web analytics

Covid-19 tác động thế nào đến phụ nữ mang thai? 21/08/2020

(KDTT) – Một cuộc khảo sát nhỏ cho thấy mức độ căng thẳng ở phụ nữ mang thai đã tăng gấp ba lần kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. 

Trong cuộc khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu do Covid-19 gây ra, Alisha Bradshaw ở Brandywine, Maryland – một phụ nữ 44 tuổi đang mang thai chia sẻ những lo lắng về sức khoẻ của thai nhi cũng như tâm lý của chính mình. Cô đã có đứa con đầu lòng vào mùa hè năm 2016, khi một vết muỗi đốt duy nhất có thể đồng nghĩa với việc lây truyền Zika – một loại vi-rút được biết là gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

Alisha Bradshaw và con trai của mình. (Ảnh: Nbcnews).

Bốn năm sau, Bradshaw mang thai đứa con thứ hai. Lần này, là trong đại dịch Covid-19. Trong khi một tuýp thuốc chống côn trùng giúp cô có biện pháp kiểm soát để bảo vệ khỏi Zika, thì Covid-19 khiến cô không biết nên làm gì khi mà chưa có vắc-xin. Bradshaw nói: “Có rất nhiều điều chưa biết. Bạn chỉ không biết ai mắc bệnh và ai không. Bạn có thể thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giữ an toàn cho gia đình mình, nhưng bạn không biết ai là người đang nhiễm bệnh cả”.

Không giống như Zika, không có bằng chứng nào cho thấy nhiễm Covid-19 trong thai kỳ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi đang lớn. Nhưng rõ ràng có một sự căng thẳng trong tâm lý những người mẹ khi mang thai trong thời kỳ đại dịch.

Charles Nelson – giáo sư nhi khoa và khoa học thần kinh tại Trường Y Harvard và Bệnh viện Nhi Boston, cho biết: “Có rất nhiều tài liệu đồng ý với quan điểm cho rằng các tác nhân gây căng thẳng trong thai kỳ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của thai nhi”.

Nelson giải thích rằng trong thời gian cùng cực, cơ thể giải phóng một dòng hormone vào máu. Những hormone căng thẳng, bao gồm cortisol, có khả năng vượt qua hàng rào nhau thai giữa mẹ và con. Một số vùng não của thai nhi khá dễ tiếp nhận với các hormone căng thẳng. Một trong những khu vực đó là hồi hải mã, có vai trò chính trong học tập và trí nhớ. Một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay trên tạp chí JAMA Pediatrics cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong não bộ của thai nhi đang phát triển ở những phụ nữ mang thai bị căng thẳng tâm lý.

Tác giả nghiên cứu Catherine Limperopoulos cho biết: “Trong số những phụ nữ mang thai có mức độ căng thẳng cao, chúng tôi có thể thấy những tác động tiêu cực lên não của thai nhi, bao gồm cả sự gián đoạn sinh hóa của não”.

Kết quả nghiên cứu chỉ giới hạn ở những phụ nữ mang thai có con phát triển bệnh tim bẩm sinh trong tử cung, đây có thể là nguyên nhân chính gây căng thẳng cho phụ nữ khi mang thai.

Limperopoulos, người đứng đầu Trung tâm Phát triển Não bộ tại Hệ thống Y tế Quốc gia Trẻ em ở Washington, DC, đã khảo sát phụ nữ mang thai về mức độ căng thẳng của họ thường xuyên kể từ năm 2014. Dựa trên 163 câu trả lời từ trước đại dịch, 18% báo cáo vừa phải mức độ lo lắng cao; 12% báo cáo các triệu chứng trầm cảm; và 26% nói rằng họ cảm thấy căng thẳng.

Khi đại dịch xảy ra, nhóm của cô đã lặp lại cuộc khảo sát với 35 phụ nữ mang thai. Kết quả rất ấn tượng, tăng gấp đôi và gần gấp 3% đó. Trong số 35 câu trả lời, 50% có mức độ lo lắng từ trung bình đến cao; 35% cảm thấy chán nản; và 71% ở mức độ vừa phải đến căng thẳng cao độ.

Limperopoulos nói: “Ngay cả trong trường hợp người mẹ không có nguy hiểm và em bé đang phát triển tốt, thực sự vẫn có một tỷ lệ đáng báo động về các vấn đề sức khỏe tâm lý từ những người phụ nữ này”.

Keri Toner, 33 tuổi, ở Washington, DC, cho biết đại dịch đã làm gia tăng mức độ căng thẳng chưa từng có. Con gái cô, Lennon, được sinh ra một tháng trước.

Keri Toner trong suốt thời kỳ mang thai và sau này, cùng với con gái Lennon của cô. (Ảnh: Nbcnews)

Đó là lần mang thai đầu tiên của cô ấy, theo cô đó là “khoảng thời gian đầy căng thẳng. Rồi đại dịch ập đến, tôi thực sự cảm thấy mình mất kiểm soát”, Toner nhớ lại.

Đối với Bradshaw, lý do cô bị căng thẳng bởi Covid-19 trong thời kỳ mang thai thật đáng kinh ngạc. Sáu người trong gia đình cô, bao gồm cả chồng cô, bị nhiễm Covid-19 sau khi tham dự một đám tang vào tháng 3/2020. Ít nhất ba thành viên trong gia đình phải nhập viện. Hai trong số họ đã chết, bao gồm cả bố chồng của Bradshaw. Nội quy bệnh viện đã cấm gia đình ở bên ông khi ông qua đời. Ông đã không thể sống để gặp cháu trai của mình khi cậu bé được sinh ra vào tháng 6/2020.

Bradshaw nói: “Trải nghiệm này thật kinh khủng”. Không ai biết liệu cô ấy có bị nhiễm bệnh hay không. Bác sĩ của cô ấy đã từ chối xét nghiệm vì cô ấy không có triệu chứng của Covid-19.

Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhóm thiểu số chủng tộc, đặc biệt là người Mỹ da đen. Các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật đã báo cáo rằng tỷ lệ người da màu có khả năng nhiễm Covid-19 cao hơn người da trắng. Các bệnh sẵn có như bệnh tiểu đường Loại 2, huyết áp cao và béo phì đều phổ biến hơn trong các cộng đồng người da màu và tất cả đều làm tăng nguy cơ biến chứng Covid-19.

Bradshaw và Toner phải rất chú ý đến sức khỏe tinh thần của họ vì cả hai đều đang trong giai đoạn hậu sản. Ngay cả trong những trường hợp bình thường, tình trạng kiệt sức và tổn thương về thể chất khi sinh con có thể đặc biệt gây khó khăn.

Dựa trên nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ giữa căng thẳng của người mẹ và sự phát triển não bộ của thai nhi bị suy giảm, Limperopoulos và nhóm của cô tại Children National hiện đang tập trung nghiên cứu các cách để giảm bớt căng thẳng trong thai kỳ. Bà nói: “Căng thẳng là một yếu tố rủi ro có thể thay đổi được”. Nhóm đã bắt đầu một nghiên cứu có tên là Dự án RESCUE , với mục tiêu thu hút  500 phụ nữ. Những người tham gia nghiên cứu sẽ được chọn ngẫu nhiên vào các chương trình khác nhau, chẳng hạn như chánh niệm, yoga, kỹ thuật thở và sức khỏe giấc ngủ.

Dự án nghiên cứu sẽ theo dõi những người phụ nữ và trẻ sơ sinh của họ đến hết 3 tuổi. “Hy vọng của chúng tôi là cho thấy việc giảm mức độ căng thẳng và lo lắng cũng có thể có tác động tích cực đến sự phát triển của em bé”, Limperopoulos nói.

Bradshaw một phần đã phải dựa vào những người bạn để cô trút bỏ những căng thẳng. Ngay cả việc tắm cho em bé của Bradshaw cũng phải được thực hiện thông qua Zoom (ứng dụng gọi video). Nhưng Bradshaw cho biết đức tin của cô và việc thực hành thiền định đã giúp ích khá nhiều. “Chỉ cần 10 phút thôi, hãy bước ra ngoài để thiền. Điều này cũng có thể giúp bạn đạt được sự ổn định khi cả ngày của bạn cảm thấy hỗn loạn, chỉ cần bạn có thể thở nhẹ nhàng”, Bradshaw nói. “Hoặc là tôi có thể bị căng thẳng, nhưng tôi sẽ không để sự căng thẳng lấn át mình”, cô nói.

Cho đến thời điểm này, vẫn không có bằng chứng nào cho thấy Covid-19 truyền từ mẹ sang thai nhi trong tử cung hoặc qua nhau thai. Tuy nhiên, cần dữ liệu lớn hơn để loại trừ chắc chắn khả năng lây truyền dọc qua nhau thai để khẳng định điều này.

MINH HẠ (Theo Nbcnews)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn KDPT