web analytics

Cả nước hướng về miền Trung 19/10/2020

(KDTT) – Miền Trung tiếp tục chìm trong tang thương khi lũ vượt mức lịch sử và mưa lớn kéo dài gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều địa bàn. Tính đến 18 giờ ngày 18.10, có 84 người thiệt mạng và 38 người mất tích vì mưa lũ; gần 53.000 ngôi nhà bị ngập. Với tình cảm và trách nhiệm, người dân cả nước đang hướng về miền Trung, kịp thời hỗ trợ, ủng hộ đồng bào, đồng chí vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Lũ trước chưa kịp xuống đã dâng cao trở lại

Mưa lớn tiếp tục đổ xuống những ngày qua kéo theo lũ chồng lũ, lũ vượt mức lịch sử, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng, gây thêm thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh miền Trung.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, đến 9 giờ ngày 18.10, toàn tỉnh đã có 20 người chết, 27 người mất tích. Những người mất tích tập trung ở hai điểm sạt lở đất nghiêm trọng gồm: Thôn Tà Rùng, xã Húc và tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa. Ngoài ra, tỉnh còn có 12 người bị thương.

Lũ vượt mức lịch sử khiến địa bàn Quảng Trị ngập lụt trên diện rộng. Cụ thể, 80/124 xã, phường, thị trấn với gần 42.000 hộ bị ngập lụt. Hơn 8.200 hộ với trên 24.500 người đã được sơ tán đến nơi an toàn. Trên 1.300ha ao hồ nuôi thủy sản, hơn 25.700ha rau màu, cùng hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị ngập lụt và nước lũ cuốn trôi. Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở gây tắc đường. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời chi viện nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân ở vùng bị cô lập.

Lũ chồng lũ khiến hơn 34.000 nhà dân ở Quảng Bình ngập lụt; 213 xã, thôn, bản, huyện biên giới bị chia cắt, 42 điểm trường đang phải nghỉ học do mưa lũ, nhiều điểm trường đang bị ngập rất sâu. Một số địa phương nước lũ đợt trước chưa kịp xuống nay đã dâng cao trở lại. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn đã bị chia cắt cục bộ. Trên tuyến Quốc lộ 1A (cũ) đoạn qua huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, nước đã dâng cao từ 0,5 – 1m, phương tiện giao thông không thể đi lại. Các tuyến quốc lộ 12A, 12C, quốc lộ 15, 9B và nhiều tuyến đường liên tỉnh cũng đang bị tê liệt bởi nước dâng cao, nhiều đoạn đường bị sạt lở, xói trôi, có điểm ngập lên đến 1,8m.

Tại rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, sáng 18.10, trên 600 nhà dân đã ngập lụt. Một số nơi nước ngập sâu đến 4m và nước vẫn lên. Nước ngập sâu nhưng nhờ có những ngôi nhà nổi, người dân vẫn an toàn. Điều lo ngại nhất là bà con đang đối diện với tình trạng thiếu lương thực do đã sử dụng gần hết trong đợt lũ trước.

Tại TP Đồng Hới, mực nước trên sông Nhật Lệ trên báo động 3 là 0,75m và vượt lũ lịch sử năm 2013 là 0,08m. Mực nước trên sông Nhật Lệ lên nhanh cùng với mưa lớn khiến hơn 1.500 hộ dân bị ngập lụt.

Đáng chú ý, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 18.10 – 20.10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to. Đêm 18.10 và ngày 19.10, trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị mực nước sẽ lên vượt mức báo động 3, lũ đặc biệt lớn sẽ xuất hiện, không ngoại trừ các sông tiếp tục lên vượt mức lịch sử. Dự báo mưa lũ ở Trung Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày tới. Ngoài các khu vực đã và đang bị ảnh hưởng, khu vực Bắc Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh là khu vực trọng tâm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét từ ngày 18.10 – 20.10.

Khẩn trương mở đường vào khu vực sạt lở đất ở huyện Hướng Hóa. Ảnh: TTXVN

Cả nước tiếp tục ủng hộ miền Trung

Trước thiệt hại to lớn của miền Trung, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cả nước tiếp tục chung tay hỗ trợ, ủng hộ đồng bào, đồng chí vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Tối 17.10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành trực tiếp ủng hộ đồng bào miền Trung ngay tại chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2020”. Trước đó, chiều 16.10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Văn phòng Quốc hội đã tham gia quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung.

Sáng 18.10, trong khuôn khổ Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, các đại biểu đã đóng góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã ủng hộ miền Trung 7 tỷ đồng; Quảng Ninh ủng hộ 9 tỷ đồng; Hải Phòng ủng hộ 10 tỷ đồng…

Cũng trong sáng 18.10, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã huy động được gần 432 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung, nâng tổng số tiền và hàng hóa huy động được từ đầu đợt mưa lũ đến nay lên gần 6 tỷ đồng.

Tính đến ngày 16.10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận hơn 8,2 tỷ đồng và hàng hóa trị giá trên 800 triệu đồng, chủ yếu do các doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong nước chia sẻ.

Trong những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện những lời kêu gọi ủng hộ miền Trung khắp nơi từ các bạn trẻ, doanh nghiệp cho đến những người nổi tiếng. Cùng với đó, nhiều tổ chức, đơn vị, cơ quan báo chí đã kêu gọi quyên góp được hàng chục tỷ đồng và trực tiếp cứu trợ người dân vùng ngập lụt.

Sáng 19.10 thông xe vào hiện trường vụ sạt lở tại Hướng Hóa

Liên quan đến vụ sạt lở đất tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, Quân khu 4 bị vùi lấp, báo cáo từ địa điểm đóng quân của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, Quân khu 4 cho biết đến 16h45 ngày 18.10 đã tìm thấy thi thể của 14 chiến sĩ. Tuy nhiên, mưa lớn, sạt lở đất đã khiến cho lực lượng tìm kiếm bên trong Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 và lực lượng hỗ trợ ở Sở Chỉ huy tiền phương bị chia cắt từ sáng 18.10.

Chiều muộn 18.10, các lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn dồn nhân lực, vật lực để khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường vào hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, công tác tìm kiếm các cán bộ, chiến sĩ bị mất tích được thực hiện với tinh thần khẩn trương nhất và quyết liệt nhất, nhưng yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng công binh dẫn theo chó nghiệp vụ đi bộ từ điểm sạt lở gây tắc đường vào thôn Cợp, xã Hướng Phùng (2km) cũng đã vào được hiện trường vụ sạt lở đất để tìm kiếm nạn nhân còn mất tích. Dự kiến sáng 19.10, tuyến đường vào hiện trường sạt lở được thông xe, lực lượng chức năng sẽ đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài. Sau đó, dùng xe chuyên dụng đưa về một bệnh viện tại TP Đông Hà.

Lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp tục được tăng cường, nhằm thực hiện mục tiêu “kép” vừa tìm kiếm cứu nạn các cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp do sạt lở đất, vừa hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm và vật tư y tế ở những địa bàn bị cô lập. Khó khăn nhất hiện nay là mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và khó khắc phục các điểm sạt lở.

Việc tìm kiếm cứu nạn 15 công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) đang mất tích vẫn được gấp rút triển khai. Hiện có gần 1.000 người tham gia tìm kiếm cứu nạn người mất tích với hơn 150 xe cơ giới các loại.

TIỂU PHONG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn link gốc: https://daibieunhandan.vn/ca-nuoc-huong-ve-mien-trung-4cr9ngwjzo-48703