(KDTT) – LTS: Để góp phần đưa công nghiệp sinh thái – kinh tế tuần hoàn (KTTH) từ xu hướng trở thành thực tiễn, ứng dụng khả thi trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp, khu kinh tế, Kinh doanh và Phát triển khởi đăng loạt bài nghiên cứu được rút ra từ Đề tài khoa học đầu tiên tại Việt Nam về vấn đề này.
Đề tài do PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng Đánh giá; ông Nguyễn Thiệu Anh – Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng làm Chủ nhiệm; ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Cty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền) làm đồng Chủ nhiệm. Đề tài vừa mới nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.
Sinh thái học công nghiệp được hình thành từ sự thay đổi một cách căn bản quan niệm về quản lý môi trường, xuất phát từ nhận thức về sự tương đồng trong vận hành giữa các hệ sinh thái tự nhiên và quá trình sản xuất công nghiệp cũng như tính bền vững của hệ sinh thái tự nhiên (Ehrenfeld, 1994). Quá trình sản xuất công nghiệp nói chung của các nước được vận hành như một hệ thống tuyến tính, bắt đầu bằng việc khai thác tài nguyên, xử lý, chế biến nguyên liệu đầu vào, sản xuất ra sản phẩm và cuối cùng tiêu dùng. Song hành với hoạt động sản xuất tồn tại việc xả thải ra môi trường những vật liệu, năng lượng dư thừa trong quá trình sản xuất (rác thải còn lại sau quá trình tiêu dùng nằm ngoài vòng tuần hoàn của sản xuất nên sẽ không được xem xét đến trong lý thuyết STCN thuần túy). Sự tuần hoàn trong sản xuất được hình thành như một giải pháp để hạn chế sự lãng phí tài nguyên và giúp giảm thiểu xả thải. Theo đó, mọi đầu ra (gồm cả các chất/rác thải) sẽ được quay trở lại quá trình sản xuất để trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào.
Hệ thống công nghiệp tuần hoàn khép kín được đề cập lần đầu bởi Barry Commoner (1971) khi ông thiết lập các “quy luật” sinh thái trong hoạt động của con người. Commoner đề xuất các nguyên tắc đối với hệ thống công nghiệp bền vững tương tự hệ thống sinh thái công nghiệp hiện nay. Các nguyên tắc này bao gồm: (i) Công nghiệp là hệ thống có sự liên quan chặt chẽ giữa khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và phát thải; (ii) Cần nắm bắt chu trình vất chất thông qua phân tích vòng đời đối với sản xuất công nghiệp; (iii) Hệ sinh thái tự nhiên là hiệu quả nhất về sử dụng tài nguyên và năng lượng; (iv) Khép kín vòng vật chất và tối thiểu hóa việc sử dụng năng lượng thông qua việc thu hồi, tái chế và tái sử dụng (Nguyễn Đình Chúc, Trần Duy Đông, 2020).
Nhiệm vụ căn bản của STCN là hài hòa giữa đầu vào và đầu ra các hoạt động sản xuất công nghiệp của con người với những giới hạn của sinh quyển. Với cách tiếp cận hệ thống và toàn diện, STCN là một trong những nền tảng cho ngành công nghiệp phát triển bền vững vì một xã hội bền vững.
Nguyên tắc của STCN, bao gồm: (1) Hướng tới không có chất thải; (2) Thân thiện môi trường; (3) Chuyển hóa vật chất công nghiệp (có cái nhìn tổng thể về dòng nguyên liệu và năng lượng); (4) Quản lý bền vững và cân bằng giữa sản xuất công nghiệp và bảo vệ môi trường; (5) Xây dựng và khai thác thông tin; (6) Khép kín các chu trình; (7) Thay đổi nhận thức về quan hệ công nghiệp và môi trường; và (8) Đảm bảo thông tin chính xác (phản hồi của tự nhiên) và có giá cả đúng (hạch toán xanh).
Đặc tính của STCN gồm: (1) sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng; (2) thực hiện cộng sinh công nghiệp, trong đó các chất thải và phế phẩm công nghiệp được tái sử dụng và làm đầu vào cho quá trình sản xuất công nghiệp; và (3) đảm bảo sự đa dạng và linh hoạt và giảm thiểu các tác động tiêu cực trước những cú sốc do bất cân bằng về cung/cầu vật liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất công nghiệp.
Theo đó, mục tiêu của STCN là: (1) Tối ưu hóa nguyên liệu (ít chất thải); (2) Tối ưu hóa năng lượng; và (3) Tối ưu hóa vốn (con người và tài chính). Về bản chất, Sinh thái học công nghiệp là hệ thống khép kín, tương tự hệ sinh thái tự nhiên với 6 đặc trưng: (1) Tương tự như hệ sinh học; (2) Quan điểm hệ thống; (3) Thay đổi về công nghệ; (4) Vai trò của các công ty; (5) Giảm sử dụng nguyên vật liệu và hiệu quả sinh thái; và (6) Luôn phát triển (Lifset et al, 2002). Mục tiêu cuối cùng của hệ thống lý thuyết STCN là không làm phát sinh (hoặc giảm thiểu) ô nhiễm môi trường qua việc xả thải từ quá trình sản xuất và tiêu dùng. Với STCN, sự hiệu quả và tính bền vững của hệ thống sản xuất công nghiệp của con người được đặt trong mối tương quan với hệ sinh thái tự nhiên (Murray, 2009).
Trong thực tiễn, ứng dụng STCN thiết thực nhất chính là việc chuyển đổi các Khu công nghiệp sinh thái từ các KCN hiện hữu và thiết kế và xây dựng các KCNST mới. Sau này, hệ thống lý thuyết STCN dần được mở rộng, từ sự khép kín, tuần hoàn trong sản xuất được mở rộng cho cả hoạt động tiêu và cuối cùng được mở rộng ra ở quy mô toàn bộ nền kinh tế, hay nói cách khác là nền kinh tế tuần hoàn.
Thuật ngữ Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được đưa ra lần đầu trong loạt báo cáo “Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” xuất bản từ 2010 của Quỹ MacAthur. KTTH được định nghĩa là một mô hình công nghiệp mới, có mục tiêu loại bỏ rác thải – tác nhân gây hại đến môi trường. Mô hình này khác với mô hình kinh tế công nghiệp hiện tại mang đặc tính tuyến tính với việc sử dụng tài nguyên theo quy trình “khai thác – chế biến/chế tạo – thải bỏ”. Theo đó, “KTTH là một hệ thống công nghiệp được thiết kế và hoạt động với kỳ vọng có tính phục hồi hoặc tái tạo. KTTH thay thế khái niệm ‘cuối đời’ bằng khái niệm phục hồi, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại làm suy yếu việc tái sử dụng nhằm mục đích loại bỏ chất thải thông qua việc cải tiến thiết kế, cải thiện đặc tính của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và các mô hình kinh doanh” (Quỹ MacAthur, 2010, tr.7). Định nghĩa này nêu rõ KTTH mang tính phục hồi và loại bỏ rác thải thông qua thiết kế và qua các vật liệu, sản phẩm, thiết kế hệ thống tốt hơn, được kích hoạt bởi các mô hình kinh doanh sáng tạo. KTTH tập trung vào hiệu quả sinh thái hơn là hiệu suất sinh thái và tối ưu hóa toàn diện tất cả các thành phần. Theo đó, KTTH đặt trọng tâm vào thiết kế và tư duy hệ thống.
KTTH là mô hình mang tính dài hạn, có khả năng đảm bảo tăng trưởng kinh tế mà không gây áp lực lên việc tiêu thụ tài nguyên hữu hạn. KTTH mang lại cơ hội đổi mới trong tất cả các lĩnh vực và thay thế việc thải bỏ bằng việc phục hồi (Võ Văn Thiệp, 2010).
Tuy nhiên, khái niệm KTTH còn có nhiều định nghĩa khác tồn tại song song và chưa có sự thống nhất chung. Việc áp dụng KTTH ở các quốc gia cũng không được hiểu một cách thống nhất. Ở Nhật Bản và Đức, là hai quốc gia sớm triển khai khái niệm KTTH trên thực tế, cũng sử dụng hai định nghĩa khác nhau. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở việc xác định phạm vi liên quan đến chất thải và việc ngăn ngừa, tái chế, tái sử dụng các chất thải. Ở Hà Lan, khái niệm KTTH có thêm khía cạnh về sử dụng nguyên liệu thô có ít tác động hơn đến môi trường. Tại Trung Quốc, quốc gia đầu tiên trên thế giới thể chế hóa KTTH bằng quy định pháp luật, KTTH có định nghĩa rộng hơn, bao gồm các tài nguyên khác nằm ngoài các nguyên vật liệu và chất thải. Tại các quốc gia như Nhật Bản và Trung Quốc, vai trò của các bên liên quan được nhấn mạnh, bao gồm sự tham gia của tất cả các chủ thể, như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Mỗi quốc gia nhấn mạnh đến các khía cạnh khác nhau của KTTH, liên quan cả khía cạnh ngăn ngừa và tái sử dụng theo đặc thù và các kỳ vọng của mình vào việc cải thiện môi trường của nền kinh tế của mình. Trong khi Trung Quốc nhấn mạnh đến việc việc thúc đẩy công nghệ sạch và STCN thì Nhật Bản và Đức nhấn mạnh đến thiết kế sinh thái, còn Hà Lan nhấn mạnh đến về phương pháp quản lý chất thải và thay thế các tài nguyên không tái tạo bằng các tài nguyên tái tạo.
Ngoài khía cạnh mang tính ứng dụng, khái niệm KTTH còn xác định một khung khổ rộng lớn hơn, mang tính triết lý đối với việc tiếp cận phát triển bền vững. Trong khung khổ này, phát triển bền vững nằm ở vị trí bao trùm nhất, vừa mang tính triết lý, vừa ảnh hưởng đến phạm vi toàn xã hội.
Một khái niệm phổ biến có liên quan là phân tích vòng đời, vừa có chức năng là công cụ, vừa là khung khổ hướng dẫn thực hiện và bao gồm các bước thực hiện. Phân tích vòng đời được áp dụng chủ yếu trong việc xem xét hệ thống công nghiệp đặt trong một chuỗi giá trị. Nằm giữa các khái niệm, vừa có tính hướng dẫn với các bước thực hiện, và được áp dụng ở các quy mô khác nhau chính là STCN. Nằm trên những khái niệm mang tính công cụ hoặc khung khổ hướng dẫn hoặc các quy trình thực hiện và hướng tới phát triển bền vững là khái niệm KTTH. Điểm quan trọng của khái niệm KTTH là khả năng vươn đến phạm vi kinh tế toàn cầu và khả năng hoàn thiện khái niệm như là một khuynh hướng phát triển mang tính triết lý. Có thể nói, khái niệm và ứng dụng của sinh thái học công nghiệp hoàn toàn phù hợp với khái niệm KTTH. Với cách nhìn tổng thể, sinh thái học công nghiệp đóng vai trò thúc đẩy và hiện thực hóa KTTH. Sinh thái học công nghiệp khuyến khích các dòng năng lượng và vật chất giữa các doanh nghiệp công nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
KTTH là một khái niệm đa cấp độ, mang tính xã hội, có thể xem là một sự thay đổi hệ thống, một bộ công cụ mới, một ngành có khái niệm bao trùm. Nhiều yếu tố của KTTH đóng vai trò là những yếu tố thúc đẩy việc giảm thiểu ảnh hưởng của các doanh nghiệp/hoạt động sản xuất công nghiệp đến hệ sinh thái. Với cách tiếp cận như vậy, KTTH bao trùm cả sinh thái học công nghiệp và những khái niệm có liên quan của phát triển công nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường.
Nhiều nghiên cứu đã đưa ra các định nghĩa về KCNST. Nhìn chung các khái niệm dần dần được hoàn thiện theo thời gian cùng với sự phát triển và phổ biển của mô hình KCNST.
Bảng 1: Tổng hợp các khái niệm về khu công nghiệp sinh thái
Tác giả | Khái niệm KCNST |
Liên hợp quốc (1992) | KCNST là một chiến lược đầy hứa hẹn để thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững và cải thiện hiệu quả hoạt động môi trường của các ngành công nghiệp về mặt quản lý nguyên vật liệu, năng lượng và chất thải. KCNST mang lại lợi ích đáng kể cho không chỉ các thành viên tham gia mà còn cả khu vực xung quanh |
Lowe và cộng sự (1995) | KCNST là một cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ cùng tìm kiếm sự cải thiện trong hoạt động của mình đứng trên khía cạnh kinh tế và môi trường, thông qua sự kết hợp trong việc quản lý các vấn đề liên quan đến môi trường và tài nguyên bao gồm: năng lượng, nước và nguyên vật liệu. Bằng việc kết hợp với nhau, cộng đồng này tìm kiếm những lợi ích tập thể thay cho những lợi ích cá nhân có được bằng việc tối ưu hóa hoạt động một cách riêng lẻ. |
PCSD (1996) |
KCNST bao gồm một cộng đồng các doanh nghiệp hợp tác với nhau và với cộng đồng xung quanh để chia sẻ tài nguyên một cách hiệu quả (bao gồm thông tin, nguyên vật liệu, nước, năng lượng, cơ sở hạ tầng và môi trường tự nhiên), giúp tạo nên những lợi ích về kinh tế, chất lượng môi trường và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho cả doanh nghiệp cũng như cộng đồng địa phương. |
Cohen-Rosenthal (1996) | KCNST được xây dựng dựa trên khái niệm sinh thái công nghiệp với mục đích tăng hiệu quả kinh doanh cùng với giảm lượng khí thải và chất thải. |
Lowe (2001) | KCN sinh thái là một cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng dịch vụ chung trên một khu vực. Các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội thông qua việc hợp tác quản lý tài nguyên và môi trường. Nhờ sự hợp tác phối hợp với nhau, cộng đồng các doanh nghiệp tìm kiếm lợi ích chung lớn hơn tổng lợi ích riêng của từng doanh nghiệp khi tối ưu hóa hiệu suất từng doanh nghiệp của họ. |
Saikku (2006) | KCNST chú trọng đến việc trao đổi các nguồn nguyên vật liệu và tài nguyên giữa các công ty trong cùng địa phương cũng như giữa các khu vực. Nó tập trung vào việc khép kín vòng tuần hoàn của nguyên vật liệu và dòng chảy năng lượng tại các KCN. |
Heinz và cộng sự (2015) | KCNST là một tập hợp các doanh nghiệp cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên nhằm gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu các tác động tiêu cực với môi trường. Triển khai mô hình KCNST sẽ góp phần đáng kể trong việc xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững. |
UNIDO (2017) | KCNST được định nghĩa là một khu vực dành cho các hoạt động công nghiệp được xây dựng trên nhằm đảm bảo tính bền vững thông qua việc tích hợp các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường vào quá trình định vị, lập kế hoạch, vận hành, quản lý và ngừng hoạt động của nó. Thuật ngữ KCNST xanh được sử dụng cho các KCNST hoàn toàn mới và thuật ngữ KCNST nâu được sử dụng cho các KCN được chuyển đổi sang mô hình KCNST. |
Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (2018) | KCNST là KCN, trong đó có các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của doanh nghiệp. |
Tổng hợp lại, KCNST có thể được hiểu là KCN trong đó cộng đồng các doanh nghiệp bên trong liên kết với nhau để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. KCNST là một cộng đồng phát triển một cách hài hòa và thân thiện với môi trường và dân cư xung quanh. Để đạt được điều đó, các doanh nghiệp bên trong KCN không chỉ chia sẻ cùng các nguồn tài nguyên như nguyên vật liệu đầu vào, nước, chất thải, thông tin và nguồn lao động với nhau mà còn chia sẻ với cộng đồng và doanh nghiệp xung quanh (bên ngoài phạm vi của KCN). Một đặc điểm không thể thiếu của KCNST đó là hoạt động cộng sinh công nghiệp để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp. Theo đó, chất thải, phụ phẩm hoặc sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác.
Phát triển KCN đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư, công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và tạo việc làm cho lao động địa phương ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, với trình độ sản xuất không cao, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, việc tập trung phát triển KCN nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh là một lựa chọn đúng đắn của các quốc gia này. Đồng thời, việc tập trung các doanh nghiệp vào một khu vực giới hạn cũng giúp tăng cường liên kết sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các cụm ngành. Bên cạnh đó, việc xử lý các vấn đề xã hội và môi trường đối với các khu vực tập trung sản xuất kinh doanh với mật độ cao như KCN cũng thuận lợi và dễ dàng hơn.
Nhằm tăng tính bền vững của sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế và xã hội của các KCN thì mô hình KCNST đã ra đời. KCNST liên quan đến mức độ phối hợp, hợp tác giữa các ngành công nghiệp, hay “cộng sinh công nghiệp”, trong đó năng lượng và nguyên vật liệu sản xuất bởi một ngành công nghiệp được tiêu thụ như là đầu vào của ngành hay doanh nghiệp khác. Các ngành công nghiệp và quy trình trao đổi được xem như tương tác hệ thống chứ không phải biệt lập trong một hệ dòng chảy tuyến tính. Thông qua việc hợp tác này, các doanh nghiệp trong KCNST có thể giảm thiểu các đầu vào, sử dụng hiệu quả hơn nguồn năng lượng cho sản xuất, đặc biệt là việc áp dụng sản xuất tuần hoàn, góp phần giảm thiểu, hướng đến triệt tiêu, các loại rác thải trong quá trình sản xuất. Có thể nói, nhờ mối quan hệ cộng sinh KCNST có thể cải thiện hiệu suất môi trường, tăng lợi nhuận và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng (UNC, 2008).
Theo UNIDO (2017), mục tiêu và chức năng của KCNST bao gồm:
(1) Xác định cộng đồng có chung lợi ích và đưa cộng đồng đó vào KCN.
(2) Giảm thiểu tác động môi trường và dấu chân sinh thái bằng cách thay thế các chất độc hại, hấp thụ khí CO2, trao đổi đổi vật liệu và xử lý tổng hợp chất thải.
(3) Tối đa hóa sử dụng hiệu quả năng lượng qua thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất, sự đồng phát nhiệt điện và ghép liên tầng.
(4) Tiết kiệm các vật liệu qua thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất, tái sử dụng, phục hồi và tái chế.
(5) Kết nối hoặc tạo ra mạng lưới giữa các công ty với nhà cung cấp và khách hàng trong một cộng đồng lớn hơn có KCNST.
(6) Không ngừng cải thiện hiệu quả hoạt động môi trường của các doanh nghiệp riêng biệt và toàn bộ cộng đồng.
(7) Có hệ thống quy định cho phép linh hoạt đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đạt được mục tiêu hiệu quả.
(8) Sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường nhằm ngăn chặn chất thải và ô nhiễm.
(9) Sử dụng hệ thống quản lý thông tin để tạo thuận lợi cho dòng năng lượng và vật liệu trong quá trình sản xuất khép kín hơn.
(10) Tạo ra cơ chế đào tạo các nhà quản lý và nhân viên về những chiến lược, công cụ và công nghệ mới nhằm cải thiện hệ thống.
(11) Sắp xếp các hoạt động quảng cáo để thu hút khách hàng, tăng tỉ lệ lấp đầy KCN và bổ sung các lĩnh vực kinh doanh khác.
Phát triển KCNST ở Việt Nam dựa trên cơ sở lý thuyết sinh thái công nghiệp đóng góp trực tiếp vào chiến lược phát triển bền vững quốc gia với 3 trụ cột chính là kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, phát triển KCNST tại Việt Nam có vai trò:
Một là, giải quyết những tồn tại, hạn chế về lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường trong phát triển KCN hiện nay của nước ta như dưới đây:
Xét về khía cạnh kinh tế, việc phát triển KCN nảy sinh những dấu hiệu thiếu bền vững như: (1) Hệ số sử dụng đất thấp: Một số KCN gây lãng phí nguồn lực đất đai do thu hút đầu tư kém hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy thấp; (2) Tạo áp lực lên hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nhà ở cho người lao động; (3) Hầu hết các ngành kinh tế trong KCN có giá trị gia tăng thấp, dễ bị di chuyển, thay thế do sự thay đổi trong xu hướng đầu tư FDI (do các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hoặc di chuyển sang quốc gia khác có điều kiện ưu đãi tốt hơn); và (4) Mức độ lan tỏa, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong KCN với doanh nghiệp ngoài KCN còn hạn chế (hiện tại chủ yếu chỉ mới có các liên kết giữa các doanh nghiệp FDI trong KCN với nhau).
Về khía cạnh xã hội, sức khỏe và điều kiện làm việc của người lao động trong một số KCN chưa được bảo đảm, vẫn còn một bộ phận lao động có thu nhập chưa đủ sống. Theo kết quả khảo sát tại các KCN của Hưng Yên và Hải Phòng [29], việc cải thiện thu nhập của người lao động chưa bền vững khi bắt đầu xuất hiện tình trạng lao động thất nghiệp ở độ tuổi trên 35. Sự gia tăng lao động nhập cư làm việc trong các KCN cũng đặt ra thách thức về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, đặc biệt tại các địa phương có số lượng KCN lớn, thu hút nhiều lao động như Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… (Trần Thị Thanh Tú, 2017). Ngoài ra, đời sống của một bộ phận dân cư trở nên khó khăn hơn do bị thu hồi đất để phát triển KCN (ví dụ khảo sát việc phát triển KCN tại Trà Vinh, Hải Phòng, Hải Dương).
Trên khía cạnh môi trường, vẫn tồn tại việc phát triển KCN tập trung nhiều ở các khu vực môi trường dễ bị tổn thương, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn diễn ra tại một số KCN; một số KCN chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc đã đầu tư xây dựng nhưng hoạt động chưa/không hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, không khí, khói bụi tại một số KCN, nhất là các KCN cũ, nằm gần khu dân cư cũng là vấn đề cần quan tâm.
Hai là, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững chung của cả nước, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của doanh nghiệp. Phát triển KCNST góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển Việt Nam (VDG) và Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước. Đồng thời, việc phát triển KCNST sẽ góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của cả nước và bảo đảm xã hội. Phát triển KCNST là một giải pháp để thực hiện quy trình kinh tế khép kín (kinh tế tuần hoàn) theo khuyến nghị của UNIDO. Theo UNIDO, việc thực hiện quy trình này sẽ đóng góp 0,8% – 7% vào tăng trưởng GDP do tạo việc làm và cắt giảm chi phí, 0,3% – 3% việc làm tạo ra và giảm 8% – 70% lượng khí thải của một quốc gia (UNIDO, 2017a).
Bên cạnh các lợi ích rõ ràng về mặt môi trường sinh thái như sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải, KCNST cũng có thể mang lại nhiều lợi ích khác về kinh tế – xã hội, như tóm tắt trong bảng dưới đây:
Bảng 2: Lợi ích kinh tế – xã hội tiềm năng của KCNST
Lợi ích kinh tế |
Lợi ích xã hội |
· Tạo việc làm và thu nhập trực tiếp
· Tăng trưởng và đa dạng hóa xuất khẩu · Thu nhập ngoại hối · Giảm chi phí quản lý chất thải · Gia tăng cơ sở hạ tầng công nghiệp và dân sinh · Tiếp cận vốn đầu tư · Thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) · Tăng nguồn thu thuế · Gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp · Hội nhập với thị trường vùng, quốc gia và quốc tế · Tiếp cận với các hạn mức tín dụng môi trường · Giảm chi phí nguồn lực · Sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn · Tăng doanh thu thông qua marketing xanh và hình ảnh doanh nghiệp · Giảm chi phí sử dụng nước · Quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp · Tiếp cận các chứng chỉ môi trường · Tránh được tiền phạt do phát thải · Tăng thu nhập đầu người · Đáp ứng nhu cầu khách hàng · Giảm chi phí vận tải · Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư |
· Đào tạo nghề
· Đào tạo kỹ năng cho phụ nữ · Nâng cao nhận thức · Giáo dục môi trường · An toàn và sức khỏe nghề nghiệp · Chăm sóc lao động nữ nuôi con nhỏ · Tiện ích trường học và nhà trẻ · Dịch vụ tiêu dùng cho khách hàng · Các thiết chế tài chính · Không gian giải trí · Đưa đón nhân viên · Nhà thuốc · Nhà ở · Kết nối giao thông với xung quanh · Chuyển đối hình thái đất phù hợp hơn · Các dự án xóa khu ổ chuột |
Nguồn: UNIDO (2016)
Như vậy, việc phát triển KCNST ở Việt Nam là yêu cầu cấp thiết gắn với quá trình phát triển bền vững của cả nước. Phát triển KCNST cần được thực hiện đồng bộ trên cả 3 góc độ bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Mỗi quốc gia hiện đang nỗ lực xây dựng cho mình bộ tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái, việc hiểu rõ ý tưởng về bộ tiêu chí này là quan trọng, là định hướng khung để các KCN xây mới/ chuyển đổi KCN bám sát và thực hiện thành công từng bước trong tiến trình sinh thái hóa khu công nghiệp của mình.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc đưa ra khái niệm về KCNST theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về Quy định về quản lý KCN và KKT, Điều 42 của Nghị định đã đưa ra 8 tiêu chí cụ thể để một KCN được coi là KCNST, bao gồm:
Các tiêu chí này, dù kết hợp cả định tính và định lượng, vẫn bộc lộ một số nhược điểm. Thứ nhất, các tiêu chí có thể trở thành rào cản để KCN chuyển đổi sang mô hình KCNST bởi mối quan hệ cộng sinh công nghiệp phần lớn được hình thành một cách tự nguyện. Thứ hai, các tiêu chí này chưa chú ý tới tính hiệu quả. Chẳng hạn, có ít nhất 01 liên kết cộng sinh công nghiệp nhưng lại không nêu cụ thể mang hiệu hiệu quả kinh tế và tính lan tỏa mạng lưới cộng sinh như thế nào. Nói cách khác, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP mới chỉ là bước khởi đầu cho việc thể chế hóa và chính sách liên quan đến xây dựng, vận hành và phát triển mô hình KCNST.
Các nghiên cứu của IFC và UNIDO, MPI đã cố gắng xây dựng các chỉ tiêu chi tiết cho việc đánh giá KCNST ở Việt Nam. Trong khi nghiên cứu của IFC tập trung vào các chỉ tiêu về kỹ thuật và môi trường, thì nghiên cứu của UNIDO và MPI lại tập trung vào các chỉ tiêu kinh tế – xã hội (IFC, 2018b; UNIDO, MPI, 2019). Trên cơ sở 8 tiêu chí sơ tuyển KCNST, thống nhất với Nghị định 82/2018/NĐ-CP đã nêu trên, UNIDO và IFC đã đề xuất 20 chỉ tiêu kỹ thuật và môi trường, cùng với 20 chỉ tiêu kinh tế – xã hội nhằm đánh giá một cách toàn diện và xếp hạng các KCNST khi được hình thành ở Việt Nam. Để tóm gọn, báo cáo này tiếp thu và phân nhóm các tiêu chí cho KCNST như sau:
– Nhóm tiêu chí về tuân thủ luật pháp hiện hành: tuân thủ các quy định tối thiểu, báo cáo định kỳ, thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn
– Nhóm tiêu chí về kinh tế: giảm chi phí, tăng doanh thu; giảm tiêu thụ nguyên liệu, giảm tiêu thụ năng lượng
– Nhóm tiêu chí về môi trường: giảm lượng phát thải, giảm rác thải, cộng sinh công nghiệp
– Nhóm tiêu chí xã hội: lương/phúc lợi tăng, hạ tầng xã hội trong KCN
Sự hình thành, phát triển và vận hành một KCN nói chung và một KCNST nói riêng được thuận lợi, đạt mục tiêu hay không phụ thuộc vào sự tham gia của rất nhiều bên liên quan.
Theo Sổ tay hướng dẫn về KCNST của UNIDO (2017), các bên liên quan là các tổ chức hoặc nhóm cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng hoặc có thể tạo ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện KCNST. Bao gồm:
Theo đó, mỗi bên liên quan sẽ có những vai trò riêng biệt trong việc hình thành, phát triển KCNST. Để có thể phân định vai trò của từng chủ thể trong việc thúc đẩy thực hiện và đáp ứng các tiêu chí xác định KCNST, có thể phân thành 06 nhóm chủ thể chính sau đây liên quan trực tiếp tới sự hình thành và phát triển các KCNST:
Đối với Công ty phát triển hạ tầng KCN cần chủ trì triển khai các nhiệm vụ để đáp ứng 6/8 tiêu chí được quy định tại Nghị định 83 (trừ tiêu chí 3 và 5). Theo đó, trước tiên phải đảm bảo KCN chấp hành nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan trong thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh và các quy định về bảo vệ môi trường và lao động (tiêu chí 1). Tiếp đó, phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ liên quan theo quy định pháp luật (tiêu chí 2); đáp ứng yêu cầu cao hơn quy định hiện hành về tiêu chí sử dụng đất cho cây xanh, giao thông và hạ tầng dùng chung trong KCN (tiêu chí 4). Về mặt xã hội, có trách nhiệm tự triển khai thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp (tiêu chí 6). Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện giám sát đầu vào và đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng năng lượng, nước, các vật liệu sản xuất thiết yếu, quản lý hóa chất độc hại và có báo cáo hàng năm và thực hiện công bố rộng rãi báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và các đóng góp cho cộng đồng để các bên liên quan giám sát (tiêu chí 7 và 8).
Đối các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN cũng cần có sự nỗ lực thực hiện áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đồng thời tìm kiếm khả năng hợp tác với doanh nghiệp khác trong KCN để thực hiện các liên kết cộng sinh công nghiệp (tiêu chí 3 và 5).
Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước nơi có KCN ngoài việc thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan của KCN, còn đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong KCN trao đổi thông tin về công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đầu vào, đầu ra, phụ phẩm, chất thải, nước thải… để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thực hiện các liên kết cộng sinh công nghiệp.
“Cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu… trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thông qua hợp tác, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố phục vụ sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh” (Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ).
Theo lý thuyết về KCNST, “cộng sinh công nghiệp” là một phạm trù khoa học quan trọng. Cộng sinh công nghiệp (industrial symbiosis) (CSCN) là sự mô phỏng theo mô hình sinh thái tự nhiên về mối quan hệ cộng sinh nơi việc trao đổi chất và các nguồn lực của sinh vật diễn ra một cách tương hỗ. Việc mô phỏng sinh thái tự nhiên diễn ra trong các ngành công nghiệp theo cách tiếp cận tập thể để tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua trao đổi vật liệu, năng lượng, nước trong quá trình sản xuất tại các chủ thể của ngành công nghiệp là các doanh nghiệp (Chertow, 2000). Nói cách khác, CSCN là mô hình trao đổi sản phẩm phụ, chia sẻ cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ chung giữa các doanh nghiệp trong một khu vực địa lý nhất định. Việc hình thành các quan hệ cộng sinh diễn ra giữa tối thiểu ba thực thể với ít nhất hai loại nguồn lực khác nhau. CSCN có thể diễn ra trong các quan hệ như: trao đổi sản phẩm phụ giữa hai hay nhiều bên, thay thế cho sản phẩm thương mại hoặc nguyên liệu thô, chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung thường sử dụng cho năng lượng, xử lý nước thải hoặc chất thải rắn; và sử dụng các dịch vụ như chữa cháy, vận chuyển… (Chertow, 2007).
