web analytics

Lấy lĩnh vực khoa học công nghệ làm mũi nhọn hướng đến phát triển ngành nông nghiệp 25/01/2024

(KDTT) – Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Bên cạnh đó, cũng cần thêm những chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Đảng, Nhà nước

Ngày 16/1/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký ban hành Quyết định 296/QĐ-BNN-KHCN về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, phát triển KH&CN và ĐMST là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; phù hợp với định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm của Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; chủ yếu dựa trên cơ sở nâng cao nhanh tiềm lực nghiên cứu và chuyển giao trong nước; tiếp thu thành tựu KH&CN nước ngoài, chú trọng công nghệ nguồn, công nghệ lõi, thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Lấy lĩnh vực khoa học công nghệ làm mũi nhọn hướng đến phát triển ngành nông nghiệp
Ảnh minh họa

Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, đổi mới về tổ chức, cơ chế, chính sách để phát huy tối đa tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KH&CN, các tổ chức KH&CN công lập; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo ngành, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu. Đồng thời, thu hút các thành phần kinh tế tích cực tham gia phát triển KH&CN và ĐMST và dịch vụ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về KH&CN và ĐMST trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, cập nhật, tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới của thế giới.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chiến lược đến năm 2030 là: Nâng cao đóng góp của KH&CN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ của các tổ chức KH&CN công lập và khu vực tư nhân. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%; Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật…, được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ.

Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030; Hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thu hút nguồn lực đầu tư cho KH&CN

Về vấn đề thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. “Khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu dựa vào Ngân sách Nhà nước, chiếm khoảng 70% đến 80% tổng đầu tư cho khoa học công nghệ. Đến năm nay, đầu tư cho khoa học công nghệ từ Ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng, với tỷ lệ tương ứng là 52% và 4,8% trong giai đoạn đến năm 2030. Cần phấn đấu tỷ trọng này là 30, 70 như trung bình của các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến”, ông Đạt kiến nghị.

Về Quỹ phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu quan điểm, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2015-2021 có tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập quỹ với tổng số tiền hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, số sử dụng trên 14.000 tỷ đồng chiếm khoảng 60%. “Có thể thấy rằng, số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập quỹ khá khiêm tốn. Chỉ một số doanh nghiệp lớn như Viettel, PVN, VNPT… có khả năng trích lập quỹ với số tiền tương đối lớn. Về việc trích lập và sử dụng quỹ hiện nay có vướng mắc, khó khăn”, ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 03 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2022 để hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp. Thông tư này đã bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không đúng với tinh thần, tôn trọng vai trò tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động quyết định hướng nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó việc tổ chức quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ tại doanh nghiệp sử dụng quỹ này.

Doanh nghiệp KHCN trong thời gian vừa qua cũng có bước phát triển hình thành từ các tổ chức KHCN công lập, từ các viện trường, hình thành một lực lượng doanh nghiệp mới, ứng dụng kết quả nghiên cứu ứng dụng KHCN mới vào sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm mới. Lực lượng này chưa nhiều như chúng ta mong đợi, cũng do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác nhau, nhưng bước đầu cũng khẳng định được hướng đi trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu là đúng đắn. Và nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư đáng kể nguồn lực để tạo ra sản phẩm nguồn lực mới từ các viện trường chuyển giao, và điểm này là dấu hiệu đáng mừng để các viện trường gắn với thị trường, và gắn những kết quả nghiên cứu của mình phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của các doanh nghiệp và của kinh tế – xã hội./.