Trong đó, VCBS cho rằng sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng và sự phân hóa này càng tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm 2024.
“Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024 nếu thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô trên thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực”, VCBS nêu rõ.
Tương tự, Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) ước tính lợi nhuận trung bình của nhóm ngân hàng nghiên cứu chỉ tăng khoảng 12 – 15% trong năm 2023. Riêng 6 tháng cuối năm, HSC ước tính lợi nhuận sẽ tăng trên 20% so với cùng kỳ.
Theo VCBS, một trong những nguyên nhân chính của sự giảm tốc này đến từ hoạt động xử lý nợ xấu để thu hồi vốn của các ngân hàng đang tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng. Trong khi đó, bất động sản lại là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.
Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến sẽ chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay.
Sang đến năm 2024, VCBS dự báo rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại và có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.
Kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới của các tổ chức tín dụng cũng được điều chỉnh thu hẹp đáng kể. Điều này được phản ánh trong kết quả điều tra mới đây của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) về xu hướng kinh doanh trong quý III/2023.
Các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý III/2023 nhưng tăng với tốc độ chậm lại trong năm 2023 so với năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Tuy nhiên, vẫn có 11% tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu vay vốn giảm trong năm 2023 so với năm 2022.
Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện tăng nhẹ trong quý II/2023 nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III/2023.