web analytics

Khoa học công nghệ song hành cùng phát triển kinh tế – xã hội 02/11/2018

(KDTT) – Qua 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (30/10-01/11) về các vấn đề nóng được đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, cùng với các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã khẳng định, trong giai đoạn gần đây, bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, chủ trương từ Nghị quyết TW Đảng khóa XII, ngành KH&CN đã sát cánh cùng các ngành, các địa phương để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Khoa học công nghệ gắn kết thị trường

Bộ trưởng cho biết, nếu như trước đây khoa học công nghệ (KHCN) thường dùng khẩu hiệu “gắn với kinh tế-xã hội”, thì hiện nay, KHCN đã tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách theo yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các ngành, lĩnh vực. Sự chuyển hướng từ chính sách có thể thấy trong tinh thần các Nghị quyết và sự chỉ đạo của Chính phủ đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Theo Bộ trưởng, các chính sách đã được xây dựng và điều chỉnh để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ khi vay vốn, đầu tư hoặc đổi mới công nghệ. Các đầu tư cho nghiên cứu cũng tập trung phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, các chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp.

Không chỉ khai thác đội ngũ khoa học trong nước, các chính sách cũng mở để các chuyên gia có năng lực tại các nước tiên tiến đóng góp trí tuệ. Từ Nghị quyết Trung ương, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi 2013, Nghị định 40, 87 của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý để thu hút chuyên gia, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

Nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu toán cao cấp; hai trung tâm được công nhận của UNESCO về nghiên cứu cơ bản… đều đã tiếp cận được với trình độ quốc tế.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu điểm nhấn, lối tư duy theo phương thức hành chính đã dần được thay đổi. Các nghiên cứu đã theo đặt bài từ doanh nghiệp. Thực tế trả lời từ khu vực nông nghiệp, công nghiệp đã tạo ra các kết quả ứng dụng vào thực tiễn theo chuỗi giá trị. Điều này giúp khu vực nghiên cứu có doanh thu từ sản phẩm để tự chủ và phát triển, vừa tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nhà khoa học.

Những chuyển hướng không chỉ giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới mà đánh giá về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam cũng thay đổi. Năm 2018 Việt Nam tăng hai bậc, lên vị trí 45 trên 126 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng (cải thiện 14 bậc so với xếp hạng năm 2016).

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, đây chính là những gắn kết rõ nét từ thực tế trả lời.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh

Bên cạnh những thuận lợi, Bộ trưởng cũng trăn trở về việc thiếu vắng các nhà khoa học đầu ngành đảm nhiệm các nhiệm vụ trọng điểm Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua Bộ KH&CN cũng tập trung cao độ những chính sách thiết thực nhất trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, đã có gần 100 nhóm nghiên cứu từ các quốc gia trên thế giới cùng phối hợp với các nhóm nghiên cứu trong nước, sẵn sàng đem công nghệ từ các quốc gia tiên tiến để chung sức giải quyết các vấn đề của thực tiễn trong nước.

Nêu ví dụ về việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra khắp thế giới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời để định hướng phù hợp với một quốc gia đang phát triển. Năm 2017, Chỉ thị 16 của Thủ tướng về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã chỉ rõ từ nhận thức đến hành động của các bộ, ngành, địa phương để tận dụng được cơ hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gây ra.

Bộ trưởng đã lấy dẫn chứng việc ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thành công thông qua việc sử dụng công nghệ BIM trong lĩnh vực xây dựng để thiết kế, thi công, vận hành các công trình cao tầng. Tương tự như vậy trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, trong nông nghiệp và y tế cũng đã minh chứng được hiệu quả bước đầu.

Vị trí của khoa học công nghệ ở mức cao

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vị trí của KH&CN Việt Nam so với thế giới, Bộ trưởng đã nêu đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thông qua xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam hiện đang ở vị trí dưới 50, điểm số xếp hạng cao hơn nếu so với trung bình của các chỉ số khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Và để có được kết quả nêu trên thì không chỉ là nỗ lực của riêng ngành KH&CN mà còn là sự song hành của các chính sách đầu tư, chính sách kinh tế.

Liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời để định hướng phù hợp với một quốc gia đang phát triển. Năm 2017, Chỉ thị 16 của Thủ tướng về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chỉ rõ từ nhận thức đến hành động của các bộ, ngành, địa phương để tận dụng được cơ hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gây ra.

Bộ trưởng đã lấy dẫn chứng việc ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thành công thông qua việc sử dụng công nghệ BIM trong lĩnh vực xây dựng để thiết kế, thi công, vận hành các công trình cao tầng. Tương tự như vậy trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, trong nông nghiệp và y tế cũng đã minh chứng được hiệu quả bước đầu.

Tuy nhiên so với kỳ vọng thì cần thêm rất nhiều sự chung tay của tất cả các ngành, các địa phương để cùng với cộng đồng khoa học tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch của ngành KH&CN trong những chặng đường sắp tới.

“Chúng tôi xin tiếp tục được lắng nghe, tiếp thu, tiếp cận những phản hồi thông tin để làm sao cho tính phục vụ của khoa học ngày càng sát hơn với thực tiễn, và chắc chắn cùng với kết quả của các ngành và địa phương, KH&CN sẽ tác động mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Ngọc Trâm
Nguồn KDPT