web analytics

Các công ty khởi nghiệp về Edtech ở ASEAN mở rộng quy mô “nhờ” Covid-19 10/12/2020

(KDTT) – Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Edtech (giáo dục kết hợp công nghệ) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực mở rộng quy mô khi đại dịch Covid-19 từng bước phá vỡ việc học truyền thống của nhiều học sinh.

Theo Nikkei, lĩnh vực Edtech đang ngày càng phát triển, bởi mọi người có nhu cầu chuyển sang học trực tuyến ngày càng nhiều trong đại dịch Covid-19.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng 11 bởi Google, nhà đầu tư Singapore Temasek và công ty tư vấn Bain and Company của Mỹ, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Edtech, với số lượt cài đặt các ứng dụng hàng đầu của ngành trong khu vực ASEAN tăng gấp ba lần, từ 6 triệu trong tháng 1 đến tháng 8/2019 lên 20 triệu trong cùng kỳ năm nay.

Công ty khởi nghiệp lĩnh vực Edtech của Thái Lan OpenDurianmong muốn tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa trong việc học trực tuyến cho người học ở ASEAN. (Ảnh : Nikkei).

Công ty khởi nghiệp Thái Lan OpenDurian cũng nằm trong “dòng chảy” Edtech này, với mong muốn tạo ra việc học có ý nghĩa dành cho người Đông Nam Á. Nhờ nỗ lực này, OpenDurian được công ty tư vấn Frost và Sullivan đánh giá sẽ đạt doanh thu dự kiến toàn cầu hơn 40,9 tỷ USD vào năm 2022.

Công ty cung cấp các bài học qua internet cho những người muốn cải thiện tiếng Anh, khai thác các hình ảnh động cùng màu sắc tươi sáng trong video nhằm thu hút người học, khiến việc học trực tuyến của họ trở nên thú vị hơn.

Chula Pittayapinan – Đồng sáng lập OpenDurian, nói rằng: “Edtech hay bất kỳ loại hình công nghệ nào, sẽ không bao giờ có thể thay thế giáo viên đứng lớp. Nó chỉ giống như một loại công nghệ mới có thể giúp các thầy cô không phải lặp đi lặp lại một số công việc hằng ngày”.

Bằng cách loại bỏ một số công việc nhàm chán, từ việc giao bài tập về nhà đến chấm điểm bài kiểm tra, Chula tin rằng thầy cô có thể tập trung vào những mục tiêu có ý nghĩa hơn trong giáo dục, chẳng hạn như giảng dạy và tư vấn cho từng học sinh.

Ngoài tiếng Anh, OpenDurian bao gồm các môn học khác như Toán học và Sinh học. Các tài liệu học tập được cung cấp miễn phí, nhưng người dùng cũng sẽ cần phải trả một phần phí nếu muốn sử dụng đầy đủ các tài nguyên giáo dục trực tuyến khác.

Được thành lập vào năm 2013, công ty đã thu hút hơn 5 triệu người dùng nói tiếng Thái vào năm ngoái, tạo ra doanh thu hơn 2,2 triệu đô la. Khách hàng chủ yếu của nền tảng này là sinh viên đại học và những người đang bắt đầu đi tìm việc làm.

Với mục đích đổi lấy một cổ phần nhỏ, công ty hỗ trợ khởi nghiệp Stormbreaker Venture của Thái Lan đã trao cho OpenDurian cơ hội ‘seed funding’ (thuật ngữ trong ‘start-up’, được hiểu là ươm mầm hạt giống) và cố vấn để cải thiện chiến lược kinh doanh và mạng lưới của mình trong lĩnh vực giáo dục.

Biểu đồ mô tả việc tải các app học trực tuyến tăng cao trong thời kỳ đại dịch. (Ảnh: Nikkei).

Stormbreaker có những kế hoạch lớn để “thay áo mới” cho không gian giáo dục ở Thái Lan. “Chúng tôi đặt mục tiêu thay đổi phương pháp học tập cho 1 triệu người học tiếng Thái bằng cách cung cấp các giải pháp sáng tạo, hỗ trợ công nghệ để tăng khả năng tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng”, Jantanarak Tuekaew – Giám đốc điều hành của Stormbreaker nói.

Amitabh Jhingan – đối tác tại công ty tư vấn chiến lược giáo dục EY-Parthenon, cho biết những người làm Edtech có thể tạo ra sân chơi bình đẳng cho những người gặp khó khăn khi đến các lớp học thể chất. Ông giải thích: “Điều này cho phép việc học diễn ra theo cách thuận tiện hơn nhiều, tức là mọi người có thể thực sự học ở nhà”.

Chi phí giáo dục cũng có thể được giảm xuống, vì giáo viên không phải có mặt trực tiếp trong phòng học với học sinh, bởi việc đưa các bài học lên internet có thể tạo ra tính khuếch đại, vượt ra cả giới hạn về thời gian và không gian, Jhingan nói thêm.

“Ví dụ, rất nhiều người lựa chọn việc học trực tuyến bởi họ là những sinh viên không có khả năng đến các trung tâm hoặc lớp học thêm tại trường. Điều này đang xảy ra ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và đã bắt đầu xảy ra ở Đông Nam Á”.

Stormbreaker và một công ty làm trong lĩnh vực Edtech khác, là EduSpaze của Singapore, đang hợp tác để giúp các công ty khởi nghiệp mở rộng quy mô hơn nữa trong khu vực.

