Còn nhiều những khó khăn, vướng mắc

Theo Bộ Công Thương, giá trị của ngành công nghiệp cơ khí chính xác tại Việt Nam hiện đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm. Đặc biệt, với tỉ lệ tăng trưởng 18%/năm, ngành này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện,… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực cơ khí hiện đang phải đối mặt với những bài toán khó cần tìm được lời giải. Những khó khăn đó đến từ việc hạn chế về năng lực công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao hay chưa ứng dụng tối đa các công nghệ hiện đại đến bộ máy sản xuất. Đáng chú ý, vấn đề còn nằm ở số lượng kỹ sư được đào tạo ra trường hàng năm còn ít và không thể làm việc được nếu không được đào tạo lại.

Hiện nay trong bối cảnh kỹ thuật khuôn mẫu trong cơ khí đang được xem là công nghệ lõi, là nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất, việc phát triển và bồi dưỡng các chuyên gia có trình độ là vô cùng cấp thiết.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tới ngành cơ khí

Tự động hóa đã trở thành một xu hướng không thể thiếu trong ngành công nghiệp hiện đại. Trong lĩnh vực máy cắt CNC, việc tích hợp hệ thống tự động hóa mang lại nhiều lợi ích xuất sắc, bao gồm tăng hiệu suất sản xuất, nâng cao độ chính xác và cải thiện tính linh hoạt. Thay vì thực hiện các nhiệm vụ thủ công, hệ thống tự động hóa có thể xử lý các hoạt động như tải và dỡ vật liệu, thay đổi dụng cụ và chuyển đổi nhanh chóng một cách tự động. Điều này giảm thời gian thiết lập và chuẩn bị cho phép máy hoạt động liên tục và nâng cao năng suất.

Trong cơ khí, với khả năng lập trình và kiểm soát chính xác, máy cắt CNC tích hợp tự động hóa có thể thực hiện các lệnh cắt với các thông số cụ thể, đảm bảo tính nhất quán và độ chính xác cao trong từng chi tiết cắt.

Công nghệ CNC đang là xu hướng hiện nay

Bên cạnh công nghệ máy cắt CNC, công nghệ laser 3D trong cơ khí là một phương pháp sử dụng công nghệ laser để tạo ra các sản phẩm và thành phần cơ khí theo mô hình 3D. Nó kết hợp sự chính xác cao của công nghệ laser và khả năng tạo ra các hình dạng phức tạp trong cơ khí.

Công nghệ laser 3D thường sử dụng máy in 3D dựa trên nguyên lý sử dụng tia laser để nung chảy hoặc liên kết các lớp vật liệu theo từng lớp nhỏ để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Quá trình này thường được điều khiển bởi một phần mềm máy tính, sử dụng dữ liệu từ các file mô hình 3D để xác định các lớp và chi tiết của sản phẩm cần được in.

Thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phát triển

Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phát triển, xứng đáng với tầm vóc và vai trò trong nền kinh tế, Bộ Công Thương cho rằng thời gian tới cần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, tập trung nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển, công nghệ khuyến khích chuyển giao thuộc ngành cơ khí như công nghệ nhiệt luyện.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế…

Theo KDPT