Đặc trưng CSCN là tập trung vào khu vực địa lý nhất định, trong đó các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới CSCN có thể được hưởng lợi từ việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo và giảm lượng phát thải gây ô nhiễm, giảm chi phí đầu tư cho sản xuất, quản lý chất thải, và từ tăng giá trị thu về do tăng dòng chảy của chất thải, cải thiện mối quan hệ với bên ngoài thông qua việc xây dựng hình ảnh sản xuất xanh, sản xuất và maketing mới, cũng như tạo thêm việc làm và nâng cao chất lượng công việc hiện tại.
CSCN là việc các tổ chức đa dạng trong một mạng lưới tham gia để thúc đẩy cải biến sinh thái và thay đổi văn hóa lâu dài, tạo lập và chia sẻ kiến thức nhằm mang lại lợi ích đa phương. Nói cách khác, mạng lưới CSCN là tập hợp chiến lược dài hạn về mối quan hệ cộng sinh giữa các hoạt động trong phạm vi khu vực nhất định liên quan đến trao đổi chất, năng lượng, kiến thức, nguồn lực con người và nguồn lực kỹ thuật, đồng thời mang lại những lợi ích về môi trường cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh (Mirata et al., 2005).
Có 5 loại hình CSCN được tổng kết trên thực tiễn triển khai (UNIDO, 2017a; Van Beers et al., 2007), đó là:
– Cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng: Sử dụng chung hạ tầng và tiện ích, chủ yếu trong lĩnh vực nước và năng lượng (ví dụ: tuần hoàn nước và đồng sản suất năng lượng).
– Cộng sinh nguồn cung và sắp đặt cùng vị trí các nhà cung ứng và khách hàng: Sắp đặt cụm các công ty ở cùng vị trí hay sắp xếp theo chuỗi cung ứng và giá trị (ví dụ: các nhà sản xuất, nhà cung ứng nguyên vật liệu thô, các cấu kiện, sản xuất các khách hàng kinh doanh).
– Cộng sinh phụ phẩm và trao đổi chất thải: Một công ty sử dụng các sản phẩm phụ trước mà (trước kia) một công ty khác thải bỏ (chất thải rắn, lỏng hay khí) đưa vào quá trình sản xuất thành một sản phẩm có giá trị.
– Cộng sinh dịch vụ: Chia sẻ các dịch vụ và hoạt động giữa các công ty và trong KCN (ví dụ: cùng đào tạo nhân viên hoặc cùng sử dụng một nhà thầu bảo dưỡng).
– Cộng sinh công nghiệp-đô thị: Mối liên kết cộng tác giữa các doanh nghiệp và các thành phố/đô thị trong việc thu gom, xử lý và tái sử dụng nguyên vật liệu, rác thải, năng lượng và nước.
Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển, các rào cản kỹ thuật dần biến mất thì quá trình triển khai CSCN có thể gặp một số rào cản phi kỹ thuật. Những rào cản này có thể là các quy định về môi trường, sự thiếu lòng tin giữa các doanh nghiệp, thiếu chia sẻ thông tin, hoặc các mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa các bên. Để có thể triển khai được quan hệ CSCN trên thực tế, cần xây dựng hệ thống thu thập và chia sẻ thông tin, phân tích các thông tin thu thập được. Đồng thời cũng cần xem xét và phân tích kỹ lưỡng lợi ích của các bên, nhằm phát hiện và thúc đẩy những lợi ích chung, hạn chế những mâu thuẫn lợi ích hoặc các khoản chi phí đối với các bên. Quá trình này cũng đòi hỏi việc tăng cường năng lực và nâng cao hiểu biết thông qua hợp tác giữa các bên (Mirata et al., 2005).
(Còn tiếp)
Bạn đang đọc bài Nghiên cứu cơ sở lý luận để tổ chức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái tại chuyên mục Kinh tế
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com
Theo KDPT