Trong khi đó, lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận là 34.258 tỷ đồng. Gồm có 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng.
VBMA cho biết, trong tháng 5/2023 chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công với kỳ hạn 5 năm, lãi suất phát hành 9%/năm đó là TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo. Tương tự trong tháng 4, thị trường cũng ghi nhận chỉ có 1 đợt phát hành TPDN riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỉ đồng.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu nợ cũng ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng tuần trước đã có 6 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu trị giá 12.461 tỷ đồng và 4 doanh nghiệp công bố phương án tái cơ cấu trái phiếu.
Thống kê của VBMA cho thấy giá trị TPDN đáo hạn trong tháng 6 là 35.319 tỷ đồng, nhiều hơn 12.295 tỷ đồng so với tháng 4; giá trị TPDN đáo hạn trong tháng 7 là 26.565 tỷ đồng; tháng 8 là 33.747 tỷ đồng và đỉnh điểm là tháng 9 với 40.988 tỷ đồng…
Tổng giá trị TPDN đáo hạn từ tháng 6 – 12.2023 gần 200.000 tỉ đồng. Nhóm DN bất động sản dẫn đầu về giá trị đến hạn với hơn 100.000 tỷ đồng, kế tiếp là nhóm ngân hàng với hơn 31.000 tỷ đồng, còn lại là các DN khác.
Theo VBMA cập nhật đến ngày 02/06, trong phần còn lại của năm 2023, dự kiến có hai doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu. Theo đó, HĐQT Vietcombank (HOSE: VCB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng thành hai đợt với tổng giá trị 9.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp còn lại là CTCP Thuận Đức (HOSE: TDP). HĐQT TDP đã thông qua nghị quyết chào bán trái phiếu ra công chúng với giá trị tối đa 300 tỷ đồng, số lượng chào bán là 3 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Mục đích đợt chào bán trái phiếu là để cơ cấu lại các khoản nợ của TDP, thanh toán một phần hoặc toàn bộ các khoản thanh toán gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính đến hạn của các khoản vay ngắn/dài hạn, trái phiếu của TDP.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 – 2023, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 6 năm 2023.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi đến hạn trong năm 2023.
Chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) vào thị trường TPDN vẫn chưa thể hồi phục sau các vụ việc trong năm 2022. NĐT vẫn như con chim sợ cành cong nên không ai dám bỏ tiền mua TPDN. Tình trạng ảm đạm này kéo dài sẽ khiến nhiều DN có nguy cơ vỡ nợ bởi việc đàm phán gia hạn thời gian thanh toán cho trái chủ chỉ có thể diễn ra 1 lần và đa số kéo dài thêm 6 tháng hay 1 năm. Đến lúc đó, nhiều NĐT sẽ không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục cho DN gia hạn.
Vì vậy, ông Hiếu kiến nghị Chính phủ nên xem xét có thể cho phép các DN được hoãn nợ trong thời gian 2 năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần mạnh dạn lên tiếng khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia mua vào TPDN đối với các đơn vị phát hành hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hay những DN vẫn có dự án khả thi.