web analytics

Qantas Group tặng Vietnam Airlines 30% cổ phần tại Jetstar Pacifics 20/10/2020

(KDTT) – Trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid19, Vietnam Airlines sẽ nhận được 30% cổ phần của Jetstar Pacifics từ Tập đoàn Hàng không quốc gia Australia – Qantas Group theo hình thức quyên tặng và dự kiến hoàn thành thủ tục vào cuối tháng 10/2020, nếu không có gì sai sót.

Theo đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines, trong bối cảnh ngành hàng không Thế giới suy thoái trầm trọng vì đại dịch, Tập đoàn Hàng không quốc gia Australia – Qantas Group sẽ “tặng” Vietnam Airlines 30% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ Jestar Pacifics trong tháng 10/2020.

Hai bên đã hoàn tất việc đàm phán và Vietnam Airlines đã báo cáo với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về phương án tiếp nhận lại số cổ phần này, bởi dù được “tặng” số cổ phần này với giá 0 đồng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần làm rõ.

Từ tháng 6 năm nay, truyền thông đã đưa tin vụ việc Vietnam Airlines thống nhất với Qantas Group trong việc tiếp nhận lại 30% cổ phần của Jetstar Pacifics dưới hình thức quyên tặng, nâng tổng sở hữu tại Jetstar Pacifics của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam lên 98% và đồng thời đổi tên hãng thành Pacific Airlines. Tuy nhiên, trách nhiệm của Qantas Group trong quá trình kinh doanh thua lỗ của Pacifics Airlines sẽ được xem xét thế nào trong khi chuyển giao 30% vốn cổ phần này cho Vietnam Airlines.

Hãng hàng không Pacific Airlines được thành lập vào năm 1991 với vốn góp 40 tỷ đồng của 7 cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2007, Tập đoàn Qantas mua lại 30% cổ phần Pacific Airlines và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines. Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 70% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines. Đến tháng 7-2020, Jetstar Pacific trở về tên khai sinh Pacific Airlines.

Được biết, vốn điều lệ của Pacific Airlines hiện tại là 3.522 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines góp 2.424,9 tỷ đồng tương ứng với 68,86% cổ phần, Qantas Asia Investment Company góp 1.056,6 tỷ đồng tương ứng với 30% cổ phần, SaigonTourists góp 40 tỷ đồng tương ứng với 1,14% cổ phần và ông Lương Hoài Nam góp 0,4939 tỷ đồng.

Trong nhiều năm, Pacific Airlines liên tục báo lỗ. Dù rằng, sau khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn, Pacific Airlines vẫn tiếp tục thua lỗ và năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Jetstar đã lên tới trên 4286 tỷ đồng, vượt qua cả vốn điều lệ của công ty.

Mãi đến năm 2018, Pacific Airlines mới báo lãi 34,3 tỷ đồng. Năm 2019, theo kết quả kinh doanh 9 tháng được công bố, hãng này tiếp tục ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 205 tỷ đồng. Dù vậy, số lỗ luỹ kế của Pacific Airlines vẫn lên đến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Được biết, Pacifics Airlines hiện có đội tàu bay 18 chiếc A320, khai thác 33 đường bay trong nước và quốc tế.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Thương hiệu Vietnam Airlines, trong quá trình đàm phán hai bên sẽ thoả thuận theo hướng Qantas sẽ tặng lại cho Vietnam Airlines các khoản giá trị đầu tư, giá trị thương hiệu, những khoản này sẽ bù trừ vào phần lỗ mà Qantas phải gánh tại Jetstar Pacifics. Sau khi bù trừ giá trị bằng 0, đảm bảo Vietnam Airlines không phải gánh thêm bất cứ khoản nào.

Như vậy có thể hiểu rằng, hơn 1000 tỷ đồng mà Qantas Group đã đầu tư cho Pacific Airlines, nếu Vietnam Airlines muốn mua lại 30% cổ phần từ Qantas Group thì phải bỏ ra những giá trị tương ứng.

Trước tình hình đại dịch Covid19 vẫn đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế Thế giới nói chung và thị trường hàng không nói riêng, câu chuyện cải tổ của Pacific Airlines sẽ là bài toán rất nan giải đối với Vietnam Airlines. Đặc biệt là trong lúc Vietnam Airlines còn phải cầu cứu Chính phủ hỗ trợ vay 12.000 tỷ đồng vốn ưu đãi nhưng chưa có kết quả. Liệu rằng Vietnam Airlines có thành công vực dậy “con tàu đắm” Pacific Airlines, hay sẽ cùng chịu số phận rơi vào vũng bùn lầy?

Trong bối cảnh triển vọng ngành hàng không toàn cầu sẽ ảm đạm kéo dài vài năm tới, đây sẽ là điều các nhà đầu tư đặc biêt quan tâm. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định ngành hàng không toàn cầu sẽ chưa thể trở lại mức trước đại dịch Covid-19 cho đến năm 2024, muộn hơn một năm so với dự báo trước đó, do sự phục hồi chậm trong năm nay. Thậm chí, triển vọng phục hồi trở lại các mức trước khi đại dịch bùng phát có thể ảm đạm hơn nếu thế giới không khống chế được dịch bệnh hoặc chưa có vắcxin phòng ngừa COVID-19.

GIA HUY

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT