web analytics

Quảng cáo trên truyền hình: Khi “ngôn luận” được tự do quá đà 11/03/2021

(KDTT) – Quảng cáo là khâu quan trọng trong xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, khách hàng. Nhiều nhà sản xuất đã bỏ ra số tiền “khổng lồ” để đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, thời gian qua có hiện tượng “nở rộ” phần thiếu kiểm soát của nhiều quảng cáo, đã làm xuất hiện không ít sản phẩm xa lạ với văn hóa, tâm lý tiếp nhận của người tiêu dùng. Đáng nói hơn nữa những sản phẩm này đã “qua cửa” kiểm duyệt để được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia.

Dù “lời nói chẳng mất tiền mua”

Quảng cáo giống như một “đặc sản” không thể thiếu trên sóng truyền hình. Các hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo ngày càng sáng tạo về hình thức, nội dung, phương tiện và cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, có nhiều quảng cáo chưa được đầu tư, kiểm duyệt kỹ càng trước khi phát sóng, điều này đã gây hiệu ứng ngược lại.

Lấy ví dụ như quảng cáo của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất gần đây, với nội dung hạ thấp sản phẩm của nhãn hàng khác, đồng thời khinh miệt khách hàng, cho rằng khách hàng không dùng sản phẩm của công ty là do “nghiệp chướng” và “trời đày”.

Quảng cáo của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất khá phản cảm khi sử dụng từ “trời đày”, “nghiệp chướng”.

Cụ thể, trong đoạn video kéo dài 58 giây ghi lại cuộc trò chuyện của hai người đàn ông lớn tuổi về tình hình bệnh của những người trong gia đình, một người đàn ông đã nói: “Vợ anh cũng trí thức, cũng tiến sĩ như anh, đáng lẽ phải uống ngay. Nhưng lại không chịu uống thì chỉ có thể là do nghiệp chướng nặng từ kiếp trước, trời đày không cho chị ấy tin tưởng vào thuốc hoạt huyết, để phải chịu nỗi khổ mất ngủ kinh niên suốt đời. Nếu vậy, có mà trời khuyên”.

Với ý tưởng cùng ngôn từ quá phản cảm như vậy, lý do gì mà quảng cáo này được xét duyệt phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia? Nhiều bình luận thể hiện thái độ bức xúc về đoạn quảng cáo này: “Không tin nổi tại sao có thể làm được nội dung kiểu này”, “Làm sao mà cái TVC này được duyệt phát sóng vậy?”,…

Hoặc như quảng cáo các sản phẩm đồ gia dụng của hãng Bluestone do Công ty cổ phần TARA phân phối, đã sử dụng cụm từ “đàn ông tính đàn bà” ở giây thứ 35 một cách khá bừa bãi. Mặc dù không có một cơ sở nào chứng minh rằng “tính đàn bà” là xấu nhưng khi nhắc đến cụm từ này, người ta vẫn nghĩ đến sự tiêu cực dù ở trong ngữ cảnh nào, nếu không muốn nói là mang tính hạ thấp thân phận người phụ nữ. Có bình luận cho rằng, khi nói một người có tính đàn bà là đã gián tiếp làm tổn thương người đàn ông nhận câu nói đó và cả những người phụ nữ khác.

Quảng cáo các sản phẩm đồ gia dụng của hãng Bluestone sử dụng cụm từ “đàn ông tính đàn bà” một cách bừa bãi.

Mặc dù có ý kiến phản bác cụm từ “tính đàn bà” trong quảng cáo là để chỉ một người đàn ông tỉ mỉ, biết chăm lo cho gia đình, nhưng rõ ràng nhà sản xuất có thể thay thế bằng cụm từ hoặc cách biểu đạt khác, thay vì sử dụng một cụm từ khá nhạy cảm như vậy.

Đây không phải là lần đầu tiên các quảng cáo phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia vướng phải làn sóng chỉ trích này. Trước đó, có nhiều quảng cáo đã gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận khi đưa các hình ảnh, nội dung có tính chất dung tục, phản cảm lên sóng. Có thể những quảng cáo này đã đạt được mục đích làm người ta ấn tượng, nhưng đó là một ấn tượng xấu.

Đừng nghĩ khán giả quá dễ dãi

Đồng ý rằng các sản phẩm nghệ thuật cần có sự sáng tạo và những nhấn nhá của riêng nó. Nhưng rõ ràng dù sáng tạo ở phương thức nào cũng nên có giới hạn liên quan đến vấn đề đạo đức, giá trị văn hóa, đặc biệt các quảng cáo trên truyền hình chỉ nên được phát sóng khi phù hợp với giá trị truyền thống của một dân tộc.

Quảng cáo lặp đi lặp lại liên tục trên truyền hình vào khung giờ vàng thu hút đông đảo lượng người xem, không chỉ người lớn mà còn có cả trẻ em. Khán giả dù muốn hay không ít nhiều cũng khó tránh, đôi khi ở trong tình thế buộc phải xem.

Cho nên, không chỉ những người làm quảng cáo mà cả những nhà kiểm duyệt nội dung cần phải hiểu được rằng, bên cạnh những yếu tố cốt lõi như trung thực, chính xác, rõ ràng thì văn hóa trong quảng cáo là rất cần thiết. Và trước khi tính đến hiệu quả kinh tế mà quảng cáo mang lại, nó phải đạt được giá trị về mặt văn hóa. Trong đó, hệ giá trị chuẩn mực của văn hóa dân tộc luôn có vai trò dẫn dắt, định hướng cách thức chuyển tải nội dung quảng cáo. Đó là văn hóa trong việc sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, thông điệp, ý tưởng sáng tạo… Một quảng cáo nếu sử dụng những yếu tố trên không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội thì coi như thất bại.

Mặc dù đã có Luật Quảng cáo và nhiều văn bản điều chỉnh, thế nhưng ý thức tuân thủ chưa nghiêm túc của một số đơn vị dẫn đến tình trạng cẩu thả, qua loa, mục đích để câu khách mà làm trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, vi phạm đạo đức kinh doanh và thuần phong mỹ tục. Chính vì vậy, cần phải chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo trên truyền hình với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ban, ngành và trên hết là ý thức của những người làm công tác quảng cáo.

Và để duy trì và phát huy chất lượng các kênh truyền hình, việc kịp thời siết chặt việc quản lý, kiểm duyệt nội dung là vấn đề phải nhìn nhận nghiêm túc. Bởi trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như ngày nay, khán giả giờ đã “tinh” hơn, thông minh và cẩn thận hơn trước rất nhiều. Đừng để những “hạt sạn” như hình ảnh phản cảm, ngôn ngữ mập mờ, cách nói phóng đại… khiến người xem bực bội, phản ứng gay gắt, từ đó tẩy chay sản phẩm, dịch vụ quảng cáo.

Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 tại Khoản 3, Điều 8, Chương I cấm “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT