web analytics

Nhận diện thực trạng trong công tác quản lý dự án đầu tư công:
“Nhiều lỗ hổng trong gói thầu CW06 tại Vĩnh Phúc” 15/03/2022

(KDTT) – Đấu thầu là quá trình lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa, xây lắp đủ năng lực nhằm bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo đúng Luật Đấu thầu của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết qủa tích cực cũng xuất hiện nhiều tiêu cực, bất cập trong công tác đấu thầu, thực hiện các dự án. Hậu quả không chỉ là nhiều dự án bị chậm tiến độ, tiền của Nhà nước bị thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, kinh doanh mà chất lượng hàng hóa, công trình và dịch vụ cũng không được đảm bảo, …

Trước thực trạng nêu trên, Tòa soạn Kinh doanh & Phát triển triển khai Chuyên đề “Nhận diện thực trạng trong công tác quản lý dự án đầu tư công”. Trong quá trình thực hiện chuyên đề, Tòa soạn nhận thấy nhiều tồn tại bất thường tại gói thầu CW06 “Cung cấp thiết bị, lắp đặt và thi công xây dựng trạm bơm Nguyệt Đức” nằm trong dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) làm chủ đầu tư bị khiếu nại không tuân thủ quy định pháp luật, không đảm bảo sự cạnh tranh, công bằng giữa các nhà thầu.

Dự án trọng điểm

Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc có tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 1.532 tỷ đồng (tương đương với 70 triệu USD).

Mục tiêu của dự án nhằm quản lý tình trạng ngập lụt trên 7 huyện, thành phố (trừ Lập Thạch và Sông Lô) và quản lý tốt chất lượng nguồn nước mặt sông Phan, thiết lập hệ thống cảnh báo lũ sớm cho toàn phạm vi của dự án. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp môi trường nước bền vững cho sự phát triển kinh tế – xã hội dài hạn của tỉnh; Đồng thời đảm bảo kiểm soát lũ tại lưu vực trung tâm và ngăn chặn sự suy thoái nhanh chóng của chất lượng nước mặt.

Dự án được triển khai từ cuối năm 2017 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Mới đây, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện đến hết tháng 6/2025.

Dự án gói thầu CW06 “Cung cấp thiết bị, lắp đặt và thi công xây dựng trạm bơm Nguyệt Đức”

Khi những con voi chui lọt lỗ kim, cạnh tranh “Không công bằng”

Mang tính cấp bách là vậy nhưng đến nay dự án đang vướng phải một vài lùm xùm. Theo đó, trong hạng mục các gói thầu mua sắm hàng hóa công trình bao gồm: CW03 – Cung cấp lắp đặt thiết bị, xây dựng trạm bơm Kim Xá và công trình phụ trợ; CW04A – Xây dựng tuyến kênh hút, kênh xả và hồ điều hòa Ngũ Kiên (2 lô CW04A.1 và CW04A.2); CW04B – Cung cấp, lắp đặt thiết bị xây dựng trạm bơm tiêu Ngũ Kiên; CW06 – Cung cấp lắp đặt thiết bị xây dựng trạm bơm tiêu Nguyệt Đức; CW07 – Xây dựng tuyến kênh hút Nguyệt Đức (2 lô CW07.1 và CW07.2); CW08 – Xây dựng trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tại các thị trấn Thổ Tang, Tam Hồng, Yên Lạc (3 lô CW08.1, CW08.2,CW08.3); CW09 – Xây dựng hệ hống om nước thải thị trấn Yên Lạc và CW10 – Xây dựng các điểm xử lý nước thải phân tán và điểm tập kết rác thải dọc sông Phan.

Được biết, trong 10 gói thầu xây lắp của đự án đến nay 1 gói thầu đã thi công xong (CW02), 3 gói thầu vừa được trao hợp đồng (CW01A, CW05, CW09), 4 gói thầu xây lắp lớn CW03, CW06, CW07 và CW08 vừa lựa chọn xong nhà thầu.

Tuy nhiên tại gói thầu CW06 “Cung cấp thiết bị, lắp đặt và thi công xây dựng trạm bơm Nguyệt Đức” đang bị khiếu nại là không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến không đảm bảo sự cạnh tranh, công bằng giữa các nhà thầu.

Liên danh Lilama – Hapuma – Thủy lợi Hải Dương vừa công bố trúng thầu Gói thầu CW06 Cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng trạm bơm tiêu Nguyệt Đức. Ảnh minh họa

Một thành viên (đơn vị đã tham gia nộp hồ sơ dự thầu và dự lễ mở thầu ngày 21/10/2021 Gói thầu CW06) phản ánh, Gói thầu CW06 có 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Liên danh CBD-SSP-ST; Liên danh PECOM-PVC-HADO; Công ty TNHH Shandong Water Conservancy Contraction group; Liên danh SWATER- DEC và liên danh Lilama – Hapuma – Thủy lợi Hải Dương. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 27/8 – 21/10/2021.

Trong quá trình tham gia đấu thầu giữa các bên có sự mập mờ, cạnh tranh không công bằng, đơn vị này đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến VPMO về tính hợp lệ “Thư giảm giá” của nhà thầu liên danh Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – Công ty CP Chế tạo Bơm Hải Dương – Công ty CP Xây dựng thủy lợi Hải Dương không thực hiện đúng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), nhưng VPMO vẫn kết luận “Thư giảm giá” của nhà thầu liên danh Lilama – Hapuma – Thủy lợi Hải Dương là lỗi nhỏ và hợp lệ.

Cụ thể, tại lễ mở thầu có 04 nhà thầu đề xuất giảm giá, trong đó 03 nhà thầu có đề xuất giảm giá nằm trong Thư dự thầu như quy định, chỉ riêng nhà thầu liên danh Lilama – Hapuma – Thủy lợi Hải Dương không thực hiện đúng quy định trong Thư dự thầu mà có “Thư giảm giá” để tách riêng trong một bì thư.

Việc giảm giá được quy định trong Thư dự thầu là nội dung mà các nhà thầu phải cân nhắc rất kỹ trước khi phát hành Thư dự thầu, nhưng nhà thầu liên danh Lilama – Hapuma – Thủy lợi Hải Dương đã sử dụng “Thư giảm giá” riêng để thay thế một phần nội dung Thư dự thầu, như vậy là trái với quy định tại ITB.13.1 của Hồ sơ mời thầu.

Tất cả các nhà thầu phải tuân thủ quy định và hướng dẫn trong Hồ sơ mời thầu để lập Hồ sơ dự thầu là điều kiện bắt buộc nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các nhà thầu. Nếu một nhà thầu có “Thư giảm giá” nộp riêng, không nằm trong nội dung của Thư dự thầu và không đúng với quy định về lập Thư dự thầu được chấp thuận thì sẽ tạo ra sự không công bằng cho các nhà thầu đã tuân thủ đúng quy định về chiết khấu/giảm giá trong Thư dự thầu.

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại mục ITB. 40, sau khi có kết quả đấu thầu thì chủ đầu tư phải thông báo cho các nhà thầu về kết quả đấu thầu và lý do bị loại. Đồng thời phải đăng tải trực tuyến trên mạng đấu thầu về: Tên của từng nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu; giá dự thầu như đã đọc công khai tại Lễ mở thầu; tên và giá đánh giá của từng hồ sơ dự thầu đã được đánh giá; tên của các nhà thầu bị loại hồ sơ và lý do bị loại; tên của nhà thầu trúng thầu và giá trúng thầu, cũng như thời gian thực hiện hợp đồng và tóm tắt phạm vi hợp đồng được trao.

Tuy nhiên, ngày 28/02/2022, nhiều cơ quan báo chí đã đăng thông báo liên danh Lilama – Hapuma – Thủy lợi Hải Dương (gồm 3 đơn vị: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Công ty CP Chế tạo Bơm Hải Dương, Công ty CP Xây dựng thủy lợi Hải Dương) trúng thầu Gói thầu CW06 Cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng trạm bơm tiêu Nguyệt Đức sau khi vượt 4 đối thủ “nặng ký” thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế. Giá trúng thầu là 409,94 tỷ đồng, giảm 122,78 tỷ đồng so với giá gói thầu, tỷ lệ giảm giá đạt 23,04%.

Trước nhiều dấu hiệu mập mờ về đơn vị trúng thầu, nhà thầu khiếu nại đặt câu hỏi: Trong trường hợp “Thư giảm giá” của nhà thầu liên danh Lilama – Hapuma – Thủy lợi Hải Dương là hợp lệ thì giá sau giảm giá của liên danh này khoảng 398,94 tỷ, tuy nhiên, giá trúng thầu là 409,94 tỷ (chênh lệch tăng 11 tỷ VND). Điều này có rất nhiều nghi vấn nên cần phải xem lại quá trình cân bằng giá của chủ đầu tư?… Trong Hồ sơ dự thầu của nhà thầu liên danh Lilama – Hapuma – Thủy lợi Hải Dương đã thiếu 5 bản phôtô “Thư giảm giá”, việc thiếu này liệu có thể cấu thành hành vi gian lận hoặc thông thầu?

Được biết, đại diện nhà thầu này cũng đã gửi nhiều đơn kiến nghị với cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc xem xét lại các vấn đề trên, cũng như kiểm tra lại năng lực của từng thành viên nhà thầu liên danh Lilama – Hapuma – Thủy lợi Hải Dương để làm rõ vấn đề, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các nhà thầu.

Nhận diện thực trạng trong công tác quản lý dự án đầu tư công:

“Nhiều lỗ hổng trong gói thầu CW06 tại Vĩnh Phúc”

Bạn đang đọc bài Nhận diện thực trạng trong công tác quản lý dự án đầu tư công: “Nhiều lỗ hổng trong gói thầu CW06 tại Vĩnh Phúc”
tại chuyên mục Cộng đồng.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com

Theo KDPT