Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động, các nhà quản lý trong công tác đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và môi trường làm việc; thúc đẩy việc sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và phục hồi môi trường.

Tại hội thảo, đại diện từ các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận một số giải pháp trong việc giảm thiểu, loại bỏ nhựa sử dụng 1 lần; thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng và áp dụng các chính sách kinh tế môi trường. Cùng với đó, các đại biểu tập trung phân tích những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường, đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về an toàn, bảo vệ môi trường. Bởi đây là những vấn đề “nóng” trong công tác bảo vệ môi trường cần được giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội thảo

Về giải pháp để đảm bảo an toàn lao động, tại hội thảo, chuyên gia Hoàng Văn Vy, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, người lao động tại các doanh nghiệp chịu sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ chất lượng môi trường của doanh nghiệp do nguồn thải của doanh nghiệp. Nếu môi trường làm việc không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, từ đó dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động cao. Các doanh nghiệp nên sử dụng các giải pháp phòng ngừa là chính tiếp theo mới đến ứng phó và xử lý sự cố. Đơn cử như vụ việc ngày 18/7/2022 tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), 5 công nhân đã tử vong do hít phải khí độc trong quá trình vệ sinh các hố ga của một doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Gần đây nhất, ngày 2/3/2023 có 37 công nhân của Công ty TNHH HSTECH Vina tại Bắc Ninh bị ngộ methanol, trong đó 5 người bị tổn thương nặng phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai và 1 người tử vong. Điều này cho thấy công tác an toàn lao động và bảo vệ môi trường có sự tương quan, tác động trực tiếp với nhau. Công tác bảo vệ môi trường được thực hiện tốt thì an toàn lao động sẽ được đảm bảo.

Đại diện Cục An toàn môi trường trình bày thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả BVMT ngành Công Thuơng.

Theo đó, giải pháp để đảm bảo an toàn lao động, ông Vy cho rằng, các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại; có cảnh báo nguy cơ chất thải tác động xấu đến sức khỏe người lao động; tăng cường kiểm soát việc tuân thủ nghiêm túc các phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố cũng như phải nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo hộ lao động, các quy định về đảm bảo an toàn lao động tại các khu vực sản xuất…

Về giải pháp giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi nilong khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, Thạc sĩ Dương Thị Vân Anh, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, cần xây dựng các hướng dẫn, giám sát thực thi lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học và xây dựng mô hình thực thi quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với các loại bao bì, trong đó bao gồm cả bao bì nhựa. Trong đó, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân huỷ; bổ sung thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần phục vụ mục đích sinh hoạt; đánh thuế đối với các loại nhựa từ tài nguyên gốc (virgin plastics) để thúc đẩy tái chế nhựa. “Tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc giảm sử dụng túi nilông, thúc đẩy tiêu dùng các túi sử dụng nhiều lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại… làm việc với các nhà cung cấp để giảm bao bì nhựa hướng tới các bao bì thân thiện với môi trường,” Thạc sĩ Dương Thị Vân Anh cho hay.