web analytics

Không liên kết, khó tham gia chuỗi cung ứng 17/12/2020

(KDTT) – Thiếu sự liên kết, thiếu thông tin thị trường cũng như thông tin về nhà cung cấp, sản xuất… chính là những trở ngại khiến doanh nghiệp (DN) Việt khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt khó chen chân chuỗi cung ứng

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), việc tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là cơ hội để các DN Việt có thể tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng chú ý, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), và khi phát triển ngành này, cơ hội tham gia vào sân chơi toàn cầu là trong tầm tay.

Nhà cung cấp phụ tùng phải đảm bảo chất lượng, lợi thế cạnh tranh về giá và thời gian giao hàng

Tuy nhiên, bà Trương Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) lại chỉ ra những thách thức. Cụ thể, DN không đáp ứng được giá theo yêu cầu của khách hàng. Nguyên nhân do chi phí đầu vào của DN rất cao, thuế phí, lãi vay ngân hàng cao, nên khó giảm giá thành để tạo sự cạnh tranh, tiếp cận được chuỗi cung ứng. Ngoài ra, DN cũng không đáp ứng được yêu cầu những đơn hàng, với quy mô sản lượng lớn. “Chính sách chưa tạo liên kết giữa các DN. Trong khi DN chỉ quen sản xuất linh kiện rời, thì khách hàng thường yêu cầu cụm linh kiện, vì vậy ít DN làm được” – bà Trương Chí Bình nêu cụ thể.

Theo đại diện của Toyota Việt Nam, hiện công ty này mới chỉ nội địa hóa được 26% với sự tham gia của 44 nhà cung cấp, trong đó chỉ có 6 nhà cung cấp là thuần túy Việt Nam. Việc phát triển nhà cung cấp gặp khó khăn rất lớn, bởi quy mô thị trường nhỏ, đơn cử một mẫu model xe ở Việt Nam chỉ có 4.000 xe, nhưng tại Thái Lan sản xuất quy mô gấp 5 lần.

Nỗ lực giúp doanh nghiệp vượt rào cản

Mặc dù còn nhiều hạn chế, song theo các chuyên gia, không có nghĩa là DN Việt không thể “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chia sẻ vấn đề này, ông Chu Trọng Thành – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Cao su Giải phóng – cho hay, khởi đầu DN đã đầu tư 500.000 USD và cung ứng được 3 triệu linh kiện mỗi năm. Tuy nhiên, sự nỗ lực không ngừng, liên tục cải tiến chất lượng, năng suất và kỹ thuật đã giúp DN vượt được rào cản tham gia vào chuỗi cung ứng. Đến nay, sau 16 năm công ty đã trở thành nhà cung cấp cho các khách hàng FDI với sản lượng 100 triệu linh kiện/năm.

Trước đó, ngày 6/8/2020, Chính phủ đã ban hànhNghị quyết 115/NQ-CP về thúc đẩy CNHT với các mục tiêu đề ra đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất công nghiệp tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chiếm 75% tiêu dùng công nghiệp nội địa và 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh thông tin, trong thời gian tới, việc thúc đẩy hiệu quả, kết nối DN, liên kết giữa các DN Việt Nam với các DN đa quốc gia và công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng.

Để phát triển ngành CNHT Việt Nam thời gian tới, giải pháp cần thiết là rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho DN CNHT phát triển; tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các DN FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo lan tỏa cho doanh nghiệp CNHT trong nước.

LAN ANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo link gốc: https://congthuong.vn/khong-lien-ket-kho-tham-gia-chuoi-cung-ung-149318.html