Với sự hỗ trợ từ Enterprise Singapore (Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp Singapore) – cơ quan có nhiệm vụ hỗ trợ sự phát triển của các công ty nhỏ, EduSpaze đã được ra mắt vào năm ngoái và đang kêu gọi các công ty khởi nghiệp về Edtech đăng ký chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của họ.

Thông qua EduSpaze, Enterprise Singapore đặt mục tiêu đào tạo khoảng 20 công ty khởi nghiệp trong vòng hai năm tới. Cơ quan này sẽ hỗ trợ để giảm tới 70% chi phí liên quan đến việc phát triển các chương trình cố vấn cho những người tham gia loại hình công nghệ tương tự.

Người phát ngôn của Enterprise Singapore nói: “accelerator (thuật ngữ trong việc ‘start-up’, chỉ người tiếp nhận những ý tưởng sơ khai, sau đó sàng lọc thật kĩ và lựa chọn ra những ý tưởng hay dự án tiềm năng, hay còn gọi là các hạt giống, quá trình này thường kéo dài 4-6 tháng) là những người quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, họ là người sẽ “nuôi dưỡng” các công ty khởi nghiệp và hỗ trợ gây quỹ, tìm nguồn cung ứng công nghệ, phát triển sản phẩm, thương mại hóa và quốc tế hóa”.

Niko Lindholm – Giám đốc chương trình của EduSpaze, nói rằng ‘accelerator’ của ông đang làm việc với Stormbreaker để đưa các công ty Edtech của Thái Lan về dưới “mái nhà” của nó và sẽ cử người quản lý ở Singapore đến khám phá thị trường Thái Lan.

“Ở Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đều có một mạng lưới gồm các tổ chức làm việc trong lĩnh vực này dù còn riêng rẽ, và không hề có động lực tạo ra một hệ sinh thái trong lĩnh vực công nghệ giáo dục. Vì vậy, chúng tôi muốn trở thành một tổ chức ít nhiều có thể gắn kết toàn bộ mạng lưới với nhau”, ông nói.

Shin Wangkaewhiran – Ngưười sáng lập công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục Thái Lan Vonder, có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ra ngoài Thái Lan và đang tìm cách tuyển thêm các nhân sự IT. (Ảnh : Nikkei)

Công ty khởi nghiệp Thái Lan Vonder sẵn sàng trở thành người thụ hưởng những nỗ lực của EduSpaze để giúp các doanh nghiệp mới khởi nghiệp mở rộng ra nước ngoài.

Được biết Vonder sản xuất các mô-đun học tập ‘microlearning’ (phương thức học tập trực tuyến theo từng bước nhỏ, hay còn gọi là phương pháp vi mô trực tuyến) dành cho các công ty để dạy nhân viên các kỹ năng mới thông qua nội dung các trò chơi giáo dục. Giống như OpenDurian, công ty cũng là một thành viên của chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Stormbreaker.

Giống như Vonder, LingoAce có trụ sở tại Singapore, cũng là một công ty Edtech cung cấp nền tảng học ngoại ngữ trực tuyến, có mục tiêu nhanh chóng mở rộng ra quốc tế. Công ty đã công bố kế hoạch mở rộng sang Indonesia hồi tháng 11.

Công ty có kế hoạch thuê hơn 500 nhân viên địa phương để phục vụ 200.000 sinh viên đã đăng ký tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á vào năm 2022. Sản phẩm đầu tiên của họ cho thị trường này là các bài học tiếng Quan thoại trực tuyến.

“Chúng tôi tin rằng các lớp học ngôn ngữ trực tuyến xuyên biên giới của chúng tôi không chỉ kết nối sinh viên Indonesia với giáo viên bản ngữ nói tiếng Quan Thoại có kinh nghiệm, mà còn cung cấp một phương tiện hấp dẫn và hiệu quả phục vụ cho thói quen học tập của những học viên trẻ tuổi có hiểu biết về kỹ thuật số. Do đó, chúng tôi muốn mở rộng quy mô nền tảng của chúng tôi để mang lại lợi ích cho nhiều người Indonesia hơn “, Hugh Yao – Người sáng lập, Giám đốc điều hành của LingoAce cho biết.

Các công ty khởi nghiệp Edtech đã thu hút các nhà đầu tư. Sự mở rộng của LingoAce sang Indonesia diễn ra khi nó thu được khoản huy động vốn trị giá 6 triệu đô la do Sequoia Capital India (Công ty đầu tư mạo hiểm Ấn Độ) và Shunwei Capital (Công ty đầu tư mạo hiểm Trung Quốc) dẫn đầu, tham gia vòng này với tư cách là nhà đầu tư hoàn vốn.

Công ty khởi nghiệp Tenopy có trụ sở tại Singapore, chuyên tổ chức các hội thảo học tập trực tuyến, đã huy động được hơn 1,5 triệu đô la Singapore (1,1 triệu đô la) từ ba quỹ đầu tư mạo hiểm ở quê nhà, Trung Quốc và Nhật Bản kể từ khi ra mắt vào năm 2017.

Soh Chong Kian – Người sáng lập, Giám đốc điều hành của công ty cho biết: “Đại dịch đã khiến số hóa trở thành một tiêu chuẩn mới và thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng E-learning (giáo dục trực tuyến), đi kèm với những giá trị tự nhiên như hiệu quả, khả năng tiếp cận dễ dàng hơn đối với đội ngũ giáo viên chất lượng cao, hay tính tương tác tốt và chi phí thấp”.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT