web analytics

Áo bà ba – Nét dịu dàng miền Tây làm nên lịch sử 05/08/2020

(KDTT) – Đã từ lâu, khi nhắc đến áo bà ba người ta thường nghĩ ngay đến vẻ đẹp mộc mạc, dịu dàng của người phụ nữ Tây Nam Bộ. Áo được xem là biểu tượng, là tâm hồn, là sự kết tinh của xứ sở quê hương, là hồn Việt trải qua mấy trăm năm kể từ khi ông cha ta khai phá mảnh đất phương Nam.

Với chất liệu đơn giản, màu sắc không kén người mặc nên áo ba bà luôn gắn liền với người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm

Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ đến mong manh

Nón lá đội nghiêng coi thường con sóng dữ

Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”.

Có thể nói, hình ảnh người con gái trong chiếc áo bà ba, nghiêng nghiêng bên vành nón lá, kết hợp với chiếc quần đen vừa chấm gót, cùng chiếc khăn rằn như tô thêm vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ miền Tây. Trong những đường nét mộc mạc của chiếc áo bà ba như gợi lên một phẩm hạnh, một giá trị vĩnh hằng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ miền sông nước Cửu Long nói riêng.

Chiếc áo gắn liền với nhiều thế hệ

Nếu nói đến áo tứ thân, người ta sẽ nghĩ ngay đến những cô gái của vùng đất quan họ Kinh Bắc với vẻ thướt tha, sắc sảo. Nói đến áo dài, người ta lại hình dung ra vẻ đẹp thùy mị, quyến rũ của những cô gái Huế bên bờ sông Hương thơ mộng. Và khi nói về chiếc áo bà ba, mọi người lại nghĩ ngay đến vẻ đẹp dung dị, chất phác, hiền hòa giữa mênh mông sông nước miền Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngược dòng trở về lịch sử, trở về với mảnh đất Nam Bộ thuở mới khai thiên lập địa, cũng là lúc ta tìm về gốc tích của chiếc áo bà ba, nếu như người phụ nữ miền Bắc mặc váy, yếm, hay áo tứ thân, thì bộ y phục thường ngày của người Nam Bộ ở thế kỉ XVIII là áo ngắn và quần dài. Phải đến thế kỉ XIX mới có sự cải tiến quan trọng cho bộ y phục ấy, trở thành bộ y phục thông dụng mà đến ngày nay chúng ta thường thấy, đó là bộ quần áo có tên rất đỗi thân thương: bà ba. Chiếc áo bà ba cùng khăn rằn và nón lá đã trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ miền Tây.

Với chất liệu đơn giản, màu sắc không kén người mặc, nên áo ba bà luôn gắn liền với người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba còn được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc… Chính nhờ tính ứng dụng cao và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả đàn ông và phụ nữ ở Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù là lúc đi làm, đi chợ hay đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám trọ, các cô, các bà thì chọn những màu mạ non, xanh lơ nhạt,…

Chiếc áo bà ba tôn lên nét dịu dàng của người phụ nữ Tây Nam Bộ.

Áo bà ba kiên cường ra mặt trận

Vào thời kỳ đất nước sục sôi khí thế, áo bà ba lại theo các bà, các mẹ đưa thư, khai phá mở đường, đưa quân cách mạng vượt sông, qua cầu, len rừng cầm súng chiến đấu. Hình ảnh người phụ nữ miền Tây đầy mạnh mẽ, trung kiên luôn gắn liền với ba món vật bất ly thân là nón lá, khăn rằn và áo bà ba. Thương sao những đội quân du kích tóc dài đã bao phen làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, tạo nên bản trường ca hào hùng mang tên Đồng Khởi – Bến Tre. Những cô giao liên, người nữ cán bộ cách mạng với chiếc áo bà ba, súng quàng vai đã tạo nét đặc trưng riêng cho một bộ trang phục chiến đấu. Hình ảnh đội quân tóc dài, chiếc áo bà ba và chiếc khăn rằn Nam Bộ đã nhận được nhiều lời ca ngợi trên các trang báo nước ngoài mang đầy tính chất huyền thoại.

Hình ảnh của các bà, các mẹ, các chị trong chiếc áo bà ba vẫn đẹp, vẫn lung linh trong sáng và mãi mãi dệt nên một trang sử vẻ vang của dân tộc. Những hình ảnh chiếc áo bà ba đi cùng lịch sử hiện nay vẫn còn được lưu giữ tại nhiều di tích như: Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam), tại đây xây dựng mô hình tái hiện lại hình ảnh các dì, các mẹ, các anh, các chú mặc đồ bà ba, khăn rằn, nón lá vùng lên kháng chiến với khí thế ngút trời. Hay tại di tích Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm) vẫn còn lưu giữ và trưng bày hình ảnh của vị nữ tướng tài ba nhưng giản dị, gần gũi trong trang phục áo bà ba trong sinh hoạt đời thường và cũng như là trong hành trình hoạt động cách mạng cứu nước đặc biệt, hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ hiện vật gốc – chiếc áo bà ba của Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã từng sử dụng.

Hội nhập cùng thời đại

Áo bà ba vẫn sống mãi trong giá trị văn hóa truyền thống của con người ĐBSCL.

Dù đã trải qua bao thăng trầm cùng với thời gian, nhưng ngày nay, áo bà ba vẫn được rất nhiều người sử dụng, trong đó có cả nam và nữ, nhất là ở các vùng nông thôn của miền Tây sông nước. Đối với người trẻ thì chiếc áo bà ba đã được cách tân với nhiều kiểu cách và nhiều màu sắc, họa tiết phong phú, trẻ trung, năng động hơn. Dù hội nhập hay phá cách, thêm màu sắc, hoa văn rực rỡ, nhưng chiếc áo bà ba vẫn giữ riêng cho mình “cái hồn”, cũng như sự mềm mại, dịu dàng của người phụ nữ Tây Nam Bộ. Không chỉ sử dụng trong sinh hoạt thường ngày, áo bà ba ngày nay còn hiện diện trong các hoạt động du lịch, nhiều địa điểm kinh doanh du lịch đã sử dụng chiếc áo bà ba để tạo nét đẹp thân thiện, gần gũi và là điểm nhấn độc đáo trong văn hóa du lịch miệt vườn, sông nước. Bên cạnh đó, áo bà ba còn được sử dụng trong các hoạt động trình diễn nghệ thuật, trong các buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa trong và ngoài nước, góp phần quảng bá, hoà nhịp cùng cuộc sống hiện đại của bạn bè năm châu.

Mặc dù cuộc sống luôn trôi đi vội vã. Dù cho thời gian có làm bao giá trị thay đổi đi chăng nữa, nhưng trên con đường thời gian dài đằng đẵng, mẹ ta, chị ta, em ta vẫn mặc chiếc áo ấy như gợi lên một nét hồn quê vẫn còn ẩn hiện đâu đây, vẫy gọi ta tìm về bên bờ cõi nhớ. Áo bà ba sẽ vẫn sống mãi trong giá trị văn hóa truyền thống của con người Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo KDPT