Còn nhiều tiềm năng cần khai mở
Tại diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam” diễn ra ngày 14/12, ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam cho biết: “Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) thì đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, trong khi nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%”.
“Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và bảo đảm đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; đồng thời nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, bảo đảm ổn định cung cấp điện cho hệ thống”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, việc phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm thúc đẩy, được nêu rõ tại Nghị quyết 55-NQ/TW: “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí”.
Ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: Việt Anh) |
“Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG, đồng thời chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”, Nghị quyết nêu.
Sử dụng điện khí LNG phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay. LNG đóng vai trò là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
“Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước”, ông Thi cho biết.
Cơ hội cho việc sử dụng LNG cho Việt Nam được đánh giá cao. LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào “Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21”. Bên cạnh đó, nhu cầu và khả năng thương mại hóa mặt hàng LNG trên thế giới ngày một tăng và phổ biến hơn, tốc độ tăng bình quân khoảng 6%/năm, từ đó cho thấy nguồn cung sẽ tiếp cận dễ dàng và khả thi hơn so với giai đoạn trước.
Cần chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển thị trường điện khí
TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều thuận lợi trong việc phát triển điện khí tại Việt Nam. Phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Điện khí có vai trò quan trọng an ninh năng lượng Việt Nam khi Việt Nam phải đảm bảo cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 khi đối mặt với thách thức rất lớn. Đó là vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa carbon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.
Còn nhiều tiềm năng phát triển điện khí tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh: Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.
“Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong để phát triển điện khí, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý (nhất là các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính…) làm cơ sở để đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn.
Đồng thời, cần xây dựng chính sách cho ngành công nghiệp LNG đồng bộ và xuyên suốt (bao gồm phát triển hạ tầng LNG theo mô hình Kho cảng trung tâm – LNG Hub, cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, phê duyệt cước phí qua kho và đường ống đưa LNG đến nhà máy điện, nguyên tắc phân bổ LNG nhập khẩu cùng với các nguồn khí nội địa cho các nhà máy điện.
Để phát triển điện khí tại Việt Nam, ông Mai Xuân Ba, Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam PV GAS kiến nghị để tối ưu đầu tư hạ tầng kho chứa, cảng biển giúp giảm cước phí, giá khí LNG tái hóa và giảm giá thành phát điện cần xem xét triển khai xây dựng các kho LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm cung cấp cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh”.
Về sự phù hợp giữa các quy hoạch, ông Mai Xuân Ba cũng kiến nghị các bộ ngành và địa phương cần rà soát đảm bảo đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết giữa các quy hoạch và kế hoạch thực hiện các quy hoạch. Trong đó có uy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia. Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước. Các quy hoạch địa phương đặc biệt là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.
Về cơ chế chính sách, các hộ tiêu thụ chính của kho cảng LNG là nhà máy điện. Do đó để triển khai đầu tư hạ tầng nhập khẩu LNG theo đúng Quy hoạch, theo ông Mai Xuân Ba, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện như cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa và bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện. Đặc biệt, Nhà nước cũng cần phê duyệt cước phí qua kho, cước phí đường ống./.