web analytics

Rủi ro và cơ chế chia sẻ rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm 06/05/2022

(KDTT) – Luật Kinh doanh Bảo hiểm đang được trình Quốc hội xem xét, chỉnh sửa và bổ sung. Các quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa được đề cập trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam. Luật kinh doanh bảo hiểm chưa đề cập đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và thiếu các chế tài về quản trị rủi ro, đi cùng với mô hình vốn trên cơ sở rủi ro và minh bạch hóa thông tin. Đây là ba trụ cột của mô hình quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm đang được áp dụng phổ biến trên thế giới. Để  sửa đổi và bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế, yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm đồng bộ, cân bằng trong thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam cần quan tâm đến các quy định về rủi ro, phòng ngừa, kiểm soát rủi ro để không chỉ bảo vệ quyền  lợi của các doanh nghiệp bảo hiểm mà quan trọng  là quyền và lợi ích của các đối tượng được bảo hiểm.

Ảnh minh họa.

Về bản chất, kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Có kinh doanh thường có những gian lận và sai sót. Hoạt động kinh doanh thường gặp rủi ro và những tổn thất. Tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là vấn đề nhức nhối và là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, trong đó có doanh nghiệp Bảo hiểm Việt Nam. Trên thực tế, hành vi gian lận bảo hiểm có các hình thức ngày càng đa dạng, phức tạp, tinh vi và xuất hiện trong hầu hết các khâu, các giai đoạn trong quy trình kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. Đối tượng của hành vi gian lận bảo hiểm khá đa dạng, có thể là người tham gia bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, người thuê tài sản bảo hiểm, người được giao quản lý, sử dụng tài sản bảo hiểm, cũng có thể  chính là các cán bộ bảo hiểm, những nhân viên công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và các cộng tác viên.
Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa X thông qua ngày 9/12/2000 (được sửa đổi, bổ sung một số điều trong các năm 2010 và 2019). Các Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản của Luật kinh doanh bảo hiểm mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng yêu cầu mới của Hội nhập kinh tế  quốc tế. Qua 20 năm thi hành Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã góp phần tạo dựng và phát triển thị trường Bảo hiểm ở Việt Nam. Để hạn chế tổn thất trong kinh doanh Bảo hiểm, hạn chế và ngăn ngừa các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có nhiều quy định từ các điều nghiêm cấm, các quy định về sản phẩm bảo hiểm, về các loại hình kinh doanh bảo hiểm, về hợp đồng Bảo hiểm, về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và có riêng một mục với 4 điều về đề phòng tổn thất và phòng chống gian lận, giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giói thì còn thiếu khung pháp lý đối với các yêu cầu hạn chế tổn thất và phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, thiếu những cơ chế giám sát chặt chẽ tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các đối tượng bảo hiểm. Các quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa được đề cập trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam. Luật kinh doanh bảo hiểm chưa đề cập đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và thiếu các chế tài về quản trị rủi ro, đi cùng với mô hình vốn trên cơ sở rủi ro và minh bạch hóa thông tin. Đây là ba trụ cột của mô hình quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm đang được áp dụng phổ biến trên thế giới.
Để sửa đổi và bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế, yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm đồng bộ và cân bằng trong thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam cần quan tâm triển khai và giải pháp sau đây:
