Nhà trình tường là kiến trúc tiêu biểu, đặc trưng xưa kia của người Dao Tiền xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Do đồng bào Dao Tiền thích sống trên núi cao nên làm nhà trình tường là thích hợp nhất. Vì trên núi cao nhiều gió, không thể làm nhà sàn như người Tày. Nhà trình tường lấy vật liệu tại chỗ, không phải khuân vác vất vả. Hơn nữa nhà ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Nói nôm na như các cụ người Dao Tiền là nó hợp phong thủy, đảm bảo các yếu tố để sống khỏe mạnh trên núi cao.

Xóm Tam Hợp có khoảng 80 hộ dân, 100% đều là dân tộc Dao tiền, sinh sống chủ yếu ở men sườn đồi núi cao với nghề trồng trúc sào, dong riềng, ngô, chăn nuôi gia cầm và gia súc nhỏ lẻ. Hầu hết, bà con nơi đây vẫn giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc nhà trình từ xa xưa truyền lại.

Nhà trình tường của người Dao tiền ở xóm Tam Hợp, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) là ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng đất nện dày. Nhà trình tường sử dụng đất sét sẵn có tại bản địa giúp tiết kiệm tiền, lại ấm về mùa đông, mát về mùa hè nên vẫn được người Dao Tiền lựa chọn xây dựng. Để xây dựng một căn nhà trình tường thì mất khoảng hơn 1 tháng, với trên 10 nhân công làm việc liên tục. Người Dao Tiền có tính cộng đồng rất cao, nên một gia đình làm nhà thì các hộ trong bản đều đến giúp làm nhà. Mỗi nhà một người, họ giúp nhau nhiều ngày liền, từ san đất làm nền nhà đến trình tường, làm khung lợp mái. Người dân trong bản đã giúp nhau làm những ngôi nhà trình tường vững chắc với thời gian. Cách làm nhà trình tường của người Dao Tiền khá đặc sắc. Để làm được một ngôi nhà trình tường vững chắc, thì phải tỉ mẩn từ khâu làm móng nhà. Thông thường, móng nhà được đào sâu khoảng 1 mét rồi kè bằng đá kết hợp với chất kết dính là đất trộn nhuyễn lên cao hơn mặt sân khoảng 40 – 60 cm. Còn vật liệu chính để làm tường nhà là đất sét, đất cao lanh hay đất thịt dưới chân núi đá , có nhiều ở huyện Nguyên Bình. Bước tiếp là tạo khuôn bằng gỗ, rồi cào đất núi đã chọn vào thúng, sàng đổ vào khuôn gỗ ván, cầm chày gỗ thay nhau giã đến khi đất kết dính với nhau, tháo khuôn ra không rơi mới được. Khâu lấy đất khá quan trọng, đất sét mịn, có độ dẻo vừa phải, đất khô, không được ướt; rồi đổ vào khuôn và trình thật mạnh, tạo sự kết dính. Sau đó sẽ tháo khuôn và làm phẳng mặt tường. Không quá phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều công sức và khối lượng đất khá lớn.

Bên ngoài tường mài nhẵn, giã đất mịn, trơn và quét lớp vôi tạo nên màu trắng trang nhã cho ngôi nhà. Mái nhà được lợp ngói âm dương. Cạnh nhà là tường rào đá cao nửa người, chủ yếu để phân tách đất nhà với vùng đất đồi nương phía bên ngoài. Nhà trình tường được xây bao bọc kín đáo không giống nhà sàn hay nhà dựng bằng gỗ, vào mùa hè ở bên trong rất mát mẻ vì có hệ thống thông gió, cách nhiệt còn mùa đông lại rất ấm áp. Vào những ngày mùa đông lạnh, nhiệt độ rất thấp, gió lạnh, sương giá rét buốt nhưng khi bước chân vào ngôi nhà, cái lạnh giá bị để lại sau cánh cửa. Có được điều này, theo bà con chính là nhờ bức tường nhà được đắp đất trung bình từ 40-45cm, có tác dụng cản gió và giữ ấm cho ngôi nhà.

Tất cả nhà trình tường của người Dao Tiền đều được xây dựng theo mẫu chung như trên nên nhà nào cũng giống nhà nào, không đa dạng phong phú về kết cấu, kiến trúc, nội thất như nhà ở tại các đô thị và làng quê khác nên rất khó để nhận biết bằng mắt thường xem gia đình nào có điều kiện kinh tế tốt hơn. Một điểm chung của nhà trình tường là tất cả được làm bằng đất. Các nhà nghiên cứu lịch sử và dân tộc học đều khẳng định: ngôi nhà của bà con là minh chứng cho sự sáng tạo và thích nghi với điều kiện môi trường ở vùng cao khắc nghiệt, thú dữ và kẻ xấu.

Theo ông Lý Tiến Hải – Phó chủ tịch xã Thành Công (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng ) chia sẻ: “Kỹ thuật làm nhà trình tường (nhà làm bằng đất) truyền thống của người Dao Tiền rất điêu luyện, độc đáo, đơn giản nhưng không kém phần tinh xảo, góp phần gìn giữ nguyên vẹn bản sắc dân tộc của cha ông để lại. Hầu hết bà con nơi đây vẫn gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc nhà trình tường từ xa xưa truyền lại. Để bảo tồn những ngôi nhà trình tường ở xóm Tam Hợp, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho người dân có ý thức bảo tồn vốn quý của cha ông để lại; hạn chế nâng cấp, tu sửa làm thay đổi kết cấu nguyên bản của ngôi nhà; giới thiệu, quảng bá và gìn giữ trang phục, phong tục tập quán của dân tộc Dao Tiền để phát triển du lịch, nâng cao mức sống cho người dân”.

Với những nét khác biệt với những mô hình nhà ở tại các làng quê Việt, nhiều du khách từ dưới xuôi đến với tỉnh Cao Bằng đều muốn tham quan, trải nghiệm và khám phá nét đẹp đặc sắc của những nhà trình tường.Nhà trình tường ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng sẽ mở ra tương lai du lịch bền vững cho vùng đất này. Khi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy thì chắc chắn du lịch cộng đồng sẽ phát triển.

Theo KDPT