Nhu cầu NOXH là rất lớn

Từ Bắc vào Nam, nhu cầu của công nhân và người vao động thấp về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là rất lớn. Trong khi các khu công nghiệp mọc lên như nấm nhưng nhà ở cho công nhân lại thiếu trầm trọng, hoặc nếu có thì tỷ lệ NOXH là rất nhỏ, nhiều công nhân trong khu công nghiệp phải thuê trọ.

Đơn cử như tại Hải Phòng, có tới 14 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp đang hoạt động và trên 200.000 lao động, trong đó, khoảng 50.000 lao động nhập cư, song số lượng các dự án nhà ở công nhân tại Hải Phòng hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chưa kể, trong thời gian tới, Hải Phòng đã có kế hoạch phát triển thêm 15 khu công nghiệp trên 6.000 ha đất, dự kiến sẽ cần lực lượng lao động lên tới 300.000 người và nhu cầu nhà ở cho công nhân lên tới 1,5 triệu m2 sàn.

Tuy vậy, số lượng NOXH tại Hải Phòng rất ít, khi chỉ có 2 dự án là dự án nhà ở công nhân với 278 căn do LG Display xây dựng và dự án 330 căn tại quận Dương Kinh do Công ty Đỉnh Vàng phát triển.

Hay tại Hà Nội, cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu về nhà ở công nhân. Thành phố này có tổng số gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở.

Hay như tại TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân lao động. Công chức, viên chức TP có hơn 122.000 người, công nhân TP có gần 290.000 người. Tuy nhiên, số căn hộ NOXH xây được cũng chỉ bằng khoảng 1/10 nhu cầu thực, rất đáng trăn trở.

Còn tại Đồng Nai – tỉnh công nghiệp có hơn 600 nghìn công nhân, đa phần là nhập cư, khiến nhu cầu về nhà ở trên địa bàn rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, Đồng Nai mới có khoảng 3.500 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bên cạnh đó, 9 dự án đang triển khai trên diện tích hơn 52ha tại các địa bàn TP.Biên Hoà, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom… với tổng số 8.454 căn được xây dựng.

Tại Bình Dương, có tới 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, lực lượng CNLĐ đang làm việc trên địa bàn tỉnh có trên 1,2 triệu người. Mặc dù địa phương này là đơn vị dẫn đầu cả nước về phát triển NOXH nhưng nhu cầu vẫn còn nhiều. Giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn nhà ở là 3,8 triệu m2, đáp ứng cho 238.325 người, với tổng mức đầu tư 19.034 tỷ đồng. Trong đó, có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Đã có 23 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng diện tích sàn nhà ở 431.488 m2, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã đầu tư được 1,33 triệu m2 sàn/2 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch đề ra.

Xu hướng NOXH bùng nổ

Sau những động thái tích cực từ phía Nhà nước lẫn doanh nghiệp với đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, giới chuyên gia nhận định, việc tăng thêm hàng triệu căn nhà ở xã hội sẽ giải quyết bài toán thị trường nhà ở hiện nay, vốn đang “thừa khúc trên, thiếu khúc dưới”.

Việc tăng mạnh nguồn cung nhà ở xã hội những năm tới sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho số đông người dân có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. Đây là một tín hiệu tốt về nguồn cung thị trường, nhắm đúng đối tượng có nhu cầu ở thật.

Trong thời gian tới, nhiều Chủ đầu tư sẽ triển khai xây dựng NOXH đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.

Tuy nhiên, phân khúc này cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai như việc tiếp cận đất đai, quy hoạch – đầu tư, giá nhà cao; doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, chất lượng nhà ở….

Đơn cử như tại dự án khu nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, vướng mắc pháp lý tại dự án này trong giai đoạn 1, của Công ty Lê Thành tại huyện Bình Chánh là điển hình cho việc vướng mắc cơ chế làm nhà ở xã hội. Gần 1.500 căn nhà ở xã hội cho thuê vẫn chờ thông cơ chế.

Hiện nay, hầu hết các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM cũng đang làm các thủ tục đầu tư, trong đó có 13 dự án với 5.800 căn phải điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 (tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất) để được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trên thực tế, Nhà nước đã cung cấp nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển và các gói hỗ trợ để người công nhân tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở. Các cơ chế tài chính khác cũng được đề xuất cho các chủ đầu tư phát triển bao gồm việc miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí xây dựng cũng có thể được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phát triển cũng có thể tiếp cận các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng khác đang hoạt động tại Việt Nam.

Về phía người lao động, công nhân cũng được vay vốn từ gói hỗ trợ tín dụng 15 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. Theo Nghị quyết 33, người lao động có nhu cầu mua, thuê nhà giá rẻ có thể được hỗ trợ với lãi suất vay 2%/năm trong hai năm 2022-2023.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trước thực trạng thị trường bất động sản và chính sách ưu đãi dành cho NOXH, giới chuyên gia nhận định đây sẽ là thị trường ngách đầy tiềm năng trong tương lai.

Theo KDPT