Trước hết, cần nhận thức đúng và đầy đủ về kinh doanh bảo hiểm và vai trò của nó trong nền kinh tế để có những chế tài cần thiết. Bảo hiểm (Insurance) là một phương thức chuyển giao rủi ro phổ biến hiện nay. Phương thức này được thực hiện thông qua một hợp đồng gọi là hợp đồng bảo hiểm, quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Vì vậy, Kinh doanh bảo hiểm không thuần túy là hoạt động kinh doanh, là hoạt động góp phần ổn định tài chính cho các tổ chức, cá nhân khi gặp rủi ro, là một kênh huy động vốn đầu tư tăng trưởng kinh tế, mà quan trọng không kém là góp phần đề phòng, hạn chế tổn thất cho kinh tế – xã hội. Đồng thời thông qua đó hoạt động kinh doanh bảo hiểm tạo sự an tâm xã hội, tạo ra trạng thái an tâm, giảm bớt lo âu trước những rủi ro vẫn thường trực. Vì vậy, rất cần các chế tài hạn chế tổn thất trong kinh doanh bảo hiểm, đề phòng  và hạn chế các gian lận gây thiệt hại cho các doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức, cá nhân được bảo hiểm.
Thứ hai, cần nhận dạng đầy đủ các tổn thất, các gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Có nhiều cách hiểu về gian lận trong hoạt động bảo hiểm. Cách hiểu trực diện là: Gian lận bảo hiểm là hành vi cố tình gian dối, lừa đảo có thể có chủ ý ngay từ khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh sau khi đã xảy ra rủi ro cho đối tượng bảo hiểm nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm mà đáng lý ra họ không được hưởng. Hành vi gian lận bảo hiểm có thể xuất hiện trong hầu hết các khâu, các giai đoạn trong quy trình kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, cần nhận diện cho được, cho hết các dạng tổn thất, các hình thức gian lận và các đối tượng các hành vị gian lận bảo hiểm để có chế tài trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, không chỉ có các quy định trong một mục đề phòng tổn thất, phòng chống gian lận bảo hiểm. Các chế tài phòng chống tổn thất, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm phải xuất phát từ gốc và phải bao phủ, tiếp cận đến mọi hành vi gian lận có thể xảy ra trong mọi khâu, mọi giai đoạn trong quy trình kinh doanh bảo hiểm, mọi đối tượng tham gia trong quá trình kinh doanh bảo hiểm. Cần quan tâm các quy định từ các sản phẩm bảo hiểm, các phương thức bảo hiểm, từ khâu giao kết các hợp đồng bảo hiểm, cho đến quá trình thực hiện hợp đồng và kết thúc hợp đồng bảo hiểm, quan tâm các chế tài đối với các đối tượng tham gia trong quá trình kinh doanh bảo hiểm, từ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, người thuê tài sản bảo hiểm, người được giao quản lý, sử dụng tài sản bảo hiểm hoặc chính các cán bộ bảo hiểm, nhân viên công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, các cộng tác viên của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ ba, về quy định các hành vi nghiêm cấm (điều 10) cần tính toán thêm, quy định thật rõ, thật cụ thể và đầy đủ các hành vị trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, của các đối tượng tham gia trong hoạt động bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt cần quan tâm không chỉ hành vi của doanh nghiệp bảo hiểm và người thụ hưởng, người được bảo hiểm mà cả các hành vi của người môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, các công tác viên…
Thứ tư, về các biện pháp đề phòng tổn thất quy định tại mục 5 chương hai cần đầy đủ hơn. Để có được những quy định nhứng chế tài hợp lý cần nhận diện đầy đủ những tổn thất trong kinh doanh bảo hiểm. Đó không chỉ là tổn thất của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (do chấp nhận rủi ro, do trục lợi và gian lận bảo hiểm), mà còn là tổn thất của các đối tượng bảo hiểm, đối tượng có nghĩa vụ đóng phí và thụ hưởng bảo hiểm. Cũng cần tính tới các chế tài biện pháp phòng ngừa và hạn chế những tổn thất đối với nền kinh tế, với xã hội mà hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể làm. Tổn thất của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm không chỉ là do các hành vi trục lợi, do các hành vi gian lận mà còn do sự yếu kém trong quản lý, quản trị  kinh doanh, trong quản trị rủi ro, trong hoạt động đầu tư và trong các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Cần có những quy định pháp lý mang tính đặc thù với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm để đảm bảo an toàn tài sản, vốn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Các quy định này không chỉ nằm ở mục 5 chương II, mà nên quy định thêm trong mục 3, 4, 5 chương III. Cần có những quy định bắt buộc và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm và tăng đầu tư cho các biên pháp phòng ngừa, hạn chế các tổn thất của các đối tượng tham gia bảo hiểm. Đây không chỉ giảm bớt chi trả bù đắp chủ doanh nghiệp bảo hiểm mà còn có ý nghĩa tác dụng nhân văn rất lớn cho người được bảo hiểm và cho nề kinh tế -xã hội.
Thứ năm, về các quy định phòng chống gian lận bảo hiểm được quy định tại mục 5 chương hai, cần các quy định toàn diện hơn , không chỉ phòng chống gian lận của các đối tượng bảo hiểm mà kể các các doanh nghiệp bảo hiểm, các đại lý bảo hiểm, mộ giới bảo hiểm và các công tác viên bảo hiểm. Gian lận không chỉ xảy ra ở khâu là thủ tục bảo hiểm hay khắc phục tổn thất mà ngay từ khâu giao kết hợp đồng, chăm sóc khách hàng bảo hiểm, cả ở khâu xử lý tài sản, hàng hóa tổn thất được bảo hiểm, hoạt động đầu tư từ vốn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ sáu, để nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận bảo hiểm cần có những quy định mang tính căn cơ, nguồn gốc của phát sinh tổn thất và gian lận. Trong đó đầu tiên cần quan tâm các giao kết trong hợp đồng bảo hiểm. Các giao kết cần rõ ràng minh bạch, dễ hiểu và chặt chẽ để không bị bất cứ tổ chức, cá nhân nào có thể lợi dụng. Các gíao kết phải được các đối tượng bảo hiểm thông hiểu và có đủ điều kiện thực hiện. Cần quy định rõ trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm. Đồng thời, cần giành những nội dung thỏa đáng quy định về quản trị rủi ro, về hệ thống cảnh báo từ xa và các công cụ quản lý, như Hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, hệ thống thông tin kinh tế và các biện pháp giám sát. Nội dung này có quy định ở mục 3 chương III và trong  chương VI , nhưng chưa đầy đủ, chưa thật chính xác.
Thứ bảy, Luật kinh doanh bảo hiểm đã giành hẳn một chương (chương VI) quy định về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính, trong đó có các  quy định liên quan các biện pháp  phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận bảo hiểm từ góc độ quản lý tài chính và các biện  pháp hạch toán. Đây là các quy định cực kỳ quan trọng và đã có nhiều nội dung từ quy định về vốn, nguồn vốn, đầu tư,  quỹ dự phòng nghiệp vụ, quỹ dự trữ, hach toán kế toán, kiểm toán, cung cấp thông tin… Tuy nhiên, cần nhấn mạnh tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, là hoạt động dịch vụ tài chính trong thị trường tài chính để có các quy định rõ hơn:
– Tính chất vốn kinh doanh và hoạt động đầu tư của bảo hiểm đòi hỏi sự an toàn cao của loại hình kinh doanh rủi ro. Từ đó, cần phải có các quy định về  trích lập và duy trì các khoản dự phòng, dự trữ khác với những doanh nghiệp kinh doanh khác. Dự phòng hay dự trữ không chỉ vì hoạt động của bản thân doanh nghiệp bảo hiểm mà còn vì các đối tượng bảo hiểm và của sự ổn định vĩ mô nền kinh tế. Ngoài các quỹ Dự phòng nghiệp vụ cần trích lập để đảm bảo khả năng  thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm có thể phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, cần quy định thêm việc trích lập các quỹ dự phòng để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, bình thường của doanh nghiệp bảo hiểm như dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá đầu tư,…
– Về thu chi tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm cần có quy định mang tính pháp lý và các khoản chi đầu tư, chi hoạt động cho việc phòng ngừa tổn thất được tính vào chi phí hợp lý tính trừ vào doanh thu trước khi chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp. Cần xác định, phòng ngừa tổn thất là nhiệm vụ chính cốt lõi của hoạt động bảo hiểm. Bù đắp tổn thất chỉ là biện pháp cuối cùng.
– Đối với doanh nghiệp bảo hiểm thì hoạt động kiểm toán là bắt buộc và cần thiết như các công ty đại chúng khác. Nhưng nên chăng cần quy định các doanh nghiệp bảo hiểm cần thực hiện kiểm toán hoạt động vài năm một lần bên cạnh việc kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm.

Cuối cùng, con người vẫn yếu tố đóng vai trò quan trọng, quyết định trong phòng chống tổn thất và phòng ngừa gian lận bảo hiểm. Luật có một số điều quy định về người quản lý, người kiểm soát, cán bộ làm việc tại bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, kiểm soát viên, kiểm toán viên nội bộ, đại lý bảo hiểm, người cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm… Những quy định này là cần thiết vì đây là phát sinh các hành vi gian lận cũng là người có thể ngăn chặn, phát hiện các hành vi gian lận. Trong nền kinh tế thị trường cần coi kinh doanh bảo hiểm là một nghề nghiệp, một nghề mang tính chuyên nghiệp cao. Vì vậy, ngoài các quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn và điều kiện để bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp và các vị trí công việc, ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật kinh doanh bảo hiểm cần có thêm quy định về đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp đối với người tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm kể cả người làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm, người môi giới, đại lý bảo hiểm, người cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đối với kiểm soát viên, kiểm toán viên nội bộ đã có chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử nghề nghiệp kế toán và kiểm toán. Đạo đức nghề nghiệp đối với từng nghề là những quy định, những mực thước quyết định thành công của nhiều nghề nghiệp và là các chế tài quan trọng  phồng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận trong hoạt động bảo hiểm.
Trong thể chế kinh tế hiện nay ở Việt Nam, nhà nước đã xác định, tập trung làm chức năng quản lý nhà nước, quản trị quốc gia. Nhà nước đã và sẽ chuyển giao các nhiệm vụ dịch vụ công cho các tổ chức nghề nghiệp. Vì vậy, đề nghị Luật chỉ nên quy định tại chương quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm về trách nhiệm của nhà nước trong việc ban hành chính sách bảo hiểm và thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động bảo hiểm, còn nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao trình độc, tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp, đăng ký và quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp… nên giao cho các tổ chức nghề nghiệp. Đã tham gia kinh doanh bảo hiểm phải có chứng chỉ nghề nghiệp bảo hiểm chứ không phải chỉ có đại lý bảo hiểm mới phải có chứng chỉ nghề nghiệp. Cần quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền của Tổ chức nghề nghiệp Bảo hiểm  quy định tại điều 11. Các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, và cá nhân tham gia hoạt động bảo hiểm phải là hội viên tổ chức nghề nghiệp bảo hiểm và chịu sự kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của Tổ chức nghề nghiệp bảo hiểm. Đây là thông lệ mang tính quốc tế và khu vực ở các thể chế kinh tế thị trường .
Tóm lại, sửa và bổ sung Luật bảo hiểm là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đã hình thành và phát triển, nền kinh tế Việt Nam đã và đang là nền kinh tế thị trường mở của và hội nhập. Kinh doanh bảo hiểm là loại hình kinh doanh đặc thù, là bộ phận cấu thành quan trong của thị trường tài chính. Hoạt động bảo hiểm không chỉ là hoạt động kinh doanh rủi ro mà có đóng góp tích cực cho nên kinh tế và sự an tâm xã hội. Đây là hoạt động kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro. Rất cần những quy định mang tính pháp lý để đề phòng tổn thất, phòng ngừa gian lân trong tất cả các khâu, các nghiệp vụ, các hành vị trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam


Tài liệu tham Khảo
Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10,
Luật số 61/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
Đặng Văn Thanh: Về những nội dung cần sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm
Kỷ yếu hội thảo, Viên Nghiên cứu Luật pháp của Quốc hội

Bạn đang đọc bài Rủi ro và cơ chế chia sẻ rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT