web analytics

Khơi dậy tiềm năng ngành công nghệ vật liệu 20/01/2021

(KDTT) – Là một trong những điều kiện cần thiết để phát triển nền công nghiệp hiện đại, đáp ứng yêu cầu thời đại, đặc biệt đối với quốc gia đang trên đà hội nhập như Việt Nam, ngành công nghệ vật liệu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các thị trường sản xuất. Việc phát triển và làm chủ công nghệ vật liệu, nhất là vật liệu công nghệ cao là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển của đất nước. 

Nhân tố không thể thiếu

Những năm đầu của thế kỷ XXI, nhân loại được chứng kiến nhiều biến đổi sâu rộng của thế giới, nhất là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng KHCN hiện đại, mà đặc trưng là các ngành công nghệ cao như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới – công nghệ nano, công nghệ năng lượng mới, công nghệ hàng không và vũ trụ,…

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có về phát triển công nghiệp, nhưng việc có thể chủ động đón nhận và tận dụng được cơ hội này hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của ngành công nghệ vật liệu. Lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Việt Nam có tỷ trọng lớn về đổi mới công nghệ, cơ bản đáp ứng thị trường trong nước và một phần xuất khẩu. Năm 2019, công suất sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính đạt 98 triệu tấn xi măng, 610 triệu m2 gạch gốm ốp lát, 27 triệu sản phẩm vệ sinh,… Từ một nước nhập khẩu xi măng, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tầm vóc lớn trong cộng đồng quốc tế về xi măng. Kính tiết kiệm năng lượng low-e, gạch bê tông nhẹ ACC được nghiên cứu phát triển, lắp đặt dây chuyền sản xuất thành công.

Song song với đó, trong hoạt động nghiên cứu KHCN, công nghệ vật liệu mới luôn là hướng nghiên cứu ưu tiên. Có thể kể đến công trình “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vật liệu ống nano cacbon” của GS.TS Phan Hồng Khôi và cộng sự Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện KH&CN Việt Nam, đã nghiên cứu thành công thiết bị và công nghệ chế tạo ống cacbon nano với quy mô lớn, đầu tư ban đầu thấp, chế tạo được vào nhiều lĩnh vực khác nhau như trong cao su bạc tự bôi trơn cho các thiết bị bơm nước công suất lớn, ứng dụng vào kỹ thuật mạ Cr, Ni nhằm tăng độ cứng và khả năng chống mài mòn. Hay công trình “Kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm công nghệ bê tông cốt phi kim, thành mỏng, khối rỗng, liên kết module” hồi tháng 8/2020 của ông Hoàng Đức Thảo và các cộng sự thuộc Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam đã góp phần phát triển đồng bộ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ, mỹ thuật trùng tu, tôn tạo công trình di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Được biết, công nghệ sản xuất cấu kiện kè hồ Hoàn Kiếm là công nghệ bê tông đúc sẵn cốt sợi, không dùng thép nên chống được thấm, chống ngấm, chống ăn mòn, được đúc sẵn tại nhà máy, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đồng đều.

Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo – TGĐ Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam tại công trình kè hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tại hội thảo “KHCN và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ngành công nghiệp vật liệu. Theo Bộ trưởng, công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là một trong 4 công nghệ cao được ưu tiên phát triển trong bối cảnh nhu cầu vật liệu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng cao, và là cơ hội tất yếu để đạt tới trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; và việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu được coi là nền tảng cơ bản để làm chủ sản xuất công nghiệp.

Gìn giữ khát vọng làm chủ công nghệ

Nhu cầu về vật liệu trong các ngành sản xuất cũng giống như nhu cầu thực phẩm cho sự sống của con người. Tuy nhiên, khoa học và phát triển công nghệ lĩnh vực vật liệu tại Việt Nam vẫn đang gặp phải một số tồn tại như: đa số các kết quả nghiên cứu mới dùng ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn; một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu chưa chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ;… Như vậy, để các loại vật liệu sản xuất trong nước thực sự trở thành nguồn nguyên vật liệu đầu vào chính cho các ngành công nghiệp sản xuất, cũng như đáp ứng được các mục đích sử dụng khác cho phát triển kinh tế – xã hội thì vẫn là một bài toán nan giải.

Sản phẩm đèn pha LED công suất 500W tản nhiệt cacbon nano của Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện KH&CN Việt Nam

Với xu hướng dịch chuyển và tái định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã và đang đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu trên thế giới, vì vậy giai đoạn 10-25 năm tới chính là thời cơ để Việt Nam bứt phá đổi mới sáng tạo ngành công nghệ vật liệu. KHCN cần tập trung phát triển, phát huy tiềm năng các nguồn tài nguyên sẵn có trong nước,  đồng thời việc khai thác và tận dụng vật liệu chỉ hiệu quả khi được áp dụng công nghệ, phương pháp kỹ thuật mới.

Bên cạnh đó, cần định hướng một số giải pháp, chính sách của chiến lược phát triển sản xuất các ngành công nghiệp vật liệu. Như đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghệ vật liệu kết hợp với các biện pháp khuyến khích huy động nguồn vốn từ các tổ chức sản xuất, hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước và các chương trình viện trợ quốc tế, đặc biệt là các chương trình viện trợ ODA (Hỗ trợ Phát triển Chính thức, là một hình thức đầu tư nước ngoài, thường là các khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài) cho công tác đào tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ vật liệu; tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển tiềm lực KHCN ở một số lĩnh vực KHCN vật liệu trọng điểm; củng cố và nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nhằm tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp các hoạt động nghiên cứu công nghệ vật liệu.

Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất công nghệ vật liệu mới, các dự án công suất lớn sử dụng công nghệ tiên tiến ở các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, về phát triển công nghiệp, về hạ tầng giao thông và gần thị trường tiêu thụ; các dự án sản xuất vật liệu sử dụng khối lượng lớn chất thải từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt; kết hợp việc sử dụng khoáng sản tự nhiên với việc sử dụng vật liệu tái chế.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT