web analytics

Thanh Hóa: Bệnh nhân ung thư “dài cổ” đợi sửa chữa máy xạ trị 07/07/2021

(KDTT) – Từ 27/4/2021 đến nay, hệ thống máy xạ trị gia tốc điều trị bệnh ung thư bị hỏng, nhưng không được sửa chữa. Hệ lụy kéo theo là hàng loạt bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa phải chờ đợi, không biết đến khi nào mới được xạ trị…

“Cơn khát” chờ được xạ trị 

Từ những ý kiến thắc mắc, nỗi thất vọng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư, ngày 29/6/2021, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa để xác thực thông tin trên. Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở tách và nâng cấp Trung tâm Ung bướu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, hệ thống máy gia tốc xạ trị điều trị ung thư hiện vẫn đang đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi khi có bệnh nhân cần xạ trị, Bệnh viện Ung bướu sẽ đưa lên Bệnh viện Đa khoa.

Ghi nhận của phóng viên tại Khoa xạ trị (tầng 6) – Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, bệnh nhân và người chăm sóc đều biết chiếc máy gia tốc xạ trị bị hỏng hơn 2 tháng nay nhưng chưa được sửa chữa. Nhiều người đang xạ trị dở dang cũng buộc phải dừng lại chờ đợi sửa máy.

Bệnh nhân ung thư rất lo lắng cho sức khỏe của mình, họ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, không biết phải làm thế nào để cứu vớt niềm tin của mình, mong kéo dài thời gian sống trước khi máy xạ trị trở lại hoạt động bình thường. . Những bệnh nhân được bác sĩ tư vấn chuyển viện, đến những địa chỉ có máy xạ trị, tuy vậy việc thực hiện cũng rất khó khăn.

BV Ung bướu Thanh Hóa.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ tháng 5/2021 đến nay, trùng với thời gian máy xạ trị đặt tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa bị hỏng thì các bệnh viện tuyến TW, trong đó có Bệnh viện K Tân Triều – Hà Nội có lúc dừng tiếp nhận bệnh nhân. Việc chờ ngày máy xạ trị hoạt động trở lại đã trở thành một đề tài bàn luận của bệnh nhân trong tâm trạng nghi ngại, chán nản: “Bác sĩ cứ hẹn khoảng 10 ngày nữa là máy sửa xong nhưng mấy cái 10 ngày rồi vẫn chưa thấy máy chạy, người đang xạ giữa chừng lại bị dừng khiến chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng…”.

Cái nóng như thiêu đốt của mùa hè càng như “đổ lửa” vào “cơn khát” chờ được xạ trị của bệnh nhân. Một người nhà bệnh nhân cho biết: “Nhà tôi ở Hậu Lộc, chồng tôi bị ung thư phổi. Tôi đưa chồng lên bệnh viện này được hơn 2 tháng nay rồi. Đang chuẩn bị xạ trị theo chỉ định của bác sĩ thì máy hỏng nên chúng tôi chờ đợi hơn 2 tháng nay rồi mà chưa được xạ lần nào. Tôi rất lo lắng và sốt ruột không biết việc điều trị nhưng không được xạ trị có mang lại hiệu quả không. Ngày  mai tôi định bàn bạc với gia đình để chuyển chồng sang bệnh viện khác điều trị chứ không thể chờ đợi mãi được”.

Bảo vệ của Bệnh viện Ung bướu cho biết, trước khi máy xạ trị ở Bệnh viện Đa khoa hỏng, có những ngày có đến 6-7 xe ô tô, mỗi xe chở hơn chục bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh xạ trị. Mấy tháng nay nghe nói máy hỏng nên bệnh nhân ở đây không được trung chuyển đi xạ nữa. Không biết máy hỏng khi nào mới sửa được?

Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Quang Hưng – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa nói: “Từ khi thành lập bệnh viện (năm 2017) tới nay, bệnh viện chúng tôi vẫn gửi bệnh nhân sang điều trị trên hệ thống máy xạ trị đang đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Do máy hỏng nên người bệnh dừng xạ trị một thời gian rồi. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi cấp trên và đề xuất phương án, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết ách tắc”.

Theo tìm hiểu của PV, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa đã có công văn số 364/BVUB-KHTH ngày 4/6/2021 “Xin ý kiến chỉ đạo về hoạt động xạ trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu” gửi UBND tỉnh Thanh Hóa. Ngày 9/6/2021 lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có phúc đáp. Nội dung nêu rõ giao cho Sở Y tế giải quyết. Theo đó, Sở Y tế đã cho ý kiến tại CV số 2428 ngày 16/6: Giao Bệnh viện Ung bướu căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị và quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, lập hồ sơ đề nghị thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, Bệnh viện Ung bướu thuê được máy đúng trình tự, thủ tục có thể mất vài tháng, khả năng bệnh nhân lại phải tiếp tục chờ đợi.

Được biết, trên cùng địa bàn thành phố Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Bệnh viện tư nhân) hiện đã có máy xạ trị, tuy nhiên để Bệnh viện Ung bướu thuê được máy xạ trị đúng trình tự, thủ tục có thể mất vài tháng, khả năng bệnh nhân lại phải tiếp tục chờ đợi?

Chiếc máy xạ trị không có tội 

Để “ứng phó với tình trạng hệ thống máy xạ trị gia tốc bị hỏng, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa thông tin: Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa cũng có chỉ đạo rất quyết liệt để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. Đó là chuyển tuyến hoặc thay đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư cần phải xạ trị.

Cụ thể: “bệnh nhân nào cần xạ trị thì các bác sĩ giải thích cặn kẽ về việc chuyển tuyến và liên hệ với các bệnh viện theo tuyến để chuyển cho người bệnh. Trong đó có một số bệnh nhân tự tìm hiểu rồi họ tự chuyển đi, còn bệnh nhân nào ở đây thì chúng tôi chuyển tuyến, một số bệnh nhân khác nữa không có điều kiện chuyển viện, bắt buộc phải ở lại đây chờ, thì anh em bác sĩ phải thay đổi phác đồ để điều trị cho phù hợp. Còn về sửa chữa hệ thống máy, không thuộc quyền của bệnh viện, chúng tôi cũng chỉ mong sớm sửa được. Bệnh viện cũng đã có đề án nhập máy xạ trị nhưng do dịch Covid-19 nên chưa triển khai được”, ông Hưng nói.

Bệnh nhân ung thư và người nhà tại Khoa Xạ trị – BV Ung bướu Thanh Hóa.

Khi phóng viên nêu câu hỏi về việc liệu phác đồ điều trị này có kết quả như xạ trị không? Và nếu như cho kết quả như nhau thì tại sao phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để trang bị máy xạ trị cho tốn kém? Ông Hưng giải thích: Cái này cần phải có nghiên cứu đánh giá, trên cơ sở khoa học vẫn được thay đổi phác đồ điều trị trong trường hợp bất khả kháng, còn hiệu quả đến đâu cần qua quá trình điều trị mới đánh giá được. Nếu bệnh nhân hóa xạ trị đồng thời thì chúng tôi tiến hành truyền hóa trị trước và xạ trị sau.

Những diễn biến sự việc như trên chứng tỏ chiếc máy xạ trị không có “tội”, những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo ở đây càng không có tội. Nhưng họ đang phải chịu những thiệt thòi mà không phải bản thân họ gây ra. Trong tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, họ biết chuyển viện đi đâu?

Vấn đề trên, với bệnh nhân là một câu hỏi khó; chỉ có chủ sở hữu Hệ thống máy (Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa và Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Y tế Nhật Quang), Sở Y tế , UBND tỉnh Thanh Hóa mới có thể giải đáp triệt để, trọn vẹn, thấu tình, đạt lý.

Trong quá trình tìm hiểu nguồn cơn sự việc, căn cứ hồ sơ, tài liệu: Năm 2009 Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa (Bên A) và Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Y tế Nhật Quang (bên B) đã ký Hợp đồng liên doanh đầu tư Hệ thống máy gia tốc xạ trị điều trị bệnh ung thư, địa điểm đặt máy tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, thời gian liên doanh là 10 năm.

Trong quá trình thanh lý Hợp đồng (kết thúc vào ngày 31/12/2020), hai bên A và B chưa thống nhất được số liệu đánh giá hiệu quả của Dự án và tình hình thu hồi vốn của bên B, dẫn đến “tranh chấp” về quyền sở hữu Hệ thống máy gia tốc, khi máy hỏng thì cả bên A và bên B đều không đứng ra sửa chữa…).

UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương vào cuộc, có nhiều văn bản chỉ đạo, “giao Sở Y tế giải quyết các vướng mắc phát sinh trong triển khai Dự án Liên doanh đầu tư Hệ thống xạ trị gia tốc điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh” (phần trích yếu nội dung công văn số 7470/UBND-VX ngày 1/6/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa).

Trước đó hơn nửa năm, tại các công văn số 17226/UBND-VX ngày 9/12/2020, công văn số 1893 ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa, đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, các cơ quan, đơn vị…để xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến duy trì hoạt động xạ trị của bệnh nhân ung bướu sau khi hết hạn Hợp đồng liên danh,…

Như vậy, nói không ngoa, “quả bóng trách nhiệm” đang ở trong chân Sở Y tế Thanh Hóa; mong rằng cơ quan này không phụ lòng tin của cấp trên và của Nhân dân, vì mục tiêu không làm gián đoạn việc điều trị bằng máy gia tốc xạ trị cho bệnh nhân ung thư .

MINH MINH – TRUNG NGÔN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT