Theo báo cáo của Alive & Thrive – Dự án tăng cường các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ thông qua việc tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện thực hành cho ăn bổ sung thì ở Việt Nam, cứ hai trẻ sinh ra thì một trẻ có mẹ không được hưởng chế độ nghỉ thai sản vì một lượng lớn lao động nữ ở khu vực phi chính thức chưa là đối tượng của chính sách này

Nguyên dân là do nhiều lao động nữ sẽ phải đi làm sớm để mưu sinh, dẫn tới hệ quả cai sữa sớm, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cũng như bệnh tật cho trẻ và mẹ. Không người mẹ nào đáng bị đặt trong tình huống phải lựa chọn giữa đảm bảo thu nhập hay đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con mình.

Ảnh minh họa.

Mặc dù chính sách thai sản của Việt Nam có rất nhiều điểm tiến bộ so với các quốc gia trong khu vực nhưng đối tượng thụ hưởng chính sách mới chỉ giới hạn trong khoảng 36% lao động nữ thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi đó Việt Nam là nước có tới 64% lao động nữ đang làm việc trong khu vực phi chính thức thuộc nhóm bảo hiểm tự nguyện.

Báo cáo của Alive & Thrive (2023) cũng cho thấy, hơn 800.000 trẻ trong số hơn 1,6 triệu trẻ sinh ra mỗi năm có mẹ không được hưởng chế độ thai sản. Nhiều lao động nữ sẽ phải đi làm sớm để mưu sinh, dẫn tới hệ quả cai sữa sớm, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cũng như bệnh tật cho trẻ và mẹ. Không người mẹ nào đáng bị đặt trong tình huống phải lựa chọn giữa đảm bảo thu nhập hay đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con mình.

Bà Vũ Hoàng Dương, Chủ tịch Nhóm Công tác về Dinh dưỡng Việt Nam (SUN CSA Việt Nam) đánh giá: “Dự thảo Luật BHXH bước đầu đã có điểm sáng là bổ sung chế độ thai sản cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện với mức hưởng trợ cấp thai sản một lần là 2 triệu đồng cho một trẻ. Mức trợ cấp này còn thấp và không đủ đảm bảo bà mẹ vượt qua khó khăn khi sinh con.

Vì vậy, cần tăng lên mức tối thiểu 3,6 triệu đồng cho một trẻ (tương đương mức đang được đề xuất áp dụng với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) và lý tưởng hơn là 7 triệu đồng cho một trẻ (tương đương 3,5 tháng nghỉ thai sản được hưởng theo mức chuẩn nghèo thành thị).”

Tuy nhiên, với chính sách này, vẫn có tới 770.000 lao động nữ (87% lao động nữ khu vực phi chính thức) không có khả năng tham gia BHXH tự nguyện chưa được hưởng lợi. Do đó, theo Ông Nguyễn Anh Vũ, Đồng chủ tịch SUN CSA Việt Nam, trong tương lai chính phủ nên tính tới mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp thai sản này cho mọi phụ nữ sinh con bất kể có tham gia BHXH hay không.

Dự báo nhà nước sẽ cần chi khoảng 0,04% GDP vào năm 2020, giảm xuống 0,02% GDP vào năm 2030iv. “Chi phí cho chính sách vẫn thấp hơn tổn thất về sức khỏe người mẹ và trẻ em phải gánh chịu khi lao động nữ không được nghỉ thai sản và duy trì bú mẹv được ước tính là 0,54% GDP (2 tỷ đô la) mỗi năm.”

Đối với lao động nữ đang làm việc tại khu vực chính thức, để đảm bảo việc thực hiện chính sách thai sản theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2016, doanh nghiệp cần tăng cường thực thi quy định về phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Theo Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kể từ khi Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (01.01.2021) trong đó quy định rất rõ việc doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc, đặc biệt yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp từ 1.000 lao động nữ trở lên, số lượng phòng vắt, trữ sữa đã tăng gấp rưỡi, từ 815 phòng vào cuối năm 2019 lên 1.379 phòng vào giữa năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đánh giá: “Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song về cơ bản, các doanh nghiệp trên 1.000 lao động nữ đã tuân thủ các quy định về lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã nhận thức được rằng đây không chỉ là việc làm có ý nghĩa nhân văn cho thế hệ tương lai mà cũng là cách để giữ chân lao động nữ sau nghỉ thai sản. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp có chính sách thai sản tốt có tỷ lệ giữ chân lao động cao gấp đôi và tỷ lệ hài lòng lao động cao gấp ba lần doanh nghiệp khác.”

Ông Roger Mathisen, Giám đốc Alive & Thrive khu vực Đông Á Thái Bình Dương chia sẻ: “Phòng vắt trữ sữa là một trong ba cấu phần để đảm bảo xây dựng thành công môi trường làm việc thân thiện với lao động nữ nuôi con nhỏ. Chúng tôi đã bắt đầu nhận được “đơn đặt hàng” từ những tập đoàn dệt may, chế biến nông sản lớn thế giới để thực hiện hai cấu phần còn lại. Đó là đánh giá tuân thủ và đào tạo tổng thể để các doanh nghiệp và nhà máy thuộc chuỗi cung ứng của họ ở Việt Nam đạt được tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), và đặc biệt thân thiện với lao động nữ. Khi người lao động có kiến thức đúng và được ủng hộ bởi môi trường làm việc thân thiện, tỷ lệ sử dụng hiệu quả phòng vắt trữ sữa và duy trì nuôi con bằng sữa mẹ mới tăng thực chất và có nhà máy tăng tới 30 điểm phần trăm trong vòng một năm.”

Ông Sean Farrell, Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam phát biểu: “Cải thiện dinh dưỡng luôn là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động song phương của Ireland tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng chính phủ và các đối tác tại Việt Nam để xây dựng một chính sách thai sản ngày càng toàn diện và thúc đẩy hỗ trợ tại nơi làm việc, bởi những điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc cải thiện sức khỏe thể chất cũng như tinh thần cho lao động nữ và con của họ.”

Theo KDPT