luận, trong đó có nhiều nghị quyết, kết luận về phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế… như: Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07-KL/TW ngày 1.6.2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội; các Hội nghị Trung ương 4, 6, 8 Khóa XIII đã ban hành Kết luận về tình hình kinh tế – xã hội năm trước, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội các năm sau. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành nghị quyết, các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn và các đại biểu dự Diễn đàn       - Ảnh: M. Trang
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn và các đại biểu dự Diễn đàn. Ảnh: M. Trang

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cho biết, năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh 6 vùng chiến lược trên cả nước (Trung du, miền núi Bắc Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng) với thông điệp rất rõ nét là: tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát triển nhanh và bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng.

“Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu”, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, Tỉnh ủy Hậu Giang luôn quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, có biến nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Chương trình số 50-CTr/TU tích hợp đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực, là văn bản lãnh đạo có tính định hướng cao, hàm chứa nhiều nội dung quan trọng, được xây dựng công phu, khoa học, phù hợp thực tiễn, phát huy được trí tuệ tập thể. Chương trình cũng đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, cùng với 21 văn bản, đề án và 14 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện.

Toàn cảnh Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng”
Toàn cảnh Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng”

“Nhờ đó, các cấp ủy, chính quyền có cơ sở vững chắc để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ. Nền kinh tế của tỉnh Hậu Giang đang khẳng định vị thế mới, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, kinh tế liên tục tăng trưởng bứt phá ấn tượng: năm 2022 tăng 13,94% đứng thứ tư cả nước; dự kiến năm 2023 vươn lên thứ 2 cả nước; thu ngân sách trên địa bàn tăng trưởng cao gần 20%/năm và gần về đích thu ngân sách cả nhiệm kỳ”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu Đảng đã đề ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm; phát huy vai trò của nhân dân, của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng Đảng, giám sát cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và Nhân dân.

Cùng với đó, phải tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng cao hơn nữa các cơ chế, chính sách, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc và thống nhất. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Duy trì hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Cho rằng ban hành nghị quyết mới chỉ là công việc ban đầu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nêu rõ, để tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đồng thời nhấn mạnh yêu cầu “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, cần tiếp tục thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, các cấp, các ngành, địa phương về vai trò, tầm quan trọng của phát triển liên kết vùng, liên vùng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết, cụ thể hóa trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển, khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” theo địa giới hành chính. Trong quá trình triển khai thực hiện phải tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tăng cường liên kết vùng và mở ra không gian phát triển mới.

Theo Minh Trang/ĐBND