web analytics

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/12 01/12/2021

(KDTT) – Từ tháng 12/2021, nhiều chính sách nổi bật liên quan đến vận động từ thiện, bảo hiểm, thuế, công chức, viên chức. thông tin trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia… chính thức có hiệu lực.

Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước

Việc  giảm lệ phí trước bạ được kỳ vọng sẽ kích thích thị trường ô tô trong nước. Ảnh minh hoạ

Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP, trong đó quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước.

Giảm nửa phí trước bạ không giúp giảm giá xe, nhưng sẽ kích cầu thị trường xe trong nước. Để lăn bánh một mẫu ôtô mới, người mua cần thêm nhiều khoản phí khác ngoài tiền mua xe như phí trước bạ (10-12% giá xe niêm yết), phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí ra biển số.

Hiện lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Chẳng hạn, mức phí trước bạ lần đầu với ôtô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%… Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Từ lần nộp lệ phí trước bạ thứ hai, mức thu lệ phí trước bạ là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số vàng

Nếu không thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021, chủ xe sẽ bị phạt từ 02 – 04 triệu đồng nếu là cá nhân và từ 04 – 08 triệu đồng nếu là tổ chức.

 

Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021 thay vì nền màu trắng như trước đây.

Nội dung này được Bộ Công an ban hành tại Thông tư 58/2020/TT-BCA. Theo đó, những loại xe phải đổi sang biển số nền màu vàng bao gồm: Xe taxi; xe khách tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch.

Nếu không thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021, chủ xe sẽ bị phạt từ 02 – 04 triệu đồng nếu là cá nhân và từ 04 – 08 triệu đồng nếu là tổ chức do không chấp hành đúng quy định về biển số (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Siết chặt quy định cá nhân quyên góp từ thiện

Theo Nghị định 93 có hiệu lực từ ngày 11/12, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, khi vận động phải thông báo với ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.

Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu, không được phép nhận thêm tiền ủng hộ sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận.

11 thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Theo Quyết định 31/2021 của Thủ tướng, từ ngày 9/12 có 11 loại thông tin phải cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

11 loại thông tin gồm: Hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, nghĩa vụ tài chính; thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính…

Thủ tướng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải đơn giản, thuận lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện hơn các hình thức thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính công ích. Thời hạn và kết quả giải quyết dịch vụ công trực tuyến theo đúng quy định của pháp luật hoặc thủ tục hành chính đã được công bố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. An toàn, an ninh thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân phải được bảo đảm.

Bỏ quy định đào tạo, bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc

Nghị định 89/2021 có hiệu lực từ 10/12 đã bãi bỏ nội dung đào tạo, bồi dưỡng Tiếng dân tộc, Tin học và Ngoại ngữ khi bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung bồi dưỡng hiện chỉ còn: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Bộ Nội vụ sau đó đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức. Thay vào đó, các bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.

So với Nghị định 101/2017, Nghị định 89/2021 cũng không còn quy định về hình thức bồi dưỡng tập sự với cán bộ, công chức, viên chức và hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.

Giáo viên chỉ còn một chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Trong khi Nghị định 101 thì quy định viên chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng IV, III, II, I.

DUY KHÁNH

Bạn đang đọc bài Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/12
tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT