web analytics

Châu Thủy Vĩ, ngàn năm hoài cổ 17/10/2019

(KDTT) – Chuyện từ lâu, lâu lắm, người ta không còn tường tận năm tháng nữa. Và Châu Thủy Vĩ giờ chỉ còn là một cái tên hoài cổ. Dấu chân địa đàng đã đánh cắp hành trình thời gian, dâu bể thăng trầm, để buông sót lại xứ sở này một Sa Pa tranh tối tranh sáng, liêu xiêu hoang hoải, vừa cổ kính ưu phiền, vừa xa hoa tú lệ.       

Vết cắt thời gian còn sót lại của miền Châu Thủy Vỹ.

Mây ềm ệp ngang đầu, nắng tròn xoe trên lưng những rẻo cao Tả Củ Tí, Bản Liên, Hoàng Thu Phố. Tôi ngất ngưởng men mèn mén bên bầy ngựa mờ ảo sương lam, như trong ảnh Đào Hoa Nữ. Đường Cán Cẩu ngoằn ngoèo. Tôi đã kịp đêm chợ tình thứ bẩy Sa Pa, heo may trầm mặc. Đến đây, vì một thiếu nữ Phù Lá, em hát điệu “Chẳng tiều dín mày”, bỗng thương vương giấc mơ cao nguyên Lồ Suối Tủng, xa xưa…

Một

Ông có cái tên “rất Mán”: Từ Di Sến. TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Lào Cai bảo, Giàng Sến cũng là một thứ “đặc sản Sa Pa”. Người Mông, người Dao ở bản đều gọi Từ Di Sến là Giàng. Lần đầu, tôi gặp Giàng Sến ngơ ngác giữa biển người trong đêm hội Sa Pa tròn 110 năm du lịch. Cái ngơ ngác của một người đi tìm những góc nhìn hoài cổ, vì đã “trót” quá hiểu về Sa Pa. Đời Giàng Sến đằng đẵng cô đơn, con gái tâm thần, vợ bỏ đi biệt xứ. Thứ quý giá nhất trong căn nhà trống hoác là chi chít bằng khen về thành tích tiễu phỉ. Giàng Sến sinh ra tận Công xã Vũ Bảo (Tứ Xuyên, Trung Quốc), lưu lạc sang Lào Cai từ hồi kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1952, Giàng Sến là Đội trưởng Văn nghệ Mường Khương, dẫn đoàn sang Sa Pa biểu diễn. Ngày đó, Sa Pa là làng Sa Pả, lọt thỏm giữa một cao nguyên có tên Lồ Suối Tủng. Khi đến Sa Pả, đoàn văn nghệ bị phỉ bao vây, chính tay Từ Di Sến bắn chết Lý trưởng cầm đầu khét tiếng Châu A Chùa, rồi nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và ở lại Tả Giàng Phình.

Bữa ấy, thâu đêm, tôi nghe Giàng Sến kể về đời mình, về thị trấn Sa Pa đầu thế kỷ XX, hơn 240 biệt thự kiến trúc gô-tích chạy dài dưới những rừng sa mu trùng điệp. Nay, đời cao nguyên Lồ Suối Tủng đã rêu phong rồi!

Phía sau những hàng rào đá, đời cao nguyên Lồ Suối Tủng nay đã rêu phong.

…Mỗi lần lên Sa Pa, tôi lại ngồi thu lu ở đó. Quán cà-phê, không tên, vắng khách, bên ngoài hàng rào đá mốc thếch, lùm xùm vài khóm tre thấp tè. Ở đó, tôi tìm thấy đôi nét phong trần của vùng sơn thủy từ thời Châu Thủy Vĩ cách đây hơn thế kỷ. Nhâm nhi nỗi nhớ về rừng già tím thẫm, ôm trùm những đường cong gồ ghề quanh nhà thờ đá. Và suy tư mỗi khi tỉnh Lào Cai công bố kiến thiết xứ sở này. Cũng ngót mười bảy, mười tám năm, từ ngày tỉnh phối hợp vùng A-quy-ten (Cộng hòa Pháp) tiến hành quy hoạch lại Sa Pa, chia thành các tiểu khu, phù hợp phong cảnh, khí hậu, tập quán địa phương. Trên giấy là vậy! Nhưng, chưa đầy thập niên sau, nhiều tổ chức, cá nhân đổ tiền vào mua gom đất của dân, chạy theo lợi nhuận, khách sạn mọc lên như nấm, phá vỡ đô thị; hàng trăm công trình vi phạm trật tự xây dựng, hơn 200 biệt thự từ thời Pháp bị tàn phá nặng nề. Có bận, Giàng Sến bảo, chắc phải chờ Sa Pa được công nhận là khu du lịch quốc gia, khi đó, người ta mới sốt sắng xem cao nguyên Lồ Suối Tủng còn sót lại những gì! Mong mỏi của Giàng đã thành hiện thực. Hai năm trước, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định hoàn thiện mục tiêu này. Cách đây chỉ hơn 60 ngày, cái tin Sa Pa sắp lên thị xã, Lào Cai đang cố thu xếp chặng nước rút trước 2020, khiến tôi nửa mừng nửa lo. Chỉ mong, trong tương lai, dù có trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế hay tràn lan các dự án nghỉ dưỡng vui chơi, thì Sa Pa tối thiểu cũng còn khoảng 30% không bị bê-tông hóa bủa vây.

Giờ lên Sa Pa, tôi không còn gặp lại Từ Di Sến nữa, cô bé hàng xóm Từ Sán Sủi cũng không biết Giàng bỏ đi đâu. Và chắc chắn, mai này, trong ngày hội Sa Pa cất đi chiếc áo thị trấn, sẽ chẳng còn cái dáng người bơ vơ, lạc lõng, thương vương hoài cổ năm nào. Liệu mấy ai ngậm ngùi cả nghĩ, cao nguyên Lồ Suối Tủng đã mất hẳn thứ “di sản” chưa từng một lần khai phá.

Hai

Tôi đi trong đêm Sa Pa nhỏ bé, lập lòe ánh lửa. Những con phố đen thui trườn mình ẩm ướt. Từng tán sa mu ứa lệ như than vãn cố tri. Lác đác, đôi ba nóc nhà cổ, chân cứng đá mềm, chỉ còn đáng gọi là phế tích. Vài đứa trẻ rách rưới, áp mình trên những tấm phản thịt lợn bỏ quên, mơ ngủ. “Chúng rời làng đã lâu”. Sán Sủi buông lửng câu, kể, ngắt quãng, tay em bám chặt vào vai tôi, như muốn bảo, đêm nay là chợ tình anh ạ. Con gái Dao “lẳng” thật. Hồi chiều, qua bản Cát Cát, mấy chị cứ đưa tay vơi với, mày bị Sủi “chài” à, về chọc sàn nhà tao đi. Ở một số bản cao nguyên vẫn còn tập tục chọc sàn. Con gái lớn chưa chồng, đêm đêm, các chàng trai vây quanh gầm nhà, đem que đến chọc. Cô gái ở trên nhận que của chàng nào, sẽ mở cửa, rồi cùng vào rừng, ra bờ suối tâm sự. Đến khi mang bầu, cô gái “chỉ điểm” con của ai, người đó sẽ là chồng và thành “ma” nhà ấy, nhưng từ đứa con thứ mới được lập làm trưởng. Chọc sàn vốn là nét văn hóa trong sáng, nhưng theo thời gian, bị biến tướng, mai một. Bao phụ nữ dân tộc rơi vào cảnh có con mà không có chồng, vì nhiều chàng trai, sau đêm chọc sàn đã bỏ xứ tha hương tứ tán.

Cùng mẹ xuống chợ.

…Và những đứa trẻ ngủ vùi trên các tấm phản thịt lợn lại ám ảnh tôi. Phần lớn, chúng là kết quả của “cuộc tình chọc sàn” như thế. Sa Pa nhờ chúng có thêm một nghề mới. Nghề phiên dịch cho tây bằng tiếng Anh bồi.      

Ba

“Người dưới xuôi tò mò thế hả anh?”. Sán Sủi ngơ ngác hỏi. Cảnh trai gái tình tứ yêu nhau ở các khu công viên, giải trí Hà Nội thiếu gì, mà lên tận Sa Pa, họ cũng hè nhau, kéo tới ùn ùn để xem người dân tộc giãi bày “khoản ấy”. Chợ tình, người trẻ tìm bạn cho mình, trung niên gặp lại hàn huyên, ôn chuyện cũ. Nói gì, thì người thủ đô vẫn thấy lạ lắm. Họ “chống” mắt nhìn say mê. Nhìn để về xuôi có cái mà kể. Nét thanh lịch cố đô, đem lên cao nguyên cách hơn 500 cây số này, cũng mất đi phần nào.

… Tôi len lỏi theo tiếng khèn, theo cái lưng ve sầu của Sủi. Em thổi điệu “Hoẵng mắc dây” lảnh lót, mắt em đằm tình, hơi thở ngầy ngậy hương rượu ngô. Gió về thổi lá cây bên khe/Nếu ta là hạt mưa sương/Ta xin tan trên bàn tay chàng/Gió thổi lá cây lật ngả nghiêng bên suối/Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta xin tan dưới bàn chân chàng. Chắc chỉ có những thiếu nữ như em mới đem đến một đêm chợ tình Sa Pa đích thực. Chính Từ Di Sến làm cho cả Lồ Suối Tủng sống dậy, thì Sán Sủi giúp tôi hiểu thế nào là “Páo dung tòi tồm dỏi lủng” xa xưa: Mình không có vợ, mình lên đường đi tìm/Mình không có vợ, mình cất bước đi kiếm/Bố mẹ mình làm bữa cơm thật sớm/Thế là mình đi chợ/Mình len ngay vào đám đông/Mình tìm xem cô nào chưa chồng.

Đêm nay không có Giàng Sến, mất mát, cái cảm giác hụt hẫng ấy cứ gặm nhấm đến nao lòng. Từ Sán Sủi bảo, anh hát không giống người Dao, mắt không đằm, môi không say, người cũng chẳng đong đưa, làm người Dao khó lắm. Dẫu sao, Sa Pa vẫn còn Sán Sủi, và cơ may cho cái kho tàng dân ca của cao nguyên Lồ Suối Tủng, phần nào chưa bị lớp trẻ lãng quên.

Bốn

Sáng. Chợ tan từ đêm. Đêm muộn màng. Những chàng trai Mông ngủ quên trong các lùm cây bị ánh mặt trời chiếu rọi, cựa quậy, rồi ngủ tiếp. Mây sà xuống ngọn tháp nhà thờ, nhìn từ xa. Tôi đã thấm mệt. Sán Sủi kéo đến bên chảo thắng cố bốc hơi ngun ngút. Em tung tăng, gọi mời: Anh cùng em xuống chợ/Vui với bạn hết mình/Anh phải uống cho say/Để em được chăm sóc. Thế là tôi can pây (100%) đến ba cái gáo dừa, mắt tôi loong toong. Xung quanh tôi cũng có mấy chàng trai loong toong. Các cô gái vắt họ lên ngựa kéo về. Sán Sủi thì không có ngựa. Trên sườn non lúp xúp. Em để tôi dựa vào lưng mình. Chảo thắng cố dưới chợ đã cạn!

Phiên chợ Sa Pa.

Chiều. Sán Sủi thiếu ngủ gà gật, tay ôm bó cải mèo xanh mướt, nách cắp hai tấm thổ cẩm Hoàng Thu Phố. “Quà cho anh”. Tôi giở áo săm soi. “Sợi lanh luộc với tro “tống quán sủ”, ngâm chàm, củ nâu và lòng trắng trứng gà. Ra mồ hôi không bắt màu vào người”. Quý lắm mới tặng. Tôi chắc thế. Món này người xuôi không dễ mua, đồ tạp giờ nhiều, cả người Kinh lên bán cùng đồng bào.

Đường về bản “dài bằng tiếng sáo”.

… Đường về bản dài bằng tiếng sáo. Tôi mỏi nhừ chân, ba cây số lên núi. Sáo thổi không dứt. Sán Sủi huyên thuyên. Vài chị người Giáy dắt từng “tấm” lợn lôi sềnh sệch. Hàng ế. Qua con suối lưng bụng, có mấy đôi trai gái đang tắm. “Sao họ không ngại?”. Nghe tôi hỏi, Sủi phì cười: “Thế mới giống người Dao đấy”. Tôi lại hiểu thêm một “thói quen” của bà con. Người Mông thì rất chăm giặt, giữa trưa nắng xuống suối, sẵn sàng cởi quần áo giặt, ngồi trong bụi cây chờ khô, chứ nhất quyết không tắm. Người Dao ngày nào cũng tắm, nhưng quần áo chỉ đập chứ ít giặt.

*
*     *

… Ngày chủ nhật. Sa Pa vắng tanh. Con phố Cầu Mây nổi tiếng xa xưa đã không còn mây nữa. Dưới gầm cầu đan nhiều ván gỗ và phiến thép. Han gỉ. Nắng xế trát lên vẻ buồn cũ, hoang lạnh, lâu ngày vắng người qua lại. Tôi đi trên cây cầu đó, đến giờ còn nhớ lời nhà nhiếp ảnh Lê Hựu, hậu duệ cụ Lê Văn Lữu, đầu bếp đầu tiên tại khách sạn Phan-xi-băng: “Vậy là có người luôn nhớ đến Cầu Mây”. Và, điều đó giúp tôi tìm lại một chút vãng lai trên cao nguyên Lồ Suối Tủng, dẫu biết, chỉ là hoài cổ…

Theo KDPT