web analytics

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2020)
Tháng 5, mùa Sen… 14/05/2020

(KDTT) – Cứ mỗi dịp tháng 5 về, hoa sen lại bắt đầu nở rộ nơi quê nhà của Bác ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An như để nhắc nhở chúng ta cùng nhớ về Ngày sinh của vị Cha già dân tộc.

Kim Liên những ngày tháng 5, thơm ngát hương sen, sau lũy tre xanh bình dị, dưới nếp nhà nhuốm màu thời gian là những kỷ vật gắn liền với quãng thời gian thiếu thời của Bác. Ngày 16-6-1957, Người về thăm quê hương Kim Liên (Nam Đàn). Hôm ấy, Người bận bộ ka ki, đi đôi dép cao su giản dị. Khi về đến quê, lãnh đạo xã mời Bác về nhà khách nghỉ, Bác cười đôn hậu: “Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà”.

Nói rồi Bác đi nhanh về hướng nhà mình. Mọi người đưa Bác đến trước một cái cổng, Bác bần thần dừng lại một hồi, rồi bất chợt nói: “Cổng ngày xưa ở chỗ kia”. Ngay bên cạnh cổng có ghi một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”, thấy vậy Bác quay sang mọi người, hóm hỉnh: “Đây là nhà của Cụ Phó bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”.

Bác đứng lặng ngoài sân một hồi rồi bước vào nhà. Người đứng trước bàn thờ gia tiên rồi nói với mọi người mà như nói với mình: “Hồi xưa nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa”…

Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: T.Liên

Dẫu thời gian đã qua hơn cả thế kỷ, vạn vật đổi thay, thì những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp và là tấm gương sáng cho những thế hệ sau tới nơi đây. Đó là giếng Cốc, cây đa, đền làng Sen, nhà thờ họ Nguyễn Sinh…

Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, là một niềm vinh dự với gia đình, họ tộc và cả làng Sen. Dân làng Sen đã dựng một ngôi nhà gỗ mái tranh 5 gian để đón vị Phó bảng vinh quy bái tổ. Cả gia đình đã từ làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ) trở về sống tại làng Sen. Ngôi nhà này đã gắn với tuổi thơ Bác Hồ từ năm 1901 đến năm 1906 (trước khi theo cha vào Huế). Đó là một ngôi nhà gỗ 5 gian, lợp mái tranh, nhỏ bé, mộc mạc, giản dị dưới màu xanh của vườn cây và những bóng tre.

Ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã gắn bó với một giai đoạn quan trọng đầy ý nghĩa thời niên thiếu của cuộc đời Bác Hồ, từ năm mười một tuổi đến mười sáu tuổi. Ngôi nhà là những ân tình làng xóm quê hương, là nơi chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành, là nơi ghi dấu cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc của Bác, để rồi trở thành bước tiền đề cho con đường cứu nước sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quê hương đã kiến tạo nên nhân cách, khát vọng và hoài bão của Người. Từ cánh võng đơn sơ đến lời ru của mẹ, từ căn nhà hàng xóm đến lời dạy của cha, từ con ngõ quanh co đến vách nhà bình dị, từ căn bếp đơn sơ đến những chuyện bị đày đọa của dân làng… Ở đâu người ta cũng có thể tìm thấy và cảm nhận được những yếu tố tác động và kết tinh nên những phẩm chất trong con người Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Ngày 9-12-1961, lần thứ 2 Người về thăm quê và cũng là lần cuối cùng. Những bờ tre, hàng dâm bụt, căn nhà thân thương cùng bà con Nam Đàn không bao giờ được đón Bác về nữa… Năm nào cũng vậy, tháng 5 như một thời khắc đặc biệt để một lần nữa nhắc nhớ ngày “từ làng Sen sinh ra một người con chí lớn”. Mỗi người dân về với quê Bác, là một câu chuyện khác nhau, mang trong mình suy nghĩ, cảm xúc riêng. Nhưng tất thảy, đều có chung một niềm kính yêu, ghi nhớ những hi sinh của người Lãnh tụ vĩ đại dành cho dân tộc, đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã hiến trọn cuộc đời mình cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam. Công lao của Bác dành cho đất nước là vô cùng to lớn. Vậy mà cuộc sống của Người giản dị, thanh bạch đến không ngờ. Về thăm quê Bác, thấy các đồ dùng, vật dụng trong nhà như: Tấm phản gỗ, chiếc võng gai, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen, cái chạn bát bằng tre… trong ngôi nhà đơn sơ ấy, ai ai cũng cảm thấy thấm thía cuộc đời của Bác thật giản dị, thanh cao. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn”. Chính sự giản dị và khiêm nhường ấy đã làm nên một Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, một nhà tư tưởng lớn.

Tháng Năm nhớ Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta lại hơn lúc nào hết, tiếp tục nêu cao nhận thức, tạo chuyển biến trong tư tưởng và hành động quyết liệt để học và làm theo Bác nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước, để nước Việt Nam ta vững vàng bước đi trên con đường mà Bác đã chọn.

Theo phapluatxahoi.vn