web analytics

Nâng tầm giá trị hàng Việt: Hình thành bộ tiêu chuẩn 23/04/2019

(KDTT) –  Để nâng tầm giá trị cho hàng Việt, TP. Hồ Chí Minh sẽ đề nghị hình thành bộ tiêu chuẩn cho nông sản Việt đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, thương hiệu… trong hệ thống tiêu dùng hiện đại; phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – cho biết, với mục tiêu mở rộng, nâng chất hàng Việt, giai đoạn I của Chương trình “Chắp cánh hàng Việt” được triển khai ở kênh phân phối hiện đại trong năm 2019. Theo đó, chương trình tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng giúp chuẩn hóa ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống, gồm: Rau, củ, quả, trái cây; thịt gia súc, gia cầm. “Đây là ngành hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, gắn với đời sống người dân cũng như hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân các địa phương. Nông dân ở các tỉnh cần “đầu ra”, thành phố cần nguồn cung ổn định và bảo đảm chất lượng. Làm tốt mục tiêu này, sẽ khẳng định giá trị thương hiệu nông sản Việt – tiền đề để vươn ra thế giới” – ông Hòa đánh giá.

                                        Hàng hóa trong hệ thống tiêu dùng hiện đại cần đáp ứng tiêu chuẩn

TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày tiêu thụ 1.000 tấn rau, củ; 1.700 con lợn; 40.000 con gà; 500 tấn trái cây… Tuy nhiên, hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay chưa quá 30%. Chương trình “Chắp cánh hàng Việt” đặt ra các tiêu chí: Thứ nhất, hàng hóa muốn đưa vào hệ thống phân phối hiện đại phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cao hơn nữa là hữu cơ. Thứ hai, hàng hóa phải truy xuất nguồn gốc. Thứ ba, hệ thống phân phối làm hạt nhân cho chương trình này và sẽ phát đi tín hiệu thị trường, định ra chuẩn hàng hóa; cam kết lượng hàng thu mua, khắc phục tình trạng mất cân đối cung – cầu; hàng hóa không đúng quy chuẩn sẽ bị loại ra khỏi hệ thống.

Tiến sĩ Trần Tiến Khai – Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh – chia sẻ, ở châu Âu, trước đây, các ông chủ bán lẻ không có sự đồng thuận trong tiêu chuẩn. Sau đó, cùng sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp này xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chung và áp dụng cho toàn bộ EureGAP – hiện thân của GlobalGAP. Theo ông Khai, đã đến lúc, các nhà phân phối kênh hiện đại hợp tác cùng DN để hình thành được bộ tiêu chuẩn dùng chung, không chỉ thỏa mãn yêu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu hàng Việt ra thế giới.

Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh – cho biết, qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, nhóm hàng công nghệ, hàng hóa qua chế biến của Việt Nam đã có chỗ đứng nhưng nhóm hàng nông sản thực phẩm chất lượng không đồng đều, chưa thực sự tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp – người làm ra thực phẩm tươi sống hiện nay thường gặp khó, đó là tình trạng sản xuất manh mún, thiếu thông tin thị trường dẫn đến phụ thuộc trong khâu tiêu thụ; hàng hóa tốt nhưng kém khâu bao bì và truy xuất nguồn gốc. “Nếu thực hiện thành công Chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, sẽ giải tỏa được những tồn tại này” – ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

Theo: KDPT